Vượt cạn thành công được ví như một lần sản phụ vượt qua cửa tử, bởi vậy sau sinh họ rất yếu ớt. Một chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ giúp sản phụ mau chóng hồi phục sức khỏe, tránh được các stress tâm lý, biến chứng do suy kiệt mà còn đảm bảo cho con có nguồn sữa mẹ dồi dào và chất lượng.
Nguyên tắc: ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đa dạng nguồn thức ăn và tránh tập quán kiêng cữ không cần thiết
1. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng loại thức ăn
- Năng lượng
Trong 6 tháng đầu sau sinh, nếu cho con bú cần nhu cầu năng lượng là 2750 Kcal/ ngày, cao hơn lúc có thai 550 kcal/ ngày, trong đó 2 thành phần đáng chú ý nhất là protein và Calci.
Để đáp ứng được nhu cầu năng lượng như trên, hằng ngày sản phụ cần ăn thêm 1-2 bát cơm( 2 bát cơm tương đương 100g mì, 250g phở hay 300g bún); 50-100g thịt heo, bò, gà( tương đương 100-200g tôm, cá); 1-2 ly sữa bột; rau xanh và trái cây tươi.
- Protein( đạm)
Cần khoảng 78 g đạm, sản phụ cần ăn gần gấp đôi lượng thịt cá so với lúc mang thai. Các thực phẩm giàu đạm gồm trứng, cá, thịt, sữa hay đậu hũ, đậu nành. Sản phụ ước lượng như sau 80g đạm= 400g thịt/ cá= 16 miếng đậu hũ( 50g/ cái)= 10 đơn vị sữa .
Ví dụ: 1 ngày sản phụ ăn 2 lạng thịt, uống 2 cốc sữa, 2 hộp sữa chua, 1 cái đậu hũ là đủ . Sản phụ linh động đa dạng nguồn cung cấp đạm, 1 tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá.
- Chất khoáng: 2 chất cần thiết nhất là Calci và Sắt
Calci: nhu cầu 1000mg/ ngày. Một ngày sản phụ nên đảm bảo 6,5 đơn vị ăn tương ứng 600mg Calci, bổ sung thêm qua thức ăn. Nếu không uống được sữa, sản phụ cần được thay thế sữa bằng các nguồn thực phẩm có giá trị sinh dưỡng tương đương: sữa chua, phô mai.
( Quy đổi 1 đơn vị ăn- Nguồn: Hướng dẫn quôc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú)
( Nhu cầu đơn vị ăn với phụ nữ có thai và cho con bú- Nguồn: Hướng dẫn quôc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú)
- Sắt: sau sinh, sản phụ mất nhiều máu, bổ sung sắt là không thể thiếu: các thực phẩm nhiều sắt bao gồm: thịt bò, rau dền đỏ, củ dền, cả xà lách xoong.
- Chất béo: nên đảm bảo 30-35% năng lượng khẩu phần.
Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các acid béo không no chuỗi dài đa nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé. Có thể dùng thực phẩm chức năng để bổ sung Omega 3, DHA, EPA.
- Các vitamin
Bà mẹ cho con bú cần được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị trong vòng 1 tháng sau khi sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa. một ngày nên ăn 400mg rau củ quả tươi để cung cấp vitamin đặc biệt A, B,C. Không cần uống thêm vitamin D. Mỗi ngày có thể uống thêm một viên vitamin tổng họp dành riêng cho bà bầu.
- Chất xơ
Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau, trái cây, uống nước. Trong trường hợp bị trĩ, sản phụ có thể dùng thuốc làm se niêm mạc trực tràng để giảm đau.
Để đảm bảo đủ sữa cho bé bú, không nên ăn thức ăn quá khô, quá mặn như đồ kho, nên ăn đủ nước canh, nước súp, ngày uống từ 2-3 lít nước. Dù không cho con bú thì trong tháng đầu hậu sản vẫn nên ăn uống đầy đủ như trên để hồi phục nhanh.
2. Các tập quán kiêng cữ không cần thiết
- Kiêng gió, ở phòng kín hết 9 tháng 10 ngày
Sản phụ sau sinh không nên ở phòng quá kín do không khí tù đọng dễ khiến vi khuẩn tích tụ, gây bệnh, chưa kể phòng tối không có ánh nắng thì em bé sinh ra thiếu vitamin D, khó phát hiện vàng da sơ sinh.
- Kiêng tắm rửa, gội đầu.
Sau sinh sản phụ có vết thương hoặc ở bụng, hoặc ở tầng sinh môn. Mẹ nên được tắm rửa thường xuyên đặc biệt mùa hè nóng nực, ra mồ hôi khiến vi khuẩn sinh sôi, lưu ý tắm nơi kín gió, nước ấm, không ngâm mình lâu. Sản phụ đẻ thường có thể tắm sau 1 ngày, đẻ mổ thì 2-3 ngày, vết mổ khô là có thể tắm được.
- Ăn đồ kho mặn, chỉ uống nước đun sôi để nguội, ăn canh rau ngót, ăn canh đu đủ móng giò.
Đồ ăn mặn rất không tốt cho bà mẹ sau sinh, gây tăng tích nước, chưa kể ảnh hưởng đến sữa, tăng hàm lượng natri trong sữa mẹ gây thừa natri cho con. Ăn rau ngót kích thích co tử cung là tốt nhưng không chỉ ăn mỗi canh rau ngót mà phải ăn đa dạng thức ăn, tương tự với canh đu đủ móng giò, hàm lượng chất béo quá cao sẽ khiến sản phụ tăng cân, ngực đau tức, không tốt cho con vì vậy nên thay đổi đa dạng thực đơn.
- Nằm than: Nằm than trong phòng bí rất dễ gây ngộ độc khí CO.
- Không dùng điện thoại, thiết bị điện tử.
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy không nên dùng, sản phụ nên được dùng với thời gian vừa phải để có thể được chia sẻ, được giải tỏa căng thẳng, tránh stress sau sinh. Ngoài ra mẹ cần có nhiều thời gian dành cho giấc ngủ, tránh căng thẳng và cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tạo sữa.
Dinh dưỡng cho sản phụ thời kì sau sinh luôn đóng vai trò quan trọng, kim chỉ nam trong quá trình hồi phục sức khỏe. Hãy áp dụng một chế độ ăn khoa học và lành mạnh để cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Các tập quán kiêng cữ nên được áp dụng phù hợp, tránh tư tưởng cực đoan sẽ gây tác động không tốt thậm chí là có hại.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.