Viêm VA là bệnh lý đường hô hấp trên không còn xa lạ với các bậc phụ huynh. Điều đáng nói là viêm VA thường lặp đi lặp lại nhiều lần ở trẻ, khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Nắm bắt được phác đồ điều trị viêm VA cho trẻ đang được sử dụng hiện nay sẽ giúp bố mẹ an tâm khi trẻ được điều trị viêm VA.
1)Tổng quan viêm VA
Đường hô hấp trên rất dễ bị nhiễm trùng vì thường xuyên tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí. Do đó, khu vực này được trang bị một số tính năng phòng thủ, trong đó có VA. VA hay còn gọi là amidan vòm họng, nằm ở ngã ba hầu họng, thuộc vòng Waldeyer chịu trách nhiệm miễn dịch. VA phát triển đến khoảng 6 tuổi thì teo lại tự nhiên và đến tuổi vị thành niên thì hầu như biến mất.
Bởi phải chiến đấu chống lại vi sinh vật xâm nhập vào đường thở, nên không có gì lạ khi bản thân VA cũng bị viêm nhiễm. Tình trạng này được gọi là viêm VA. Viêm VA được chia làm cấp và mạn tính.
Khi trẻ bị viêm VA cấp, sẽ xuất hiện các triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột 39-40 độ C.
- Tắc mũi là triệu chứng điển hình.
- Chảy mũi nhầy cả 2 mũi.
- Ho do phản xạ kích thích với dịch mũi từ vòm họng chảy xuống thành sau họng.
- Trẻ lớn đêm ngủ thường ngày, nói giọng kín.
Khi các bác sĩ dùng dụng cụ hỗ trợ, sẽ phát hiện các đặc điểm có giá trị như: Soi mũi trước thấy hốc mũi đầy mủ nhầy, các cuốn mũi phù nề đỏ và xuất tiết. Soi mũi sau thấy khối VA viêm đỏ và vòm có nhiều mủ nhầy. Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ. Khám tai thấy màng nhĩ xung huyết đỏ và lõm rất có giá trị để chẩn đoán.
Khác với viêm VA cấp tính, viêm VA mãn tính là tình trạng VA quá phát xơ hóa sau viêm cấp nhiều lần. Những đứa trẻ viêm VA mãn tính không được điều trị có thể chậm phát triển và thể chất tinh thần. Ngoài các triệu chứng của viêm VA cấp nhưng kéo dài, trẻ có da xanh xao, đêm ngủ hay giật mình và đái dầm. Khi các bác sĩ tiến hành soi mũi ở trẻ, ở mũi sau thấy khối VA màu hồng nhạt, quá phát chiếm vòm mũi họng, che lấp cửa mũi sau và vòm có nhiều mủ nhầy đục xanh. Khám họng thấy amidan khẩu cái quá phát, đầy mủ. Vén lưỡi gà hoặc sờ vòm thấy, cảm giác có VA. Khuôn mặt VA là di chứng giai ở giai đoạn muộn.
Viêm VA làm VA sưng to có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình như tắc nghẽn đường thở và nhiễm trùng tái đi tái lại. Sự xáo trộn các kiểu thở có thể dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Bệnh nhi cũng có thể bị thay đổi giọng nói, thay đổi khuôn mặt. Nhiễm trùng tai giữa là biến chứng hay gặp nhất do viêm VA gây ra cho vòi nhĩ của tai. Viêm xoang cũng có thể xảy ra.
2) Phác đồ điều trị viêm VA
a. Nguyên tắc điều trị
- Kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh mũi.
- Nạo VA.
b. Viêm VA cấp
Điều trị như 1 viêm họng cấp thông thường
- Vệ sinh mũi để giảm đờm nhớt, làm hốc mũi được thông thoáng.
-Kháng sinh nếu viêm nặng, đe dọa biến chứng: Amoxycillin hoặc Erythromycin trong 7 ngày. Nếu sau 3 ngày không đáp ứng đổi sang Cefaclor hoặc Cefuroxim.
- Điều trị triệu chứng: Có thể dùng paracetamol 10 -15 mg/kg mỗi 6 giờ nếu có sốt.
Tắc mũi: Dùng các thuốc chống sung huyết nhỏ hoặc xịt tại nhỏ đối với trẻ 2 tuổi. Việc sử dụng dài ngày các thuốc này có thể gây viêm mũi do thuốc. Các thuốc dạng uống ít hiệu quả hơn dạng nhỏ hoặc xịt.
Chảy mũi: Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 có hiệu quả hơn thế hệ 2 đối với triệu. Ngoài ra, có thể cho ipratropium bromide tại chỗ.
Đau họng: Dùng acetaminophen (paracetamol), nhất là khi bệnh nhi có kèm nhức đầu hoặc đau mỏi cơ. Không nên sử dụng aspirin vì nguy cơ hội chứng Reye.
Ho : có thể cho thuốc kháng histamin thế hệ 1 hoặc kẹo ho.
- Nâng cao thể trạng
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với trẻ nhỏ nên ăn nhiều dầu, chất béo.
Vitamin C, viêm kẽm, hít không khí ẩm, ẩm.
Uống đủ nước
Ngủ đủ giấc
c. Viêm VA mạn
- Nạo VA
Lứa tuổi tốt nhất để nạo VA là sau 2 tuổi, nhưng khi VA đã gây nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm hạch vùng đầu mặt cổ… thì có thể nạo VA sớm hơn. Nếu VA còn tồn tại ở trẻ lớn thì vẫn có chỉ định nạo VA nhưng sau nạo nên gửi bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh, để loại trừ các bệnh lý khối u vòm mũi họng. Cụ thể chỉ định với những trường hợp sau:
- Tất cả các trường hợp viêm VA tái đi tái lại nhiều lần, dân gian thường gọi “trẻ 5 ngày 3 tật ”, hay sốt vặt, ngạt mũi, chảy mũi, ho.
- Viêm VA đã gây ra các biến chứng như Viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, áp xe thành sau họng, viêm hạch vùng cổ, rối loạn tiêu hóa…
- VA quá phát, cản trở hô hấp, đêm ngủ ngáy to… VA quá phát ảnh hưởng tới chức năng tai, nghễnh ngãn nghe kém… dù không viêm cũng có chỉ định nạo.
3) Các phương pháp rửa mũi
Rửa mũi là phương pháp giải phóng đờm dãi cho đường hô hấp trên và dưới, giúp trẻ giảm nhanh đàm nhớt, tránh việc tích tụ đờm dãi lâu ngày.
Có 2 cách :
a. Nhỏ/xịt mũi
Bạn có thể nhỏ hoặc xịt mũi dễ dàng tại nhà dùng nước muối sinh lý hoặc bình xịt rửa mũi. Cách làm như sau :
Nhỏ hoặc xịt 1 – 2 nhát vào mỗi bên mũi. Dùng khăn hoặc giấy mềm thấm dịch mũi. Sau đó quan sát lại nếu còn dịch đặc thì lặp lại lần nữa. Tuy nhiên, không nên xịt hay nhỏ quá nhiều lần bằng nước muối sinh lý vì có thể làm khô niêm mạc mũi. Tối đa nhỏ, xịt mũi chỉ nên 4 lần/ngày.
b. Rửa mũi
Rửa mũi bằng 1 lượng lớn nước muối sinh lý khi bị bít tắc nghẽn nhiều gây khó chịu cho trẻ. Nếu không quen thực hiện, bố mẹ không nên thao tác tại nhà. Thay vào đó nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được rửa mũi đúng cách.
Trên đây là phác đồ điều trị trẻ bị viêm VA để giúp bố mẹ hiểu thêm về phương thức điều trị. Tùy vào tình hình thực tế, độ tuổi, mức độ viêm nhiễm, tiền sử và bệnh sử của trẻ mà bác sĩ sẽ đưa ra từng phương pháp điều trị cụ thể thích hợp. Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các bác sĩ chuyên về tai mũi họng để được tư vấn và hướng dẫn điều trị cụ thể. Lưu ý rằng không tự ý sử dụng thuốc khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng của trẻ. Hy vọng những lời khuyên mà IVIE - Bác sĩ ơi đưa ra giúp ích cho mọi người!
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh