Ngày nay, nhờ phương tiện đại chúng rộng rãi mà xã hội đã hiểu biết hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh động mạch vành. Nếu như cách đây 1-2 thập kỉ, căn bệnh này thường xảy ra ở người già nhưng ngày nay lại đang có xu hướng trẻ hóa. Điều này thực sự đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của đáng lo ngại cho mọi nhà và toàn xã hội. Do đó, hiểu rõ về bệnh lý này và biết được đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, từ đó đưa ra cách phòng ngừa phù hợp sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
1. Bệnh động mạch vành là gì?
Trước khi hiểu về thế nào là bệnh động mạch vành, ta cần biết động mạch vành là gì? Động mạch vành là hệ thống mạch máu nuôi dưỡng cho quả tim hoạt động. Một quả tim thông thường sẽ động mạch vành trái và phải, xuất phát từ gốc động mạch chủ và chạy trên bề mặt tim. Nhiệm vụ chính của hệ thống động mạch vành là mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng các cấu trúc trong tim, giúp tim hoạt động bình thường.
Bệnh động mạch vành (còn gọi là bệnh mạch vành) là những bất thường của hệ thống mạch vành. Căn bệnh này chủ yếu do sự tích tụ mảng xơ vữa bên trong thành động mạch gây tắc nghẽn. Lúc này cơ tim không được cung cấp đủ dưỡng khí, thiếu lưu lượng máu và oxy. Bệnh nhân có thể gặp các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Tình trạng kéo dài dễ dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng tim, dần dần ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Bệnh mạch vành không được chữa trị sớm có thể gây nhiều biến chứng rất có hại cho sức khỏe con người, trong đó nặng nhất là tử vong.
Khi triệu chứng bệnh có dấu hiệu thay đổi ảnh hưởng đến cơ thể hoặc khám bệnh định kỳ, thì bạn nên thực hiện thăm khám tại phòng khám, bệnh viện chuyên khoa tim mạch có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và dịch vụ y tế tốt, uy tín.
2. Triệu chứng sớm để phát hiện bệnh lý động mạch vành
Bệnh mạch vành nếu được phát hiện ra sớm có thể góp phần lớn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành có triệu chứng điển hình gọi là cơn đau thắt ngực. Một cơn đau thắt ngực được mô tả như sau:
- Tính chất đau: Đau như thắt lại, bóp nghẹt hoặc bị đè nặng trước ngực, đôi khi có cảm giác buốt giá.
- Vị trí: Cơn đau thường xuất hiện sau xương ức, đau cả một vùng chứ không phải một điểm. Đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vụ, sau lưng. Thường xuyên nhất là cơn đau sẽ lan xuống mặt trong tay trái, có khi sẽ lan xuống tận các ngón tay 4,5.
- Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện sau gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn quá no hoặc sau hút thuốc.
- Cơn đau thường chỉ kéo dài từ 3-5 phút, có thể dài hơn(không quá 20 phút).
Bệnh mạch vành nếu được phát hiện ra sớm có thể góp phần lớn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt ngực nhưng để xác định là bệnh động mạch vành thì cần có đủ 3 yếu tố sau:
- Đau thắt nghẹn sau xương ức với tính chất đau và thời gian điển hình.
- Xuất hiện sau khi gắng sức hoặc có xúc cảm mạnh.
- Cơn đau sẽ giảm khi nghỉ hoặc sử dụng nitrates.
Nếu thấy mình có biểu hiện của cơn đau thắt ngực, bạn nên đến ngay cơ sở y tê để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám tim mạch tại các bệnh viện tuyến trung ương, phòng khám uy tín hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin các CSYT và đặt lịch chủ động hơn!
1900 3367
3. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành là ai?
Bệnh mạch vành có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Người mắc bệnh động mạch vành thường chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố như di truyền, chế độ sinh hoạt, môi trường sống. Cụ thể là:
a. Yếu tố tuổi tác
Các biến cố về tim mạch xảy ra càng nhiều khi tuổi càng tăng lên. Tuổi tác thường là yếu tố ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trên cơ thể. Khi đến tuổi 60 -70, cơ thể dần lão hóa, hệ tim mạch cũng hoạt động kém chất lượng hơn. Từ đó có thể dẫn đến những bệnh lý tim mạch rất nguy hiểm. Tuy nhiên, mọi người có thể làm chậm lại quá trình lão hóa nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ. Thể dục mỗi ngày là thói quen cực kỳ tốt với hệ tim mạch.
Yếu tố tuổi tác ảnh hưởng đến bệnh mạch vành
b. Giới tính
Theo thống kê, số lượng nam giới có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn hẳn so với nữ giới. Tuy nhiên, sau mãn kinh, tốc độ gia tăng các bệnh lý về tim mạch cũng ngày càng gia tăng và khi đó, tỉ lệ mắc bệnh tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng của cả 2 giới là như nhau.
c. Yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình có người bị mắc bệnh mạch vành thì người thuộc thế hệ liền ngay trước hoặc liền ngay sau cũng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn. Đây gọi là yếu tố di truyền. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu trong gia đình có ông bà, bố mẹ mắc bệnh tim mạch thì con cháu cũng có nguy cơ mắc cao hơn so với người cùng tuổi, cùng các yếu tố sinh hoạt, môi trường. Không chỉ bệnh tim mạch mà cũng có nhiều bệnh bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền như cường giáp, hen phế quản, động kinh,... Yếu tố này giúp mọi người đánh giá nguy cơ sớm và có những cách phòng bệnh kịp thời.
d. Bệnh nền
Những bệnh nền ảnh hưởng trực tiếp và nguy cơ cao dẫn đến bệnh động mạch vành có thể kể đến như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường,...nói chung là nhóm bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa.. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất và cũng mạnh nhất dẫn bệnh lý tim mạch. Điều trị tăng huyết áp hiệu quả sẽ làm giảm đáng kể các biến chứng tim mạch.
Mỡ máu là thủ phạm chính dẫn đến các mảng xơ vữa động mạch. Các chất lipid chảy qua lòng mạch dần bám lại, tích tụ và gây tắc nghẽn lòng mạch. Lượng mỡ máu trong cơ thể ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ ăn uống hàng ngày. Bạn nên xây dựng một chế độ ăn nhiều rau xanh, ít chất béo xấu để đảm bảo có hệ tim mạch khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, bệnh động mạch vành còn là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường. Bệnh lý nội tiết này làm đẩy nhanh quá trình xơ vữa, tăng sự lắng đọng đường và chất béo trong lòng động mạch, từ đó gây ra các bệnh về tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng.
e. Sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Thuốc lá góp phần gây các bệnh như bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi và tăng khả năng đột quỵ. Rượu bia nếu uống ở mức độ vừa phải có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, nếu lượng cồn vượt quá mức cho phép của cơ thể, vượt quá khả năng thanh thải của gan, thận thì có thể sẽ dẫn đến hậu quả không lường trước được. Không chỉ bệnh tim mạch mà rượu bia, thuốc lá còn gây nhiều hậu quả xấu cho cơ thể cũng như cho những người xung quanh, xã hội. Do đó, bạn nên tránh xa những loại chất kích thích này.
f. Thừa cân - béo phì
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, béo phì là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh động mạch vành hay những bệnh về tim mạch khác. Nguyên nhân chính dẫn đến việc thừa cân là do ăn uống chưa điều độ và lười vận động. Ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ hay lối sống tĩnh mạch, ngồi hoặc nằm nguyên một chỗ khiến năng lượng không được tiêu hao và gây béo phì. Người béo phì nên hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo và tập thể dục đều đặn. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ hạn chế rõ rệt nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thừa cân - béo phì
Bên cạnh đó, còn có nhiều những yếu tố khác gây ảnh hưởng đến bệnh tim mạch mà chúng ta chưa để ý đến.
Hiểu rõ về bệnh động mạch vành và những đối tượng dễ mắc bệnh là kiến thức rất cần thiết đối với mỗi người. Bệnh mạch vành không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến suy tim và gây hại cho sức khỏe. Do đó, nếu thấy có các dấu hiệu khác thường ở vùng tim, hay nhận ra mình có cơn đau thắt ngực, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám kịp thời. IVIE - Bác sĩ ơi sẽ giúp bạn liên hệ, đặt lịch khám tới những bác sĩ tim mạch uy tín và chất lượng nhất.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.