Viêm màng bồ đào là một bệnh lý nhãn khoa có khả năng gây mù lòa. Tuy không phải nguyên nhân hàng đầu nhưng có đến 10% số người mù lòa có liên quan đến bệnh lý này. Vì thế, việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của viêm màng bồ đào vô cùng quan trọng để có thể phòng tránh, phát hiện bệnh sớm. Hãy cùng iSofHcare tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.
1. Viêm màng bồ đào là gì?
Màng bồ đào, hay còn gọi là lớp mạch, là lớp trung gian trong ba lớp màng cấu tạo nên nhãn cầu, có rất nhiều mạch máu và thần kinh. Từ trước ra sau, màng bồ đào gồm có: Mống mắt, thể mi và hắc mạc. Mống mắt ở đằng trước, ở giữa có một lỗ tròn co dãn được gọi là đồng tử, có nhiệm vụ điều chỉnh ánh sáng đi qua mắt. Thể mi điều khiển sự điều tiết của thể thủy tinh và tiết ra thủy dịch nuôi dưỡng nửa phần trước nhãn cầu. Hắc mạc có nhiều mạch máu nuôi dưỡng lớp ngoài của võng mạc.
Viêm màng bồ đào là bệnh lý đặc trưng bởi sự viêm nhiễm ở ba bộ phận trên, trong đó viêm màng bồ đào trước chiếm phần lớn trường hợp. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 – 60 tuổi, đến 70 tuổi tỷ lệ bệnh giảm xuống đáng kể. Viêm màng bồ đào có thể gặp ở hai giới, tuy nhiên đối với viêm màng bồ đào trước thì nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển thành nhiều biến chứng như dính mống mắt, bít đồng tử, glocom hoặc đục thể thủy tinh,… Vì thế cần điều trị viêm màng bồ đào.
Tùy vào vị trí tổn thương mà người ta chia viêm màng bồ đào thành:
- Viêm màng bồ đào trước: Bao gồm viêm mống mắt, viêm thể mi hoặc viêm mống mắt thể mi.
- Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm phần sau thể mi.
- Viêm màng bồ đào sau: Viêm hắc mạc.
- Viêm màng bồ đào toàn bộ: Viêm toàn bộ màng bồ đào.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào thường xảy ra cùng với các bệnh lý toàn thân khác, đặc biệt là nhiễm trùng và các bệnh viêm nhiễm. Tuy nhiên, có cũng có thể xảy ra như một bệnh lý riêng biệt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm màng bồ đào, dựa vào căn nguyên của tình trạng viêm, ta có thể chia thành 3 nhóm sau:
a. Nguyên nhân nhiễm trùng
Các nguyên nhân nhiễm trùng của viêm màng bồ đào bao gồm vi khuẩn và xoắn khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Những nhiễm trùng này thường có biểu hiện lâm sàng khác nhau và ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau. Các tác nhân cụ thể thường gặp trên lâm sàng là:
- Vi khuẩn: Liên cầu, tụ cầu, lao, giang mai,…
- Virus: Virus herpes, Cytomegalovirus, Rubella, quai bị,…
- Nấm: Candida, Aspergilus, …
- Ký sinh trùng: Toxophasmose.
b. Nguyên nhân qua trung gian miễn dịch hệ thống
Viêm màng bồ đào có thể xảy ra như một biểu hiện của tình trạng viêm toàn thân, bao gồm cả bệnh tự miễn và phản ứng quá mẫn do thuốc. Cụ thể như sau:
- Bệnh viêm toàn thân: Thấp khớp, lupus ban đỏ, nhãn viêm giao cảm, viêm khớp thiếu niên, viêm khớp vảy nến, viêm mạch hệ thống, kawasaki,…
- Thuốc: Một số loại thuốc liên quan là Rifabutin, Cidofovir, Fluoroquinolon, Bisphosphonates, thuốc ức chế BRAF kinase như Vemurafenib, Dabrafenib hoặc liệu pháp miễn dịch ung thư.
Gọi hotline 19003367 hoặc Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám ưu tiên, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi tại các Bệnh viện tuyến trung ương và các phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
c. Các bệnh lý tại mắt
Mặc dù nhiều dạng viêm màng bồ đào có liên quan đến bệnh viêm nhiễm toàn thân hoặc bệnh truyền nhiễm, vẫn có một loạt trường hợp viêm màng bồ đào xảy ra sau các bệnh lý tại mắt như:
- Viêm loét giác mạc.
- Xuất huyết nội nhãn.
- Chấn thương mắt.
- Dị ứng chất nhân thể thủy tinh.
- Sau phẫu thuật mắt, nhất là đục thể thủy tinh.
Các tác nhân gây viêm màng bồ đào trên có thể tác động đơn lẻ nhưng cũng có khi chúng phối hợp và chồng lấp lên nhau. Trên thực tế lâm sàng, có đến 30% trường hợp viêm màng bồ đào không phù hợp với bất kỳ nhóm nguyên nhân rõ ràng nào và được xếp vào viêm màng đào vô căn.
3. Triệu chứng của viêm màng bồ đào
Các triệu chứng của viêm màng bồ đào đều không đặc hiệu, nó còn phụ thuộc vào bộ phận bị ảnh hưởng trong nhãn cầu. Các triệu chứng cũng khác nhau tùy thuộc vào vị trí tổn thương. Viêm màng bồ đào trước xảy ra phổ biến hơn khoảng bốn lần sao với viêm màng bồ đào sau. Triệu chứng cụ thể của từng phân loại là:
a. Viêm màng bồ đào trước
- Đau nhức ở mắt, đau nhiều về đêm, khi ấn vùng thể mi thì đau nhiều hơn.
- Chảy nước mắt sống và chói sáng.
- Thị lực giảm dần do tiền phòng vẩn đục và tích tụ xuất tiết ở trước đồng tử.
- Đỏ mắt ở rìa nhưng không có ghèn hoặc mủ.
- Tủa sau giác mạc.
- Tiền phòng vẩn đục (còn gọi là hiện tượng Tydall) do thủy dịch chứa nhiều albumin và tế bào, trường hợp nặng có thể có mủ hoặc máu tiền phòng.
- Mống mắt bị phù nề.
- Đồng tử có thể thu nhỏ vì kích thích cơ vòng hoặc méo mó do dính mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh.
b. Viêm màng bồ đào trung gian và viêm màng bồ đào sau
- Trái ngược với viêm màng bồ đào trước, ở hai thể này thường không đau.
- Không có đỏ mắt trừ khi có viêm màng bồ đào trước kèm theo.
- Có thể có hiện tượng phù nề.
- Thị lực giảm dần.
- Có thể phát hiện trực tiếp hình ảnh viêm hắc mạc hoặc bạch cầu trong thể thủy tinh khi soi đáy mắt.
Để chẩn đoán viêm màng bồ đào dựa trên lâm sàng là chủ yếu, khi có các dấu hiệu sau:
- Mắt đỏ cương tụ rìa, đau nhức, thị lực giảm.
- Đồng tử co nhỏ, méo mó.
- Tủa sau giác mạc.
- Tydall tiền phòng.
Tóm lại, viêm màng bồ đào là một bệnh lý nhãn khoa không quá thường gặp, chỉ chiếm 0.015% số dân. Tuy nhiên, nó lại có nguy cơ dẫn đến mù lòa và một số biến chứng nguy hiểm không thể hồi phục. Việc nắm rõ được triệu chứng để nhận biết sớm cũng như hiểu rõ nguyên nhân giúp người bệnh có thể giảm đáng kể khả năng xảy ra biến chứng.
Hi vọng qua bài viết trên, IVIE - Bác sĩ ơi đã cung cấp được cho bạn những thông tin bổ ích về viêm màng bồ đào. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về viêm màng bồ đào, hãy liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi đảm bảo sẽ giải đáp sớm nhất cũng như kết nối bạn với những bác sĩ và bệnh viện hàng đầu.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!