

Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng Hương Sen
Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Sen là Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với 100 giường bệnh điều trị nội trú. Bệnh viện được thành lập với tên gọi đầu tiên là Trung tâm Hương Sen theo QĐ số 489/QĐ-UBND ngày 20/6/1997, năm 2006 được đổi tên là Trung tâm PHCN Hương Sen, đến ngày 29/12/2014 chính thức đổi tên thành Bệnh viện PHCN Hương Sen theo QĐ số 517/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang. Xếp hạng Bệnh viện hạng III.
Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Sen đã tập trung đầu tư đầy đủ các loại máy hiện đại, như: Điện từ trường toàn thân, máy sung điện, máy điều trị sóng sung kích, máy siêu âm nhiệt nóng lạnh, điện phân, siêu âm điều trị, tử ngoai, hồng ngoại, laser nội mạch, laser quang châm, máy tập nhược thị… Đồng thời trong những năm qua, một số máy phục vụ cận lâm sàng, như: Máy huyết học tự động, máy sinh hóa, máy đo tật khúc xạ…
Nhờ đầu tư trang thiết bị đồng bộ nên việc tổ chức điều trị cho bệnh nhân của Bệnh viện đã diễn ra một cách thuận lợi và mang lại hiệu quả cao trong công tác phục hồi chức năng cho người bệnh, đúng với lộ trình quy hoạch phát triển y tế của tỉnh. Đồng thời bệnh viện cũng đã phát triển được một số kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên sâu mà trước đây bệnh nhân phải chuyển tuyến về trung ương, trong đó tiêu biểu nhất là kỹ thuật nắn chỉnh bàn chân khèo bằng phương pháp ponceti , làm chân giả; ngôn ngữ trị liệu, điều trị cho trẻ em bị tự kỷ, câm điếc bẩm sinh…
Đi đôi với công tác hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, Bệnh viện cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố về con người, trong đó tập trung nâng cao chất lượng về y đức và nâng cao chất lượng chuyên khoa sâu cho những cán bộ trực tiếp làm công tác phục hồi chức năng. Với đặc thù là đơn vị tiếp nhận những bệnh nhân khuyết tật ở nhiều địa phương đến điều trị, do vậy việc nắm bắt tâm lý để có phương pháp tốt nhất cho từng đối tượng khác nhau là yếu tố quyết định đến sự thành công của mỗi ca điều trị tại đây.
Hàng loạt cán bộ y bác sỹ, kỹ thuật viên đã được đào tạo chuyên sâu và được được bệnh viện cử đi tham gia các lớp tập huấn theo từng chuyên ngành cụ thể, đã giúp những người làm công tác phục hồi chức năng ở Bệnh viện có điều kiện để từng bước nâng cao tay nghề, nâng cao y đức.