Bệnh màng ngoài tim do ung thư, tia xạ và thuốc, nhiễm độc gây ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? Hãy cùng IVIE - Bác sĩ ơi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Bệnh màng ngoài tim do ung thư
a. Nguyên nhân bệnh màng ngoài tim do ung thư
Một số loại ung thư có thể di căn tới màng ngoài tim gây bệnh màng ngoài tim thứ phát như ung thư các cơ quan tại vùng ngực: phổi, vú, hệ lympho,…và một số ung thư ngoài vùng ngực như: ung thư hắc tố, lơxêmi,… U nguyên phát từ màng ngoài tim là rất hiếm gặp và thường là u trung biểu mô do phơi nhiễm amiăng.

Ung thư vú và ung thư phổi, 2 loại ung thư có thể gây bệnh màng ngoài tim
Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là tràn dịch màng ngoài tim tái phát nhiều lần với các mức độ khác nhau, từ ít đến nhiều kèm theo có thể xảy ra ép tim cấp trên lâm sàng. Đôi khi đây có thể là triệu chứng đầu tiên khiến người bệnh nhập viện nhưng cũng có thể là triệu chứng khiến họ phải vào viện liên tục cho tới khi chẩn đoán và điều trị được bệnh lý căn nguyên gây bệnh.
b. Chẩn đoán bệnh màng ngoài tim
Chẩn đoán xác định dựa trên sự thâm nhiễm của tế bào ác tính trong màng ngoài tim, thông qua chọc hút dịch làm tế bào và giải phẫu bệnh học. Tuy nhiên, tỉ lệ người bệnh mắc ung thư có tràn dịch màng ngoài tim do bệnh lý ung thư thực sự chỉ chiếm 33%, còn lại gần 70% người bệnh tràn dịch màng ngoài tim do xạ trị hoặc do dùng thuốc điều trị ung thư, các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội mắc phải,…
c. Điều trị bệnh màng ngoài tim
Điều trị tùy thuộc vào bệnh màng ngoài tim: mức độ tràn dịch nhiều hay ít, có ép tim cấp hay không và loại cũng như giai đoạn bệnh lý ung thư gây tràn dịch màng ngoài tim. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh màng ngoài tim thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư nguyên phát. Do đó, điều trị bệnh màng ngoài tim do ung thư chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh màng ngoài tim song song với điều trị bệnh lý ung thư là chủ đạo.

Điều trị bệnh lý ung thư là biện pháp chủ đạo
Chọc hút dẫn lưu màng ngoài tim khi có chỉ định nhằm giải phóng tình trạng chèn ép màng ngoài tim và làm xét nghiệm tìm tế bào ung thư trong dịch để xác định chẩn đoán và định hướng căn nguyên gây bệnh. Nếu vị trí dẫn lưu khó hoặc ở vị trí khó chọc hút có thể mở màng tim tối thiểu dưới xương ức để dẫn lưu màng ngoài tim.

Chọc hút dịch màng ngoài tim giúp cải thiện triệu chứng, hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi người bệnh
- Cân nhắc phẫu thuật mở màng tim qua đường mở ngực bên trái đối với người bệnh có bệnh lý ung thư tiên lượng tốt, có khả năng đáp ứng với điều trị ung thư, hóa chất hoặc xạ trị, tiên lượng sống 5 năm và 10 năm lâu dài cao.
- Đối với người bệnh có tiên lượng bệnh ung thư xấu, thời gian sống còn ít, tràn dịch màng ngoài tim tái phát nhiều lần, có thể tạo cửa sổ màng tim màng phổi bằng bóng qua da cho phép dẫn lưu dịch từ màng tim sang màng phổi, giúp điều trị giảm nhẹ cho người bệnh.
- Có thể sử dụng thuốc kìm tế bào hoặc thuốc xơ hóa màng ngoài tim nhằm ngăn ngừa tái phát trên những người bệnh có tràn dịch màng ngoài tim mức độ nhiều. Các loại thuốc để tiêm vào màng tim này phụ thuộc vào loại khối u: Cisplatin trong trường hợp ung thư phổi, Thiotepa trong ung thư vú, Tetracyline có hiệu quả trong gần 90% trường hợp người bệnh giúp gây xơ hóa màng tim.
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám tim mạch tại các bệnh viện tuyến trung ương, phòng khám uy tín hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin các CSYT và đặt lịch chủ động hơn!
1900 3367
2. Viêm màng ngoài tim do tia xạ
- Nằm trong nhóm gần 70% người bệnh mắc bệnh màng ngoài tim do ung thư, tia xạ là một trong những nguyên nhân thường gặp gây viêm màng ngoài tim. Người bệnh thường mắc các bệnh lý ung thư cơ quan vùng ngực như ung thư lympho, ung thư phổi, ung thư vú và cần tia xạ vào vùng này. Nguy cơ viêm màng ngoài tim phụ thuộc vào thời gian chiếu tia, liều tia, diện tích vùng ngực được chiếu của người bệnh. Bên cạnh đó, chiếu tia xạ vùng ngực cũng làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch vành và bệnh cơ tim.

Xạ trị ung thư vú làm tăng nguy cơ viêm màng ngoài tim
- Triệu chứng của viêm màng ngoài tim có thể xảy ra ngay trong thời gian ngắn sau khi xạ trị hoặc cũng có thể sau đó vài năm, biểu hiện thường là tràn dịch màng ngoài tim các mức độ kèm viêm màng ngoài tim.
- Điều trị giống như người bệnh mắc viêm màng ngoài tim và tràn dịch màng ngoài tim thông thường. Với những trường hợp tái phát nhiều lần gây viêm màng ngoài tim co thắt đáp ứng kém với điều trị nội khoa, cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sống sót sau 5 năm trung bình dưới 1% .
Khi triệu chứng bệnh có dấu hiệu thay đổi ảnh hưởng đến cơ thể hoặc khám bệnh định kỳ, thì bạn nên thực hiện thăm khám tại phòng khám, bệnh viện chuyên khoa tim mạch có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và dịch vụ y tế tốt, uy tín.
3. Viêm màng ngoài tim do thuốc và nhiễm độc
a. Nguyên nhân viêm màng ngoài tim do thuốc và nhiễm độc
Bệnh lý phản ứng của màng ngoài tim với thuốc và nhiễm độc khá hiếm gặp. Một số loại thuốc có thể gây viêm màng ngoài tim giống người bệnh mắc lupus như: methyldopa, reserpine, procainamide,…Ngoài ra, một số loại nọc độc của sinh vật hoặc phản ứng huyết thanh cũng có thể gây viêm màng ngoài tim nhưng rất hiếm gặp.

Một số loại thuốc có thể gây viêm màng ngoài tim
b. Điều trị viêm màng ngoài tim do thuốc và nhiễm độc
Dừng sử dụng thuốc và / hoặc tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh ngay lập tức và điều trị triệu chứng. Thông thường tổn thương màng ngoài tim sẽ tự thuyên giảm khi ngừng tiếp xúc với căn nguyên gây bệnh.
Bên cạnh đó, còn có nhiều những yếu tố khác gây ảnh hưởng đến bệnh tim mạch mà chúng ta chưa để ý đến.
IVIE - Bác sĩ ơi - Nền tảng đặt lịch tư vấn y tế từ xa hàng đầu tại Việt Nam, giúp kết nối người bệnh với hệ thống bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tư hàng đầu, phòng khám uy tín trên cả nước. Để đặt lịch khám ưu tiên tại cơ sở gần nhất, đặt hẹn với bác sĩ theo yêu cầu hoặc đặt lịch xét nghiệm tại nhà, bạn có thể liên hệ tới IVIE - Bác sĩ ơi để được hỗ trợ.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.