Ngày càng có nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh mới được tìm thấy ở bệnh lý trào ngược dạ dày. Chính vì thế, phác đồ điều trị của Bộ y tế cũng được cập nhật và cải tiến liên tục nhằm thúc đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Vừa mang lại hiệu quả điều trị tối đa, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm vừa rút ngắn thời gian nằm viện cũng như chi phí cho bệnh nhân. Cùng iSofHcare tìm hiểu phác đồ điều trị trào ngược dạ dày của Bộ y tế qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý phổ biến ở nước ta với tỷ lệ người mắc lên tới 30% dân số. Con số này có thể lớn hơn rất nhiều so với thống kê. Bởi rất ít bệnh nhân đi khám ở giai đoạn đầu của bệnh. Hiểu một cách đơn giản, trào ngược là tình trạng dịch vị, men tiêu hóa, thức ăn… tại dạ dày bị đẩy lên phía trên do rối loạn tại thực quản. Triệu chứng lặp đi lặp lại liên tục gây khó chịu hoặc xuất hiện biến chứng thì được chẩn đoán là trào ngược dạ dày thực quản.
Trên thực tế tại nước ta, trào ngược được chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả nội soi ống tiêu hóa trên. Khi bạn xuất hiện các triệu chứng tại thực quản như:
- Cảm giác nóng rát sau xương ức kèm ợ hơi ợ chua thường xuyên.
- Đau vùng thượng vị, đau âm ỉ.
- Cảm giác nuốt đau, nuốt khó có thể gặp ở khoảng 1/3 bệnh nhân bị GERD.
Ngoài ra, do tình trạng trào ngược nên một số cơ quan cận kề có thể bị ảnh hưởng dẫn tới các triệu chứng đi kèm như ho, viêm thanh quản, viêm họng, hen, sau răng....
2. Những cập nhật mới trong phác đồ điều trị bệnh lý trào ngược thực quản dạ dày của Bộ y tế
a. Chẩn đoán xác định
Bước đầu tiên để tiếp cận một bệnh nhân GERD (trào ngược thực quản dạ dày) cần phải hiểu rõ bản chất, nguyên nhân và các triệu chứng điển hình. Từ đó xem xét chỉ định các xét nghiệm cần thiết và lập ra kế hoạch điều trị.
Không phải bất cứ bệnh nhân nào có triệu chứng trào ngược đều có chỉ định nội soi. Bởi có khoảng 20-40% bệnh nhân khỏe mạnh có triệu chứng trào ngược dạ dày thoáng qua có thể tự khỏi và không cần điều trị. Theo phác độ của Bộ y tế, chỉ định nội soi khi có các triệu chứng báo đông như:
- Triệu chứng trào ngược dai dẳng hoặc tăng lên dù đã được điều trị bằng các loại thuốc thích hợp trước đó.
- Nuốt khó, nuốt đau liên tục.
- Sụt cân, nôn dai dẳng >7 ngày.
- Có bằng chứng của xuất huyết tiêu hóa hoặc thiếu máu.
- Có hình ảnh u hoặc tổn thương thực quản trên các xét nghiệm, phương tiện chẩn đoán khác như siêu âm, chụp X quang...
Sau khi được chẩn đoán xác định trào ngược thực quản dạ dày thì nên điều trị sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
b. Mục tiêu điều trị
Đối với bệnh nhân bị trào ngược, mục tiêu điều trị được đặt ra dựa vào mức độ trầm trọng của bệnh qua hình ảnh nội soi. Thông thường, bác sĩ thường sử dụng phân độ theo Los Angeles trên nội soi ống tiêu hóa để đánh giá tổn thương thực quản và chỉ định thuốc.
Mục tiêu điều trị gồm:
- Giải quyết nhanh các triệu chứng để cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.
- Hạn chế các tổn thương ở thực quản lan rộng.
- Điều trị và giảm thiểu tối đa biến chứng.
- Dự phòng tái phát.
c. Phương tiện điều trị
Y học hiện đại, con người ngày càng tiến gần hơn với những phương thực chữa bệnh mới an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đối với trào ngược thực quản dạ dày thì việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị là firstline. Ngoài ra, nội soi tiêu hóa kết hợp phẫu thuật được cân nhắc ở những bệnh nhân có biến chứng hoặc tổn thương thực quản nặng mà dùng thuốc hiệu quả không cao.
Trong thuốc điều trị luôn có những cải tiến mới trong liều lượng, cách dùng hoặc đôi khi là loại thuốc. Hiện nay, ức chế bơm proton (PPI) được sử dụng phổ biến cho thấy hiệu quả tối ưu nhất. Bên cạnh đó, kháng thụ thể H2, thuốc trợ vận động, thuốc điều hòa hoạt động cơ thắt thực quản dưới cũng được kết hợp trong một số trường hợp nhất định để tăng động lực điều trị.
d. Phác đồ điều trị một bệnh nhân GERD
Khi được chẩn đoán GERD với các triệu chứng điển hình và chưa có biến chứng thì bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng:
- Thay đổi lối sống
- PPI 8 tuần với liều chuẩn. Tùy theo kinh nghiệm mà bác sĩ có thể kết hợp một hoặc hai loại PPI liệu chuẩn. Một số loại PPI thường dùng với liệu chuẩn như Omeprazole 20mg/ngày, lanzoprazole 30mg/ngày, pantoprazole 20mg/ngày, rabeprazole 20mg/ngày, esomeprazole 20mg/ngày.
Sau đó đánh giá đáp ứng điều trị, nếu không cải thiện thì tăng PPI liều gấp đôi hoặc đổi sang một loại PPI khác có động lực học cao hơn. Hoặc kết hợp PPI với kháng H2/Prokinetic trong 8 tuần. Nếu đáp ứng tốt thì giảm hoặc ngưng liều trình đang sử dụng. Trường hợp không đáp ứng thì chỉ định nội soi, xét nghiệm đánh giá chức năng thực quản và xây dựng một phác đồ điều trị khác phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong khi điều trị nên lưu ý những loại thuốc đi kèm mà bệnh nhân đang sử dụng chẹn beta, chẹn canxi... vì nó làm tăng nguy cơ trào ngược.
Bệnh cạnh đó khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với điều trị cần xem xét vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân đã tốt hay chưa trước khi chuyển sang phác đồ điều trị mới. Và trong điều trị trào ngược thực quản dạ dày không được quên điều trị dự phòng. Bởi nó là nguy cơ hàng đầu của kháng thuốc và biến chứng.
Riêng đối với những bệnh nhân có các biến chứng như loét thực quản, u thực quản, ung thư thực quản... cần được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và cân nhắc điều trị ngoại khoa.
e. Điều trị thay đổi lối sống là gì?
Thay đổi lối sống là cách tốt nhất để loại trừ các yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng trào ngược và tăng hiệu quả sử dụng thuốc. Bệnh nhân cần:
- Giảm cân khi có tình trạng béo phì (chỉ số BMI >24). Giảm 3-5% trọng lượng cơ thể, giảm từ từ và không nên vượt quá 1,6kg/ tuần,
- Cai thuốc lá,
- Bỏ rượu bia,
- Xây dựng chế độ ăn khoa học như không ăn quá no, không ăn khuya, tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo xấu...
- Tránh nằm trong 3 giờ sau ăn,
- Nên ngủ kê cao đầu từ 8-100
Để thành công chinh phục và chế ngự bệnh lý trào ngược dạ dày bạn cần tuân thủ điều trị một cách nghiêm túc. Bởi những bệnh lý dạ dày thường mãn tính, khó điều trị nhưng lại cực kỳ dễ tái phát bởi các yếu tố nguy cơ.
Để có thể tầm soát và dự phòng mắc bệnh lý trào ngược, bạn nên đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc định kỳ 6 tháng một lần đối với người khỏe mạnh. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích nhất.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.