Bệnh uốn ván: căn bệnh chỉ từ những vết thương ‘’xoàng’’ nhưng khi phát hiện thì đã tiến triển vào giai đoạn nặng! Từ lâu, bệnh uốn ván đã được cảnh báo nguy hiểm nhưng những cái chết oan uổng vẫn tiếp tục xảy ra chỉ vì sự thờ ơ, xem nhẹ những nguyên nhân tiềm ẩn nhưng có nguy cơ cao xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
1. Các thể lâm sàng của bệnh

Uốn ván có nhiều thể lâm sàng.
- Uốn ván nhẹ: chỉ có cứng hàm đơn thuần, không có co giật, khỏi nhanh. Gặp ở những người được tiêm phòng đã lâu, hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
- Uốn ván nội tạng: đường vào là nội tạng, trong khu vực thần kinh giao cảm bụng, vết thương ở ruột non, đại tràng, nạo phá thai phạm pháp, đẻ, sảy thai. Diễn biến nguy kịch, tử vong cao.
- Uốn ván rốn: do nhiễm khuẩn ở rốn khi dụng cụ cắt không đảm bảo vô trùng, hoặc đẻ rơi. Thời gian nung bệnh trung bình 7-10 ngày, tối thiểu 3 ngày.
Dấu hiệu lâm sàng: trẻ bỏ bú, mắt nhắm, khóc bé, co giật liên tục, rốn ướt, rụng sớm. Tiên lượng nặng, tử vong cao do suy hô hấp.
- Uốn ván đầu
Do vết thương ở vùng đầu - mặt - cổ.
Có 2 thể: không liệt và có liệt.
Thể không liệt: đầu tiên xuất hiện cơn co thắt họng, sau đó xuất hiện cứng hàm.
Thể có liệt:
- Uốn ván đầu có liệt mặt ngoại biên. Thường do vết thương ở vùng mặt, thời gian nung bệnh thường ngắn, trung bình 9 ngày, có biểu hiện đau vùng thái dương hàm. Dấu hiệu cứng hàm là dấu hiệu đầu tiên. Liệt mặt xuất hiện nhanh ở những thể nặng, thường liệt cùng bên với vết thương, hoặc liệt cả 2 bên nếu vết thương ở vùng sống mũi. Liệt kiểu ngoại biên, có khi chỉ thấy liệt ở nửa mặt phía trên hoặc phía dưới. Có thể có co thắt họng hoặc thanh quản. Khi uốn ván khỏi thì liệt hồi phục hoàn toàn.
- Uốn ván đầu có liệt mặt. Thường có liên quan với các vết thương ở vùng mi, hố mắt, lông mày, hay gây liệt dây III. Khi uốn ván khỏi thì liệt khỏi hoàn toàn.
- Uốn ván khu trú ở các chi
Thường gặp ở những người đã tiêm vaccin nhưng đã từ lâu không tiêm nhắc lại hoặc bị thương có tiêm SAT điều trị dự phòng nhưng không đủ. Thời gian nung bệnh lâu 1: 2 tháng, có khi vết thương đã liền sẹo. Bệnh nhân xuất hiện đau và co cứng các cơ ở vị trí có vết thương, không có rối loạn cảm giác và không có liệt. Thể này hiếm gặp và tiên lượng tốt.
- Uốn ván trường diễn
Thường gặp ở những người đã tiêm vaccin từ lâu trên 10 năm, đậm độ kháng thể trong máu giảm. Thời gian nung bệnh kéo dài hàng tháng. Các cơn co cứng cơ thường khu trú ở nơi bị thương và phản xạ gân xương tăng. Con có cứng có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm làm cản trở sinh hoạt của bệnh nhân. Thể này rất hiếm gặp.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám trực tuyến với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 1900638367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
2. Diễn biến bệnh
Khó xác định ngay, tiên lượng dè dặt. Thông thường phải sau 40 ngày mới có tiên lượng chắc chắn.
- Diễn biến tốt: từ ngày thứ 10 của bệnh. Các cơn co giật, co cứng giảm dần, miệng dần dần há to, nuốt được, hết sốt, đặc biệt là ngủ được. Bệnh lui dần và khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.
- Diễn biến xấu
- Tức khắc: các triệu chứng nguy kịch ngày càng tăng, rối loạn thần kinh thực vật nặng. Điều trị cơn giật không có kết quả, cơn co cứng kéo dài. Bệnh nhân tử vong sau vài giờ hoặc vài ngày do ngừng tim đột ngột.
- Thứ phát: sau một vài ngày điều trị bệnh nhân có giảm triệu chứng, có cứng giảm, sốt giảm nhưng sau đó co giật lại tăng, sốt cao, rối loạn thần kinh thực vật và tử vong.

Ngừng tim đột ngột trong bệnh uốn ván.
Các nguyên nhân tử vong trong bệnh uốn ván:
- Ngạt thở trong cơn giật chẹn ngực, co thắt thanh quản.
- Suy hô hấp: ứ đọng đờm dãi, bội nhiễm...
- Ngừng tim đột ngột trong cơn giật.
- Truy tim mạch.
- Di chứng: có thể có một số di chứng sau:
- Trồi xương sống, gù lưng, thậm chí gãy đốt sống vì những cơn giật dữ dội.
- Cứng gân, cứng khớp, bàn chân duỗi như chân ngựa (phải phục hồi chức năng sớm).
- Những bệnh nhân phải mở khí quản có thể bị sẹo hẹp khí quản hoặc canuyn quá lâu khí quản không liền được.
3. Tiên lượng bệnh

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Rất khó tiên lượng một cách chắc chắn, thường hết sức dè dặt. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Đường vào vết thương nội tạng, sản khoa, uốn ván rốn, vết thương bẩn, ngóc ngách... thì càng nặng.
- Thời gian ủ bệnh: càng ngắn (<7 ngày) thì tiên lượng càng nặng. Trên 20 ngày thì tiên lượng khả quan hơn.
- Thời gian khởi phát: là thời gian từ lúc cứng hàm cho đến khi có cơn giật đầu tiên.
- Càng ngắn (<48 giờ) tiên lượng càng nặng.
- Trên 5 ngày tiên lượng tốt hơn.
- Cơ địa bệnh nhân:
- Sơ sinh, người già > 50 tuổi tiên lượng nặng.
- Các bệnh mạn tính: tim mạch, suy thận, hen phế quản, xơ gan, nghiện
rượu hoặc cơ thể suy sụp sau phẫu thuật... tiên lượng nặng.
- Cơn co giật: cơ co giật càng nhiều, càng nhanh, khoảng yên tĩnh càng ngắn thì tiên lượng càng nặng.
- Mức độ rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao đột ngột, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp dao động thất thường, tăng tiết đờm dãi và ứ đọng ở phổi. Rối loạn thần kinh thực vật nhiều thì tiên lượng càng nặng.
- Kết quả điều trị các thuốc an thần có khống chế được các cơn co giật hay không?
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe