Hẹp động mạch cảnh là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm có khả năng gây tử vong cao. Chính vậy “sống chung” với hẹp động mạch cảnh chưa bao giờ là lựa chọn tốt.
Ngày nay các trang thông tin điện tử chính thức của bộ y tế luôn khuyến cáo tầm soát sớm bệnh lý hẹp động mạch cảnh ở nhóm người có nguy cơ cao. Vậy yếu tố nguy cơ của hẹp động mạch cảnh là gì? Những ai thường dễ mắc bệnh lý hẹp động mạch cảnh? Để biết câu trả lời chính xác, các bạn có thể theo dõi bài viết dưới đây của IVIE - Bác sĩ ơi.
Vì sao phải tầm soát, dự phòng bệnh lý hẹp động mạch cảnh
Ngày nay, bệnh lý hẹp động mạch cảnh được biết đến rộng rãi hơn nhờ các tiến bộ khoa học kĩ thuật. Và cũng từ đó con người đánh giá được chính xác hơn mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Quả thật, hậu quả mà bệnh lý hẹp động mạch cảnh gây ra không chỉ được các trang báo y tế đưa tin liên tục mà còn được khắc họa rõ nét trong các nghiên cứu khoa học.
Hẹp động mạch cảnh được xem là nguyên nhân bắt nguồn của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong như tai biến mạch máu não. Ngoài ra, triệu chứng của hẹp động mạch cảnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc, cuộc sống.
Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy đây là bệnh lý khi dự phòng và điều trị sớm mang lại kết quả rất khả quan. Chính vì thế, tầm soát, dự phòng bệnh lý hẹp động mạch được đặt ra ở những nhóm người có nguy cơ cao.
Những ai thường dễ mắc bệnh lý hẹp động mạch cảnh
Hẹp động mạch cảnh có liên quan tới tuổi, bệnh lý nền và các thói quen sống, sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt chúng thường có sự kết hợp song song nhiều vấn đề lại với nhau. Để thuận tiện cho việc dự phòng, điều trị sớm, người ta phân chia thành các nhóm đối tượng có nguy cơ cao và nguy cơ thấp mắc bệnh lý hẹp động mạch cảnh.
Được xếp vào nhóm nguy cơ cao khi có một trong các yếu tố dưới đây:
- Có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu hoặc gia tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL cholesterol)
- Tuổi >50. Đây là độ tuổi cần được lưu tâm nhiều đối với các bệnh lý mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu...
- Béo phì ( chỉ số BMI >24)
- Ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ động vật
- Sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, cafe...
- Lối sống không lành mạnh như ít luyện tập thể dục, sinh hoạt giờ giấc không điều độ...
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh lý hẹp động mạch cảnh tăng cao hơn khi gia đình có người bị xơ vữa động mạch hoặc các bệnh lý liên quan tới mạch vành.
Mặt khác, khi không có các yếu tố kể trên thì được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Các bạn nên hiểu rõ một điều, nguy cơ thấp thì tỷ lệ mắc bệnh ít hơn chứ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc “không mắc bệnh lý hẹp động mạch cảnh”.
Nhìn vào nhóm đối tượng nguy cơ cao có thể thấy hẹp động mạch cảnh liên quan phần lớn tới sự gia tăng nồng độ chất béo xấu trong cơ thể. Hay nói cách khác, hẹp động mạch cảnh có thể là hệ quả phía sau của một tình trạng xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, hẹp động mạch cảnh có thể xuất phát từ tình trạng co thắt mạch máu không rõ nguyên. Tình trạng có thắt có thể hồi phục hoặc tồn tại vĩnh viễn tùy thuộc vào cơ chế gây bệnh là gì? Vậy nên không có gì lạ khi bệnh lý hẹp động mạch cảnh vẫn có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền hoặc các yếu tố nguy cơ.
Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh lý hẹp động mạch cảnh?
Bạn không thể tự khẳng định mình có đang mắc bệnh lý hẹp động mạch cảnh hay không? Cách chính xác nhất là dựa trên lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh do bác sĩ chuyên khoa thẩm định. Tuy nhiên, có một vài các dấu hiệu có thể nghi ngờ tình trạng hẹp động mạch cảnh đang xảy ra như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, cảm giác tê bì chân tay, rối loạn nhẹ vận động, khó giữ thăng bằng, khó nuốt...
Khi có các dấu hiệu bất thường hãy nhanh chóng tới các bệnh viện uy tín để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với các nhóm nguy cơ cao có bệnh lý nên kèm theo thì các triệu chứng của hẹp động mạch cảnh thường bị che lấp. Và thường chỉ được phát hiện tình cờ khi tái khám hoặc có biến chứng xảy ra như nhồi máu não thoáng qua, đột quỵ não...Vậy nên việc tái khám định kỳ là cách tốt nhất để loại bỏ sớm bệnh lý hẹp động mạch cảnh.