Tham vấn y khoa:
Chuyên khoa Nội tim mạch,Chuyên khoa Siêu âm tim
Tăng huyết áp từ lâu đã luôn được các nhà khoa học và chuyên gia y tế ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì nó gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm, lâu dài và trầm trọng nếu không được điều trị, đặc biệt là trên các cơ quan đích : tim, não, thận, mắt, mạch máu. Tại Việt Nam, trung bình cứ 2 người trên 18 tuổi thì có 1 người mắc tăng huyết áp, đây là một con số vô cùng báo động.
Nội dung chính
- 1. Định nghĩa
- 2. Nguyên nhân
- 3. Chẩn đoán
- 4. Điều trị
- 5. Phác đồ sàng lọc
1. Định nghĩa
Tăng huyết áp thứ phát là loại tăng huyết áp gây ra bởi một nguyên nhân xác định và có thể điều trị bằng can thiệp chuyên biệt đối với nguyên nhân đó.
- Tăng huyết áp thứ phát có thể gây ra một số loại bệnh cảnh trên lâm sàng hay gặp như : cơn tăng huyết áp khẩn cấp/cấp cứu, tăng huyết áp nặng lên ở bệnh nhân mà trước đó huyết áp đang được kiểm soát tốt, tăng huyết áp kháng trị, tăng huyết áp tâm trương mới xuất hiện ở người cao tuổi, tổn thương cơ quan đích không tương xứng với mức độ tăng huyết áp.
Tăng huyết áp cấp cứu, dấu hiệu thường là hậu quả của tăng huyết áp thứ phát
- Mặc dù tăng huyết áp thứ phát thường gặp ở người trẻ nhưng một số thể của tăng huyết áp thứ phát như do bệnh lý mạch máu thận lại thường gặp ở người cao tuổi.
- Đối với tăng huyết áp thứ phát, vấn đề quan trọng nhất là xác định và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
2. Nguyên nhân
Tăng huyết áp được chia thành 2 nhóm là: tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp thứ phát, hay còn gọi là tăng huyết áp có nguyên nhân, vậy nên loại tăng huyết áp này hoàn toàn có thể điều trị triệt để.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp:
- Bệnh nhu mô thận: viêm cầu thận, viêm thận kẽ, thận đa nang…
- Bệnh lý hẹp động mạch thận: do xơ vữa, loạn sản xơ cơ, viêm mạch (Takayasu).
- Cường aldosterone nguyên phát (hội chứng Conn).
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ.
- Do thuốc hoặc rượu
Nguyên nhân ít gặp:
- U tủy thượng thận/U tế bào cận hạch thần kinh.
- Hội chứng Cushing.
- Cường hoặc suy giáp.
- Hẹp eo ĐM chủ.
- Cường cận giáp nguyên phát.
- Phì đại tuyến thượng thận bẩm sinh.
- Hội chứng cường mineralocorticoid quá mức khác với cường aldosterone nguyên phát.
- Bệnh to viễn cực chi.
Tổng đài đặt lịch khám chuyên khoa tim mạch tại bệnh viện tuyến trung ương, phòng khám uy tín và lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Liên hệ ngay để được IVIE - Bác sĩ ơi tư vấn, hỗ trợ:
1900 3367
3. Chẩn đoán
Trên lâm sàng, chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát thường được nghĩ tới khi người bệnh có những đặc điểm sau:
- Bệnh nhân trẻ tuổi (< 40 tuổi) mắc tăng huyết áp độ 2 hoặc bất kỳ tăng huyết áp độ nào ở trẻ em.
- Tăng huyết áp cấp cứu/khẩn cấp nặng lên ở những bệnh nhân đang được kiểm soát huyết áp ổn định.
- Tăng huyết áp kháng trị.
- Tăng huyết áp nặng (độ 3) hoặc tăng huyết áp khẩn cấp.
- Tổn thương cơ quan đích tiến triển, gồm tim, não, thận, mắt, mạch máu.
- Lâm sàng hoặc sinh hóa gợi ý nguyên nhân do nội tiết hoặc bệnh thận mạn, ví dụ: dấu hiệu của hội chứng Cushing (béo bụng, rạn da, teo cơ, mặt và bụng tròn, chân tay teo nhỏ,…); dấu hiệu hẹp động mạch thận: có tiếng thổi ở bụng, tăng creatinin trên 30% khi dùng thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, phù phổi liên tục, tái phát trong cơn tăng huyết áp.
- Trên lâm sàng có hội chứng ngừng thở khi ngủ: ngáy to, béo phì, đau đầu vào buổi sáng, ngủ gà ban ngày, độ bão hòa oxy trong máu lúc ngủ qua đêm thấp.
- Các triệu chứng gợi ý u tủy thượng thận (các cơn tăng huyết áp kịch phát, huyết áp không ổn định, đau đầu, vã mồ hôi, trống ngực) hoặc tiền sử gia đình mắc u tủy thượng thận.
Tăng huyết áp ở người trẻ tuổi: dấu hiệu gợi ý tăng huyết áp thứ phát
Tìm hiểu thông tin về: Đánh giá sức khỏe người bệnh tăng huyết áp tại đây.
4. Điều trị
Điều trị tăng huyết áp thứ phát, ngoài kiểm soát huyết áp, mục tiêu chính vẫn là điều trị nguyên nhân gây bệnh. Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát hiện nay đã được điều trị triệt để, ví dụ:
- Nếu tăng huyết áp do hẹp động mạch thận với cơ chế xơ vữa/loạn sản xơ cơ, có thể can thiệp động mạch thận (nong bóng phủ thuốc hoặc đặt stent).
Can thiệp stent động mạch thận: phương pháp hiện đại, ít xâm lấn điều trị hẹp động mạch thận
- Nếu tăng huyết áp do u tủy thượng thận, phẫu thuật để giải quyết và đánh giá bản chất khối u.
- Nếu tăng huyết áp do hội chứng ngừng thở khi ngủ, điều trị khi đã có triệu chứng tắc nghẽn đường thở: bài tập thở, tư thế khi ngủ, máy thở hỗ trợ khi ngủ.
Máy thở: thiết bị hỗ trợ người bệnh mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ
- Nếu tăng huyết áp do hội chứng Cushing : điều trị bằng corticoid theo chỉ định của bác sĩ nội tiết. Nếu tăng huyết áp do cường giáp, dùng các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp.
- Nếu tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ, phẫu thuật hoặc can thiệp qua da tại trung tâm can thiệp.
- Nếu tăng huyết áp do thuốc hoặc rượu: ngừng các thuốc/rượu có thể gây tăng huyết áp. Nếu người bệnh đang điều trị thuốc vì có bệnh lý khác, khám chuyên khoa tim mạch nhằm có sự phối hợp hợp lý giữa các chuyên khoa, qua đó đưa ra phác đồ phù hợp nhất cho người bệnh.
Hạn chế sử dụng rượu bia để làm giảm nguy cơ mắc tăng huyết áp thứ phát nói riêng và bệnh tim mạch nói chung
5. Phác đồ sàng lọc
Phác đồ sàng lọc tăng huyết áp thứ phát theo hội Tim mạch học Việt Nam năm 2018
Như IVIE - Bác sĩ ơi đã chia sẻ thông tin trong bài viết trên đây, mong rằng đã cung cấp cho bạn đọc được những kiến thức cơ bản về bệnh lý tăng huyết áp thứ phát từ đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.