Nổi phát ban sau sốt ở người lớn là tình trạng mà khá nhiều người gặp phải. Liệu tình trạng này có nguy hiểm tới sức khỏe hay không? Nguyên nhân chính do đâu và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng IVIE - Bác sĩ ơi giải đáp chi tiết cho thắc mắc đó trong bài viết dưới đây.
Nổi phát ban sau sốt ở người lớn là bệnh gì?
Sau khi bị sốt, nhiều người thường gặp tình trạng bị nổi mẩn đỏ, phát ban, gây hoang mang, lo lắng. Và hiện tượng này thường là cảnh báo của hai bệnh lý sốt phát ban hoặc sốt xuất huyết.
Sốt phát ban và các dấu hiệu
Sốt phát ban gây ra tình trạng sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban các nốt đỏ trên da gây ngứa ngáy và khó chịu. Sốt phát ban thường do các loại virus gây ra như human herpes 6, rubella, virus sởi, human herpes 7,...Một số trường hợp, sốt phát ban còn có thể xảy ra do các vết cắn của côn trùng như rận, chấy, bọ chét,... Bệnh lý này có thể lây lan từ người này qua người khác thông qua đường hô hấp, tiếp xúc cơ thể hoặc sử dụng chung đồ.

Sốt phát ban gây ra các nốt ban đỏ ngứa ngáy, khó chịu khắp cơ thể
Các triệu chứng của bệnh sẽ thường bắt đầu xuất hiện từ 5-14 ngày sau khi bị nhiễm trùng bởi các vi khuẩn, virus. Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh lý này là:
-
Sốt cao: Người bị sốt phát ban thường có dấu hiệu đặc trưng đó là bị sốt rất cao và đột ngột, khiến nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên trên 39 độ C.
-
Da bị nổi ban đỏ: Trên da của người bệnh sẽ bị nổi các nốt đỏ. Ban đầu các nốt sẽ có màu hồng nhạt và ở dạng phẳng, sau đó sẽ dần chuyển sang màu đỏ và nổi trên bề mặt da. Các nốt ban đỏ thường nổi trên toàn thân. Với các trường hợp bệnh nhẹ thì ban đỏ sẽ chỉ xuất hiện trên da từ vài tiếng đến 1 ngày. Còn một số trường hợp nặng hơn thì ban đỏ có thể tồn tại vài ngày.
-
Bị sưng hạch: Nổi phát ban sau sốt ở người lớn do sốt phát ban có thể gây ra hiện tượng hạch nổi ở cổ và quai hàm. Điều này là do hệ miễn dịch của cơ thể đang phản ứng lại với tác nhân gây ra bệnh.
-
Một số dấu hiệu khác mà người bệnh có thể gặp phải như tiêu chảy nhẹ, viêm họng, chán ăn, mệt mỏi,...Đôi khi nếu sốt cao kéo dài thì người bệnh còn có nguy cơ bị co giật hoặc ngất xỉu.
Sốt xuất huyết và các dấu hiệu
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus Dengue. Nguyên nhân chính là do muỗi vằn đã truyền loại virus này từ người bệnh sang người khoẻ mạnh. Sốt xuất huyết thường xảy ra quanh năm nhưng gia tăng vào mùa mưa, khi muỗi phát triển và sinh sản nhiều hơn.
Sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới dạng nặng, làm tăng nguy cơ bị chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột và thậm chí là tử vong.

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết là do muỗi vằn truyền virus dengue từ người bệnh sang người khoẻ mạnh
Bệnh lý này thường xảy ra theo 3 giai đoạn của bệnh là:
Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, kéo dài từ 4-7 ngày sau khi bị muỗi đốt, đau đầu liên tục, đau khớp và cơ, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc là chảy máu mũi. Trên cơ thể người bệnh cũng bắt đầu có các ban đỏ từ 3-4 ngày sau khi sốt và sẽ thuyên giảm sau 1-2 ngày.
Giai đoạn này sẽ diễn ra vào ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh và khi đó người bệnh có thể vẫn còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số dấu hiệu mà người bệnh cần lưu ý trong giai đoạn này là:
-
Người bệnh bị đau bụng dữ dội hoặc bị tăng cảm giác đau, đặc biệt ở vùng gan
-
Có dấu hiệu vật vã, nôn ói, li bì
-
Xuất hiện các biểu hiện của thoát huyết tương và nếu tình trạng trở nặng hơn thì có thể bị sốc, lạnh đầu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, nổi vân tím, da lạnh, tiểu ít,...
-
Người bệnh có thể bị tràn dịch màng phổi, phù nề mí mắt hoặc suy hô hấp
-
Bên cạnh đó, trên cơ thể người bệnh có các xuất huyết ở dưới da, xuất hiện rải rác hoặc ở mặt trước hai cẳng chân và ở mặt trong của hai cánh tay. Khi bị xuất huyết niêm mạc, người bệnh có thể bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu ra máu.
Một số trường hợp nặng hơn có thể gặp các biểu hiện của suy tạng nư tổn thương ở gan, suy đa cơ quan.
Giai đoạn này sẽ diễn ra vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh. Người bệnh lúc này sẽ cắt được sốt, thể trạng tốt hơn và bắt đầu có cảm giác thèm ăn, tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm sẽ thấy chỉ số tiểu cầu tăng và dần trở về trạng thái bình thường.

Xét nghiệm máu ở giai đoạn phục hồi sẽ cho thấy chỉ số tiểu cầu tăng trở lại
Làm gì khi bị nổi phát ban sau sốt?
Để điều trị nổi phát ban sau sốt ở người lớn, người bệnh cần tới các bệnh viện để được thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị dựa vào bệnh lý mà mình đang mắc phải. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh, điều quan trọng cần làm đó là người bệnh cần tới thăm khám để được các bác sĩ tư vấn và không nên tự điều trị tại nhà.
Một số trường hợp tự điều trị tại nhà có thể dẫn tới việc điều trị không đúng cách, sử dụng sai thuốc hoặc dùng sai mục đích sẽ khiến cho bệnh trở nặng hơn. Hoặc thậm chí, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, khi lựa chọn các cơ sở thăm khám, người bệnh cũng nên lựa chọn những cơ sở được Bộ y tế cấp phép hoạt động, có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi cũng như bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến để hỗ trợ cho quá trình thăm khám.

Khi có các triệu chứng, người bệnh cần tới thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh
Cách chăm sóc người lớn khi bị nổi phát ban sau sốt
Người bị nổi phát ban sau sốt ngoài việc sử dụng đúng các đủ các loại thuốc điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra thì có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để sớm khỏi bệnh:
-
Uống nhiều nước và bổ sung thêm điện giải: Khi bị sốt thì người bệnh sẽ cần bổ sung đủ nước để giúp hạ sốt nhanh chóng cũng như hạn chế được nguy cơ mất nước và các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh ngoài uống nước lọc thì có thể bổ sung thêm các loại nước ép rau củ, hoa quả, hoặc bổ sung nước điện giải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
-
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Đây là điều cực kỳ quan trọng với người bị nổi phát ban sau sốt. Nhiều người thường lầm tưởng rằng khi sốt thì nên kiêng nước. Tuy nhiên người bệnh có thể vệ sinh cơ thể nhanh bằng nước ấm, mặc các bộ quần áo rộng rãi, chất liệu mềm mại để tránh cọ sát vào các nốt phát ban.
-
Nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng: Khi cơ thể mệt mỏi do bị sốt, phát ban thì người bệnh sẽ cần nghỉ ngơi, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ để hiệu quả điều trị bệnh tốt hơn. Người bệnh sẽ cần một không gian yên tĩnh, thoáng đãng với nhiều ánh sáng để giúp phục hồi cơ thể và tinh thần.
-
Bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm dinh dưỡng, lành mạnh: Cơ thể người bệnh trong giai đoạn này sẽ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Do đó cần bổ sung thêm các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất để cải thiện hệ miễn dịch và ức chế sự phát triển của virus.

Uống đủ nước để hạn chế mất nước và giúp hạ sốt
Tổng kết lại, nổi phát ban sau sốt ở người lớn là triệu chứng cảnh báo hai bệnh lý nguy hiểm là sốt phát ban và sốt xuất huyết. Do biểu hiện ở mỗi người khác nhau nên bạn sẽ cần tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Đồng thời, đừng quên phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng cũng như sử dụng các biện pháp phòng tránh và diệt muỗi.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.