

Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng Thái Bình
Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1970, tên gọi đầu tiên là Bệnh viện Điều dưỡng cán bộ Thái Bình (Bệnh viện Đồng Châu). Bệnh viện có nhiệm vụ khám, điều trị PHCN cho bệnh nhân bệnh nội, ngoại trú, tổ chức khám chữa bệnh ban đầu, an dưỡng cho người bệnh và các đối tượng khác có nhu cầu; Tham mưu giúp Sở Y tế về công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên khoa PHCN ở tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Bệnh viện luôn được UBND tỉnh, Sở Y tế và các sở ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện khuôn viên khang trang sạch đẹp, thiết bị chuyên khoa hiện đại đồng bộ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh PHCN chất lượng cao, đối tượng phục vụ được mở rộng cho tất cả những người tham gia bảo hiểm y tế và nhân dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu. Đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa được đào tạo chính quy vững vàng về chuyên môn, tinh thần phục vụ tận tình chu đáo, thái độ cởi mở, thân thiện, luôn sẵn sàng chia xẻ, giúp đỡ người bệnh với mục tiêu đạt hiệu quả phục hồi chức năng cao nhất; Nhiều kỹ thuật hiện đại được thực hiện tại bệnh viện như: Siêu âm chẩn đoán; X quang; Xét nghiệm; điện tim; lưu huyết não; nội soi tai mũi họng; siêu âm điều trị; trường cao áp; điện phân; điện xung; kích thích liền xương; Laser châm, laser nội mạch; Biofeedback, hồng ngoại, tử ngoại điều trị, sóng ngắn; kéo nắn cột sống;… mang lại hiệu quả điều trị vượt bậc.
Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình đã khẳng định được vị trí của mình là cơ sở chuyên khoa PHCN có kỹ thuật cao của Ngành Y tế. Định hướng đến năm 2030, Bệnh viện PHCN Thái Bình tiếp tục phát huy vai trò của bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh; Nâng quy mô từ 170 giường bệnh hiện nay đến năm 2025 đạt 250 giường; Mở rộng các mô hình dịch vụ: chăm sóc điều trị theo yêu cầu, điều trị PHCN tại nhà; Tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật; Thực hiện nhiệm vụ đào tạo liên tục, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở; Thực hiện phục hồi chức năng tại cộng đồng và dựa vào cộng đồng; Áp dụng các cơ chế thuận lợi để huy động nguồn vốn xây dựng, cải tạo, nâng cấp các khu kỹ thuật; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho triển khai các kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật cao: từ trường xuyên sọ, sóng xung kích, ôxy cao áp, laser công suất cao, từ trường siêu dẫn, hệ thống robot PHCN... ; mở rộng các chuyên ngành sâu về PHCN theo hướng PHCN chuyên biệt, chú trọng Ngôn ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu, Tâm lý trị liệu, Sản xuất dụng cụ chỉnh hình; Chủ động tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao và đáp ứng kịp với xu hướng dân số già đang ngày càng rõ nét; Thành lập mới các khoa điều trị chuyên sâu: khoa ngôn ngữ trị liệu, khoa hoạt động trị liệu, khoa an dưỡng lão theo lộ trình thực hiện Kế hoạch quốc gia về phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch phát triển Phục hồi chức năng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020 ban hành theo Quyết định số 3355/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đến năm 2030 quy mô giường bệnh là 300, có các khoa điều trị cho người khiếm thính, khiếm thị.