Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm do virus HCV gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến gan và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều người thắc mắc viêm gan C có lây không và nếu có thì lây qua những con đường nào? Hãy cùng IVIE - Bác sĩ ơi tìm hiểu chi tiết về viêm gan C trong bài viết dưới đây.
Viêm gan C có lây không?
Viêm gan C là một bệnh nhiễm trùng do virus HCV tấn công gan, gây viêm và làm suy giảm chức năng gan. Nếu không được điều trị kịp thời, virus có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng, hình thành mô xơ, lâu dài gây xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
Căn bệnh này có khả năng lây nhiễm từ người nhiễm virus sang người khỏe mạnh. Do đó, việc hiểu rõ các con đường lây truyền là điều cần thiết để áp dụng biện pháp phòng tránh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Tìm hiểu thêm về viêm gan C có lây không?
Lây nhiễm qua máu
Virus HCV có thể lây qua đường máu, đặc biệt khi truyền máu hoặc sử dụng các chế phẩm từ máu của người nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc dùng lại dụng cụ y tế mà không được khử trùng đúng cách, hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân dễ gây trầy xước như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,… cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các thủ thuật như xăm mình, bấm lỗ tai, châm cứu,… nếu không đảm bảo vô trùng dụng cụ cũng có thể trở thành nguồn lây lan virus, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc.
Quan hệ tình dục không an toàn
Virus HCV có thể tồn tại trong tinh dịch và dịch tiết âm đạo, do đó, việc quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm viêm gan C có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, nguy cơ này cao hơn khi quan hệ có vết thương hở, trầy xước hoặc không sử dụng biện pháp bảo vệ phù hợp.
Truyền từ mẹ sang con
Virus HCV có khả năng lây từ mẹ sang con, nhưng tỷ lệ này khá thấp. Nguy cơ lây nhiễm cao nhất thường xảy ra trong quá trình sinh nở, khi máu của mẹ có thể tiếp xúc trực tiếp với trẻ sơ sinh do nhau thai bong tróc.
Đối với mẹ đang cho con bú, cần đặc biệt chú ý nếu đầu vú bị nứt hoặc chảy máu, vì virus có thể truyền sang bé qua sữa mẹ. Trong những trường hợp này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Viêm gan C có truyền từ mẹ sang con
Bị lây nhiễm viêm gan C thì phải làm sao?
Nhiều người lo lắng khi mắc viêm gan C và tự hỏi liệu bệnh có thể chữa khỏi không. Thực tế, dù ở giai đoạn cấp tính hay mãn tính, người bệnh vẫn có cơ hội phục hồi nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Ở giai đoạn cấp tính
Mục tiêu chính trong giai đoạn này là ngăn bệnh chuyển sang mãn tính. Một số trường hợp có thể tự khỏi nhờ hệ miễn dịch tạo đủ kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả loại bỏ virus, người bệnh cần hỗ trợ hệ miễn dịch bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
Ở giai đoạn mãn tính
Nhiều người băn khoăn liệu viêm gan C ở giai đoạn mãn tính có thể chữa khỏi hay không. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách trước khi xảy ra biến chứng, người bệnh vẫn có khả năng phục hồi. Trong quá trình điều trị, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc kháng virus nhằm loại bỏ HCV khỏi cơ thể.

Bị lây nhiễm viêm gan C thì phải làm sao? Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ gan:
-
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại virus. Người bệnh cần cân bằng giữa các nhóm chất như đạm, tinh bột, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol xấu như nội tạng động vật, đồ chiên rán, lòng đỏ trứng để tránh gây áp lực lên gan.
-
Loại bỏ thói quen gây hại cho gan: Để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, người bệnh nên tránh xa rượu, bia, thuốc lá, không thức khuya, không nhịn tiểu và hạn chế tình trạng táo bón để giảm gánh nặng cho gan.
Cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan C
Phòng ngừa ban đầu
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng viêm gan C, vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Dưới đây là một số cách giúp giảm nguy cơ lây nhiễm:
-
Hạn chế tiêm chích không cần thiết và đảm bảo an toàn để tránh nguy cơ tiếp xúc với dụng cụ tiêm không vô trùng.
-
Không dùng chung vật dụng cá nhân như kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm bấm móng tay… vì chúng có thể dính máu.
-
Chọn cơ sở uy tín khi thực hiện các thủ thuật có tiếp xúc với da như xăm hình, xỏ khuyên, châm cứu… và đảm bảo dụng cụ được khử trùng đúng cách.
-
Xử lý chất thải sắc nhọn an toàn, đặc biệt là kim tiêm và các vật dụng có nguy cơ nhiễm máu.
-
Tránh sử dụng ma túy và không dùng chung dụng cụ tiêm chích để ngăn ngừa lây nhiễm qua đường máu.
-
Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su, vệ sinh kỹ dụng cụ hỗ trợ tình dục và hạn chế quan hệ trong thời kỳ kinh nguyệt nếu mắc viêm gan C.
-
Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để xác định nguy cơ nhiễm bệnh. Trong thai kỳ, mẹ bầu cần thăm khám thường xuyên để kiểm soát nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
-
Hướng dẫn trẻ em về cách bảo vệ bản thân để tránh nguy cơ lây nhiễm khi đi học hoặc tiếp xúc với bạn bè.

Không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh viêm gan C
Phòng ngừa thứ cấp và tam cấp
Những người nhiễm virus viêm gan C cần được tư vấn và hướng dẫn đầy đủ về các lựa chọn điều trị để kiểm soát bệnh hiệu quả.
-
Bảo vệ sức khỏe gan bằng cách tiêm vắc xin phòng viêm gan A và viêm gan B nhằm ngăn ngừa nguy cơ đồng nhiễm với các virus này.
-
Tuân thủ phác đồ điều trị nếu có chỉ định sử dụng thuốc kháng virus, đồng thời điều trị sớm và đúng cách để nâng cao hiệu quả loại bỏ virus HCV.
-
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe gan để kịp thời phát hiện các dấu hiệu tổn thương hoặc bệnh lý mãn tính, từ đó can thiệp sớm nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Qua bài viết trên, IVIE - Bác sĩ ơi tin bạn đã có thêm thông tin về viêm gan c có lây không. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại gửi thắc mắc tại mục hỏi đáp miễn phí với bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, hoặc liên hệ tổng đài 1900.3367 để được tư vấn.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.