Chúng ta nhìn nhận màu sắc, hình thể, kích thước mọi vật ở thế giới bên ngoài thông qua đôi mắt. Mọi cảm xúc buồn, vui, tức giận cũng đều thể hiện qua lăng kính “cửa sổ tâm hồn” này. Chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt sẽ giúp duy trì ổn định chức năng thị giác, bảo vệ mắt khỏi các tác nhân độc hại và giảm sự phát triển liên quan đến thoái hóa các cấu trúc của mắt. Cùng iSofHcare tham khảo các chất dinh dưỡng và các loại thực phẩm bổ mắt qua bài viết sau.
1. Vitamin
Vitamin là những chất hữu cơ mà phần lớn cơ thể không thể tự tổng hợp. Tuy chỉ có một lượng rất nhỏ nhưng vitamin lại có tác động rất lớn, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Có rất nhiều loại vitamin, trong đó vitamin A, E, C là ba loại tiêu biểu giúp cho đôi mắt khỏe mạnh.
Vitamin A
Tác dụng của vitamin A là bảo vệ mắt, phòng ngừa các bệnh khô mắt. Vitamin A tạo sắc tố thị giác để nhìn trong tối, vì vậy khi thiếu vitamin A sẽ dễ mắc quáng gà. Vitamin A có nhiều trong dầu gan cá thu, bơ, sữa, lòng đỏ trứng, cà rốt, cà chua, bí đỏ, gấc,...
Vitamin E
Vitamin E bảo vệ màng tế bào và các cơ cấu thiết yếu khác trong tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do và tránh thành lập sản phẩm độc của sự oxy hóa, do đó giúp làm chậm sự phát triển của một số bệnh lý thoái hóa ở mắt như: Thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể,...
Vitamin E có nhiều trong dầu hạt thực vật (lạc, mè, đậu nành, hướng dương,...). Ngoài ra còn có trong gan động vật, lòng đỏ trứng, các loại rau có màu xanh.
Vitamin C
Vitamin C chủ yếu có trong các loại rau cải tươi và các loại trái cây xanh chua như: Chanh, cam, bưởi,... Vitamin C cũng giúp chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, ngoài ra còn giúp ngăn cản hoặc giảm thiểu bệnh cườm nước (hay còn gọi là Glaucoma).
Vitamin B
Nhóm vitamin B không những quan trọng đối với hệ thần kinh thị giác mà còn bảo vệ mắt, chống mỏi mắt, khô mắt. Trong tất cả các loại vitamin B thì B2 có vai trò chủ yếu, giúp mắt thích nghi với sự thay đổi ánh sáng. Sử dụng nhiều thịt gà, thịt bò, nấm, cà chua, súp lơ, bông cải xanh,... sẽ giúp bạn bổ sung lượng vitamin B cần thiết cho mắt.
2. Acid béo Omega-3
Là một acid béo thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, Omega-3 là thành phần cấu tạo nên màng tế bào và ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể. Có 3 loại acid béo Omega-3 quan trọng là: EPA, DHA, ALA. Trong đó EPA và DHA có nguồn gốc thủy hải sản, ALA có nguồn gốc thực vật (trong quả óc chó, hạt lanh,...)
DHA đã được chứng minh có ảnh hưởng nhất định tới chức năng thị giác, là thành phần chính trong cấu tạo của võng mạc. Thiếu DHA sẽ gây suy giảm các tế bào nhạy sáng. Một nghiên cứu tại châu Âu năm 2008 cho thấy, những người bổ sung cá dầu (cá hồi, cá cơm) ít nhất 1 bữa/tuần sẽ giảm nguy cơ 50% mắc thoái hóa điểm vàng so với người tiêu thụ ít hơn 1 bữa cá/tuần.
Ngày nay, các chế phẩm dầu cá khá phổ biến trên thị trường. Nhiều người lầm tưởng chỉ cần uống dầu cá thì sẽ không cần bổ sung Omega-3 trong khẩu phần ăn hàng ngày nữa. Đây là quan điểm sai lầm. Các chuyên gia vẫn khuyến cáo mọi người nên bổ sung kết hợp từ các loại thực phẩm như: Thủy, hải sản, trứng, sữa, quả việt quất,...
3. Lutein và Zeaxanthin
Lutein là một loại carotenoid, có nghĩa là màu, hay còn gọi là sắc tố tự nhiên. Lutein được tìm thấy chủ yếu trong các loại rau như rau bina, một số loại trái cây, bắp và lòng đỏ trứng. Lutein có vai trò giúp đào thải các gốc tự do trong cơ thể, giúp mắt luôn sáng khỏe. Lutein khi kết hợp với Zeaxanthin sẽ bảo vệ các điểm vàng của mắt.
4. Kẽm
Kẽm kết hợp với vitamin A chống lại bệnh quáng gà, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Kẽm có nhiều trong thịt bò, hàu, bí đỏ và đậu phộng,...
5. Beta-caroten
Đây là tiền thân của vitamin A. Khi được nạp vào cơ thể, beta-caroten sẽ chuyển hóa thành vitamin A và có các tác dụng tương tự như vitamin A, bảo vệ giác mạc và các tế bào giúp mắt sáng khỏe. Beta-caroten chủ yếu có trong các thực phẩm có màu vàng cam như: Bí đỏ, cà chua, đu đủ, khoai lang, nghệ, ớt vàng Đà Lạt… và các loại rau có lá màu xanh đậm như: Rau ngót, tía tô, rau dền, rau khoai lang,...
6. Bioflavonoids (hay Flavonoids)
Đây là chất chống oxy hóa, bảo vệ mắt khỏi đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, có nhiều trong: Trà, cam, quýt, bưởi, việt quất, anh đào, các loại đậu.
Để bảo vệ đôi mắt luôn sáng khỏe cần bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng. Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm: Ít nhất 2 bữa cá/ tuần và nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế đường và các thực phẩm chế biến sẵn. Nếu bạn muốn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thông qua các chế phẩm thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Trên thực tế, bổ sung quá nhiều vitamin và dưỡng chất sẽ gây hại đến sức khỏe của bạn.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!