Trong cuộc sống hàng ngày, bạn vẫn thường bắt gặp các thông tin về ô nhiễm không khí do bụi mịn và những ảnh hưởng nguy hiểm của bụi mịn tới sức khoẻ. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên báo động do các công trình xây dựng, phương tiện giao thông ngày một nhiều. Vậy bụi mịn là gì và đến từ đâu? Bụi mịn thật sự gây hại như thế nào cho sức khoẻ của con người và môi trường thiên nhiên? Hãy cùng IsofHcare tìm hiểu qua bài viết sau đây!

Bụi là gì? Bụi mịn là gì?
Bụi là một trong các thành phần của không khí, chứa các loại chất hữu cơ hoặc vô cơ, bay lơ lửng trong không trung. Chúng bao gồm: sulfate, amoniac, nitrat, natri clorua, carbon, một số kim loại và nước… Nồng độ bụi siêu mịn trung bình có trong 1 mét khối không khí trong thời gian 24 giờ, được khí hiệu là PM. Có 3 loại bụi mịn phổ biến là PM10, PM2.5 và PM1.0.
- PM10: các hạt bụi siêu nhỏ có kích thước lớn hơn 2,5 micromet và nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet.
- PM2.5: các hạt bụi siêu nhỏ có kích thước lớn hơn 1 micromet và nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet.
- PM1.0: các hạt bụi siêu nhỏ có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 1 micromet.
Bụi mịn đến từ đâu?

Các nghiên cứu khoa học cho biết, bụi mịn có thể được sinh ra trong tự nhiên nhưng chủ yếu là do hoạt động công nghiệp của con người. Nguồn gốc sinh ra bụi mịn:
- Hoạt động của núi lửa, cháy rừng
- Bão cát
- Phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng
- Đốt rơm rạ, bếp củi
- Khí thải từ các phương tiện giao thông
- Các mỏ khai thác than đá, quặng…
- Hoạt động của các nhà máy nhiệt điện và nhà máy công nghiệp nặng
- Khí thải của các công trình xây dựng
- Hút thuốc lá
Gọi hotline 19003367 hoặc Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám ưu tiên, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi tại các Bệnh viện tuyến trung ương và các phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
Tác hại của bụi mịn đối với cơ thể
Với kích thước siêu nhỏ (chỉ bằng 1/30 kích thước của sợi tóc người bình thường), bụi mịn dễ dàng xâm nhập vào hệ thống hô hấp và gây hại cho sức khỏe. Bụi mịn PM10 và PM2.5 khi đi vào đường thở của chúng ta sẽ gây ra các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, khó thở, viêm họng, viêm phế quản, khô mắt.... Loại bụi mịn này sẽ tích tụ ở phổi và lâu dài sẽ gây suy giảm chức năng của phổi, tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. Đối với các bệnh nhân có tiền sử bị bệnh lý hô hấp từ trước, việc di chuyển đến sinh sống ở các vùng ô nhiễm không khí do bụi mịn sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong.
Khác với 2 loại trên, bụi PM1.0 không những tích tụ ở phổi mà còn có khả năng xâm nhập vào các phế nang, vượt qua hàng rào khí – máu để đi trực tiếp vào hệ tuần hoàn, gây ra các bệnh toàn thân, đặc biệt là các bệnh về máu và tim mạch. Bụi mịn PM1.0 có thể tấn công các thế bào thần kinh, gây suy giảm trí nhớ ở người già (bệnh Alzheimer), thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ thống AND gây đột biến gen. Bụi mịn gây ra sự mất cân bằng oxy và khiến cho các tế bào khỏe mạnh của con người bị hủy hoại.
Bụi mịn cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh ung thư, vô sinh trên thế giới, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và các vùng đô thị sầm uất có nhiều công trình xây dựng. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ô nhiễm không khí do bụi mịn và ung thư có mối quan hệ tỉ lệ thuận với nhau.
Ở phụ nữ có thai, bụi mịn gây tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén, thai chậm phát triển, đẻ non.. Không những vậy, bụi mịn cũng là tác nhân dẫn đến các chứng bệnh rối loạn tâm lý, tự kỷ ở trẻ nhỏ.
Với sự tiến bộ của y học, khoa học môi trường, vật lý, sinh hóa,… càng ngày con người càng nghiên cứu và phát hiện ra nhiều tác hại của bụi mịn tới sức khỏe. Một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ đại học Saint Louis Mỹ cho biết, gia tăng nồng độ bụi mịn trong không khí có ảnh hưởng đến chức năng thận, phát triển các bệnh về thận gây suy thận. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ (JASN).
Mới đây, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học từ Proceeding of the National Academies of Science (PANS) đã phát hiện ra các hợp chất từ tính trong não người. Họ cho rằng các hạt bụi có kích thước siêu nhỏ trong không khí có khả năng xâm nhập vào hàng rào máu não, tích tụ và tấn công trực tiếp vào não người. Điều này gây ra mối lo ngại ngoài sức tưởng tượng về ảnh hưởng của bụi mịn tới sức khỏe.
Có thể thấy rằng, bụi mịn có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chúng ta. Vậy làm sao để biết mức độ ô nhiễm bụi mịn và cách phòng tránh như thế nào? Hãy tiếp tục cùng chúng tôi tìm hiểu để trả lời câu hỏi trên.
Làm thế nào để biết mức độ ô nhiễm bụi mịn?

Để biết chất lượng không khí tại một khu vực đang ở mức độ nào, người ta dựa vào chỉ số chất lượng không khí AQI. Các chỉ số này được đo thường xuyên và liên tục cập nhật. Bạn có thể cập nhật kết quả qua các trang web, ứng dụng trên điện thoại hoặc qua các phương tiện như báo, tạp chí, các kênh truyền hình, thời sự...
Ở Việt Nam, tại TP.HCM và Hà Nội, bụi mịn trong không khí thường bị cảnh cáo ở mức báo động, gấp 2-3 lần so với chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO, chỉ đứng sau một vài nơi có mức độ ô nhiễm nhất nhì thế giới như thủ đô New Delhi (Ấn Độ) và Hồng Kông (Trung Quốc).
Cần làm gì để phòng tránh bụi mịn?
Đứng trước các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng của bụi mịn, chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình và mọi người xung quanh?
- Bảo vệ môi trường: Hạn chế sử dụng xe máy, ô tô khi không cần thiết. Nếu khoảng cách từ nhà đến chỗ làm của bạn không quá xa, bạn có thể cân nhắc tới việc chuyển sang sử dụng xe đạp để di chuyển, không những tốt cho sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường. Một cách khác là bạn có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin về mức độ ô nhiễm không khí.
- Các loại khẩu trang y tế thông thường không có tác dụng chống bụi mịn, các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta nên sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng.
- Sử dụng máy lọc không khí trong nhà. Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy lọc không khí tự động giúp lọc được hạt bụi PM10 và PM2.5. Đây là lựa chọn lý tưởng cho bạn và gia đình, giúp không gian sống trong lành và an toàn hơn.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và nơi làm việc sẽ giúp loại bỏ một phần bụi mịn bám trên bề mặt sàn nhà và các thiết bị. Bạn nên trồng một số loại cây như cây lưỡi hổ, trầu bà, trúc mini, v.v… vừa là vật trang trí, vừa giúp lọc không khí, loại bỏ bức xạ phát ra từ các thiết bị điện.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Tăng cường vitamin, chất xơ và khoáng chất trong khẩu phần ăn để hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh.
- Đến những nơi nhiều cây xanh, gần gũi thiên nhiên như công viên, vườn bách thảo. Tạo các buổi picnic vào cuối tuần ở nơi có không khí trong lành sẽ giúp bạn và gia đình tránh xa không khí ô nhiễm, làm sạch hệ thống hô hấp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Hạn chế ra ngoài đường vào giờ cao điểm hay các con đường đông đúc.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh xa khói thuốc lá.
Bụi mịn đang dần trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người. Hiểu rõ tác hại của bụi mịn, thường xuyên cập nhật thông tin các chỉ số ô nhiễm không khí sẽ giúp bạn có những biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bài viết Y học thường thức và Hướng dẫn khám bệnh với những thông tin tin cậy, chính xác và dễ hiểu nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.