Viêm đa khớp (viêm khớp dạng thấp) là bệnh lý khớp tự miễn mạn tính và ngày càng phổ biến ở nước ta. Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ở độ tuổi trung niên và có các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng rõ rệt. Cùng ISOFHCARE tìm hiểu các triệu chứng thường thấy của bệnh viêm đa khớp qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan bệnh lý viêm đa khớp
Viêm đa khớp là một trong nhiều loại bệnh liên quan đến nhiều khớp cùng lúc. Bệnh thường gây đau, cứng, sưng và khiến khớp khó cử động. Đây là một trong những bệnh lý mạn tính, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính khác nhau.
Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ thống kê cho thấy: Các bệnh như viêm khớp, đau khớp gối, viêm đa khớp… là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng bại liệt, ảnh hưởng khả năng vận động của bệnh nhân. Có tới 80% người bệnh viêm đa khớp bị giới hạn khả năng vận động, cần sự hỗ trợ của người thân. Và có tới 25% người bệnh viêm đa khớp có nguy cơ bại liệt vĩnh viễn, không thể đi lại hay cử động bàn tay.
2. Triệu chứng viêm đa khớp
Các triệu chứng lâm sàng thường thấy ở bệnh nhân viêm đa khớp (viêm khớp dạng thấp) gồm:
a. Triệu chứng cơ năng
- Đau, sưng các khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa, đặc biệt là các khớp nhỏ, nhỡ như khớp bàn ngón tay, chân, khớp gối, khớp khuỷu,… Bệnh nhân thường bị sưng đau khớp liên tục cả ngày, đau tăng về đêm và gần sáng. Nghỉ ngơi không đỡ đau.
- Có tình trạng cứng khớp buổi sáng: Cứng khớp thường kéo dài trên 01 giờ.
- Bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược do viêm khớp kéo dài, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ hoặc không sốt trong đợt tiến triển bệnh.
b. Triệu chứng thực thể tại khớp
- Người bệnh có sưng, đau, nóng tại các khớp, ít khi tấy đỏ. Sưng có thể do sưng phần mềm hoặc tràn dịch khớp.
- Khớp nhỏ thường viêm, có tính chất đối xứng và kéo dài vài tuần đến vài tháng. Các khớp hay viêm như: khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân, khớp nhỏ bàn chân. Nếu bệnh nhân có viêm cột sống cổ thường là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh.
- Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể bị dính khớp, biến dạng các khớp viêm do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng, từ đó gây bán trật khớp, tàn phế. Các kiểu biến dạng như: bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay thợ thùa khuyết, ngón tay hình cổ cò…

Người bệnh sẽ sưng, đau, nóng tại các khớp, ít khi tấy đỏ.
c. Triệu chứng ngoài khớp
Ngoài các triệu chứng tại khớp, khi thăm khám, bác sĩ có thể nhận biết các triệu chứng ngoài khớp như:
Hạt thấp dưới da: Tỷ lệ gặp thường từ 10 - 15%, ở dưới da vùng tỳ đè như khuỷu tay, cạnh ngón tay, ngón chân…. Hay gặp ở người viêm đa khớp nặng, bệnh tiến triển nhanh, thể huyết thanh dương tính. Các hạt thấp có đặc điểm: mật độ chắc, thường gắn dính màng xương hoặc gân, ít di động, kích thường từ vài mm đến 2cm, đứng thành từng đám.
Tổn thương mắt: Bệnh nhân có thể bị viêm khô kết mạc, viêm củng mạc, nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh tiến triển nặng.
Tổn thương phổi: Có nốt dạng thấp ở nhu mô phổi, xơ phổi kẽ lan tỏa, viêm phế quản, tắc nghẽn đường hô hấp do viêm khớp nhẫn giáp, viêm phổi, viêm màng phổi,…
Tổn thương tim mạch: Viêm màng tim, viêm cơ tim, viêm van tim, loạn nhịp tim,…

Tổn thương tim mạch.
Một số triệu chứng khác: Bệnh viêm đa khớp còn gây ra các triệu chứng khác như sụt cân, yếu cơ, ngón chân bị trẹo ra ngoài, khó vươn vai, biến dạng khớp… Hay bệnh cũng tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, dễ rơi vào tình trạng rối loạn tinh thần và trầm cảm.
3. Phòng tránh bệnh lý viêm đa khớp
Viêm đa khớp là bệnh lý mãn tính, có thể theo bạn cả đời, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt. Do đó, người bệnh cần phải chủ động phòng ngừa bệnh ngay từ đầu.
- Bạn nên có một lối sống sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
- Các môn thể thao tốt cho xương khớp như bơi lội, làm giảm áp lực lên các khớp.
- Đảm bảo cơ thể luôn giữ ấm. Có thể sử dụng các gói chườm nóng hoặc chườm lạnh để làm giảm tình trạng viêm đau khớp.
- Duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh tạo áp lực lên các khớp.
- Tránh những thói quen xấu ảnh hưởng tới xương khớp như bẻ ngón tay, ngón chân.
- Tránh mang vác đồ vật nặng, làm việc không đúng tư thế.
- Bổ sung dinh dưỡng phù hợp, tốt cho xương khớp. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm tinh chế.
- Từ bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các rối loạn chuyển hóa của cơ thể.
Từ bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm đa khớp. Vì vậy, mọi người hãy tự chủ động phòng bệnh từ sớm. Nếu nhận thấy các khớp có những triệu chứng bất thường, hãy thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tránh chữa trị tại nhà bằng đắp thuốc, sử dụng thuốc dân gian chưa qua hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ xương khớp. Điều này có thể khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trên đây là những thông tin mà IVIE - Bác sĩ ơi muốn gửi tới quý bạn đọc. Hy vọng bài viết cung cấp cho các bạn nhiều thông tin hữu ích nhất. Mọi thắc mắc cần tư vấn, vui lòng liên hệ với IVIE - Bác sĩ ơi để được hỗ trợ và giải đáp.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.