Đau đầu là một triệu chứng hay gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau đầu có thể là hậu quả của một bệnh toàn thân hoặc tổn thương thực thể ở não và vùng sọ mặt… Hãy cùng ISOFHCARE tìm hiểu những nguyên nhân gây nên tình trạng đau đầu cấp tính qua bài viết dưới đây nhé!
1. Bệnh lý đau đầu
Đau đầu xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước một trường hợp đau đầu cần phải loại trừ các cấp cứu sau:
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ (u, áp xe, tụ máu).
- Các tổn thương màng não (viêm, chảy máu màng não).
- Bệnh Horton.
- Bệnh não tăng huyết áp.
- Glaucom góc đóng.
Sự hiểu biết về đau đầu được sáng tỏ hơn nhờ các nghiên cứu của Raymond Wolff từ những trường hợp phẫu thuật não, cho thấy vùng da đầu và mặt có độ nhạy cảm với đau hơn so với các vùng da khác của cơ thể. Mặt khác, não và phần lớn màng cứng của vòm sọ không nhạy cảm với các kích thích đau, trong khi đó nhiều cấu trúc sọ mặt có thể là nguồn gốc của đau như:
- Da và tổ chức dưới da, cơ, động mạch ngoài sọ và màng xương sọ.
- Cấu trúc vị thế của mắt, tai, khoang mũi và vùng hàm mặt.
- Các xoang tĩnh mạch nội sọ và nhánh lớn của chúng, đặc biệt là cấu trúc quanh xoang hang.
- Màng cứng nền sọ.
- Động mạch cảnh, động mạch màng não giữa, động mạch đốt sống.
- Các dây thần kinh cảm giác sọ não (V, IX, X và cổ C, C, C).
2. Cận lâm sàng
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Sau khi hỏi và khám lâm sàng, thầy thuốc cần chỉ định tiến hành một số xét nghiệm phù hợp với hướng chẩn đoán nguyên nhân.
- Xét nghiệm cơ bản: công thức máu, máu lắng, urê, đường, chức năng thận, gan, phản ứng giang mai. Các xét nghiệm khác tùy thuộc từng trường hợp cụ thể.
- Chọc dò tủy sống khi và chỉ khi thật cần thiết trong đau đầu do viêm màng não hoặc chảy máu màng não mà không phát hiện được trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não.
- X-quang sọ thẳng, nghiêng.
- Điện não đồ.
- Siêu âm Doppler động mạch cảnh và động mạch đốt sống để phát hiện phình mạch hoặc chít hẹp động mạch.
- Doppler qua sọ (Trans Cranial Doppler - TCD) phát hiện dị dạng động mạch nội sọ.
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não.
- Chụp cộng hưởng từ.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám trực tuyến với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 19003367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
3. Các nguyên nhân gây đau đầu cấp tính
Chúng ta đã biết nguyên nhân gây đau đầu rất đa dạng. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đầu không phải đơn giản.
Năm 1983, Hiệp hội nhức đầu quốc tế (International Headach Society - IHS) họp lần đầu tiên tại Tây Đức đã đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán cho từng thế đau đầu và đến 1990, Hiệp hội đã phân loại 13 nhóm nguyên nhân gây đau đầu.
Đa số đau đầu cấp tính là do các nguyên nhân tổn thương thần kinh (trừ glaucom góc đóng và cơn tăng huyết áp kịch phát).
- Chảy máu não và chảy máu màng não
Thường khởi phát rất đột ngột, đau đầu dữ dội, nôn, rối loạn ý thức kèm theo dấu hiệu màng não hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú.
Chẩn đoán dựa vào chụp cắt lớp vi tính sọ não và chọc dò tủy sống khi nghi ngờ là chảy máu màng não mà kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não lại bình thường).
Thường khởi phát rất đột ngột, đau đầu dữ dội.
- Áp xe não
Nhức đầu thường đi kèm với tình trạng nhiễm khuẩn, phối hợp với các dấu hiệu thần kinh khu trú (tùy vị trí ổ áp xe). Khi nghi ngờ áp xe não cần tìm kiếm ô nhiễm khuẩn ban đầu như nhiễm khuẩn trên da, vùng hàm mặt, viêm nội tâm mạc.
Chẩn đoán: dựa vào chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não.
- Viêm màng não cấp (viêm màng não mủ, viêm màng não do virus). Thường đau dữ dội kèm theo sốt, gáy cứng. Chẩn đoán dựa vào chọc dò tủy sống.
- Viêm tắc tĩnh mạch não
Thường xảy ra viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ hoặc từ một ổ nhiễm trùng ở các xoang, ở vùng hàm mặt. Vị trí viêm tắc hay gặp là:
- Xoang hang gây liệt III, IV, VI, V.
- Xoang tĩnh mạch dọc trên.
- Xoang tĩnh mạch bên.
Chẩn đoán xác định dựa vào:
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não.
- Chụp mạch não thì tĩnh mạch.
- Bệnh Horton
Cần phải nghĩ tới bệnh này ở tất cả bệnh nhân trên 50 tuổi, mới bị đau đầu nhưng trầm trọng và tiến triển dần dần vì có nguy cơ mù mắt do huyết khối động mạch trung tâm võng mạc và các nhánh của nó.
- Triệu chứng:
- Vị trí đau thường ở vùng thái dương, một hoặc hai bên (đôi khi không điển hình như ở vùng chẩm), đau hay gặp về đêm làm người bệnh mất ngủ, sút cân, có thể sốt.
- Có thể giảm hoặc mất thị lực một bên.
- Chẩn đoán:
- Sơ động mạch thái dương thấy cứng, không đập, đau, tăng nhiệt độ tại chỗ (có thể thấy các hoại tử da vùng đầu, đầu lưỡi).
- Máu lắng tăng cao.
- Sinh thiết động mạch thái dương thấy có viêm từng ổ, từng đoạn.
- Cơn tăng huyết áp: cần đo huyết áp đối với tất cả các bệnh nhân đau đầu.
- Glaucom góc đóng: đau đầu dữ dội trước trán và hố mắt hai bên, cảm giác mắt như bị đẩy lồi, kèm theo giảm thị lực, đôi khi có liệt vận nhãn, biến dạng đồng tử. Đo nhãn áp thấy tăng cao.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe