Chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán thủng tạng rỗng, trong đó có các phương thức như: siêu âm, chụp x quang, cắt lớp vi tính ổ bụng. Cùng ISOFHCARE tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Thủng tạng rỗng là gì?
Thủng tạng rỗng là tình trạng khí tự do trong ổ bụng, đây là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa hay gặp, cần phát hiện sớm. Chẩn đoán bệnh lý này muộn tăng nguy cơ tử vong.

Thủng tạng rỗng và vai trò của chẩn đoán hình ảnh
Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong thủng tạng rỗng là rất quan trọng. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh của IVIE - Bác sĩ ơi sẽ trình bày trong bài viết dưới đây để bạn đọc hiểu rõ hơn.
- Về lâm sàng: người bệnh thường có triệu chứng đau dữ dội vùng thượng vị và kèm đề kháng thành bụng. Một số trường hợp như người già suy kiệt triệu chứng không đặc trưng. Nguyên nhân thường gặp là do thủng ổ loét dạ dày tá tràng (90% trường hợp). Các nguyên nhân khác ví dụ như: Chấn thương bụng do tai nạn gây thủng ruột...
- Về hình ảnh khí tự do ổ bụng biểu hiện qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị trong bệnh lý này gồm: Xquang bụng đứng không chuẩn bị, siêu âm bụng, Cắt lớp vi tính ổ bụng.
2. Xquang bụng đứng không chuẩn bị
Xquang bụng đứng không chuẩn bị là phương pháp phổ biến dùng xác định khí tự do trong ổ bụng, được chỉ định thường xuyên trong cấp cứu nhằm phát hiện và loại trừ thủng tạng rỗng. Người bệnh được khảo sát tư thế đứng, hoặc tư thế nửa nằm, nửa ngồi để tìm liềm hơi dưới cơ hoành.

Xquang bụng đứng không chuẩn bị trong chẩn đoán thủng tạng rỗng
Trường hợp khó khăn, chụp người bệnh nằm nghiêng trái với tia X phóng ngang. Để lượng khí có thể phát hiện tốt nhất trên phim, kỹ thuật viên cần cho người bệnh giữ nguyên tư thế chụp tối thiểu 10 phút trước khi chụp. Thời gian từ khi thủng tạng rỗng đến khi nhìn thấy trên phim, sớm nhất là 6h. Vì vậy cần phối hợp thêm lâm sàng cùng các phương pháp khác để đánh giá khi nghi ngờ lâm sàng thủng tạng rỗng.
3. Siêu âm
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến tại các bệnh viện và phòng khám. Bệnh nhân nằm nghiêng trái, ta đặt đầu dò ở khoảng liên sườn 8 hoặc 9 bên phải trên đường nách giữa. Đầu dò (phẳng) có tần số 7,5 MHz được dùng để khảo sát vùng nông giữa góc sườn hoành phải và bờ ngoài gan.

Siêu âm chẩn đoán thủng tạng rỗng
Các dấu hiệu để tìm thủng tạng rỗng trên siêu âm bao gồm:
Dấu rèm cửa (curtain sign) hay dấu rèm hơi. Quan sát hình ảnh siêu âm với các đặc điểm:
- Hình ảnh tăng âm có bóng lưng (đây là dấu hiệu thường gặp) hoặc tăng âm của viêm phúc mạc (bọt khí). Bóng khí này nằm thấp hơn bóng khí phổi. Bóng khí này di chuyển không đồng bộ với cử động hô hấp. Vị trí: thường gặp giữa bề mặt gan và cơ thành bụng. Một số vị trí khác: rãnh dây chằng liềm, hậu cung mạc nối.
- Ngoài ra có thể quan sát dấu hiệu bậc thang (step-ladder sign). Cụ thể thủng tạng rỗng có hơi lượng nhiều có thể tìm dấu hiệu hình ảnh bậc thang. Dấu bậc thang được hình thành bởi 2 rèm hơi: Hơi màng phổi và hơi tự do. Tuy nhiên hơi màng phổi nằm cao hơn hơi ổ phúc mạc tạo hình ảnh bậc thang. Siêu âm có thể phát hiện thêm dấu hiệu dịch ổ bụng. Ngoài ra siêu âm có thể phát hiện các tổn thương tạng khác kèm theo.
4. Cắt lớp vi tính ổ bụng
Các trường hợp khó xác định trên siêu âm, chụp X quang bụng không chuẩn bị thì cắt lớp vi tính bụng là công cụ đắc lực phát hiện thủng tạng rỗng. Để xác định một số lượng khí ít trong ổ bụng hoặc sau phúc mạc. Hình ảnh CLVT thủng tạng rỗng dựa vào các dấu hiệu như sau:
- Khí mặt trước gan, khí vùng thượng vị, cạnh tá tràng là các vị trí thường gặp;
- Dày thành ruột khu trú;
- Thâm nhiễm mỡ mạc treo;
- Ngấm thuốc mạnh của thành ruột, thoát thuốc cản quang ra ngoài khỏi ống tiêu hóa;
- Hinh ảnh kết hợp giữa dịch tự do và dày thành ruột gợi ý đến thủng tạng rỗng, viêm phúc mạc.
Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong thủng tạng rỗng là rất quan trọng. Bài viết trình bày kiến thức cơ bản về bệnh lý thủng tạng rỗng. Trong trường hợp bạn bị chấn thương gây xuất huyết ổ bụng, có các triệu chứng đau bụng quặn thắt, bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra bạn cũng có thể tư vấn y tế từ xa với Bác sĩ qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi, bác sĩ có thể xem diễn biến, tình trạng của người bệnh qua quan sát và trao đổi trực tuyến để đưa ra chẩn đoán ban đầu, định hướng và tư vấn cho người bệnh hoặc kê đơn thuốc trực tuyến (nếu có)
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.