Răng sữa của trẻ có vai trò quan trọng trong việc ăn nhai, thẩm mỹ, đảm bảo quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, đồng thời hỗ trợ sự phát triển hàm mặt của trẻ. Khi đến thời điểm nhất định, răng sữa sẽ dần được thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Việc thay thế răng này là một quá trình sinh lý tự nhiên mà hầu như mọi trẻ đều sẽ trải qua trong đời. Vậy, trẻ sẽ bắt đầu thay răng khi nào?
1. Thời điểm thay răng của trẻ
Thông thường, thời gian thay răng sữa của trẻ sẽ diễn ra trong khoảng từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Các răng sẽ không thay cùng một lúc mà lần lượt và thường theo một thứ tự nhất định: răng cửa giữa rồi đến răng cửa bên, sau đó là răng nanh và răng hàm sữa. Đôi khi, một số trẻ sẽ có thứ tự hơi thay đổi giữa việc thay răng nanh với răng hàm sữa và điều này ảnh hưởng không đáng kể.
Thay răng cũng có sự khác biệt giữa các răng hàm trên và hàm dưới. Răng hàm dưới thường thay trước và cũng thường kết thúc xong trước. Răng hàm trên thay muộn hơn một chút và kết thúc sau. Quá trình thay răng của hàm trên và hàm dưới sẽ sắp xếp xen kẽ nhau tương ứng trình tự trên.
Phần lớn trẻ sẽ thay chiếc răng đầu tiên là răng cửa giữa sữa ở hàm dưới vào khoảng 6 tuổi. Biểu hiện của việc đã đến lúc thay răng là chiếc răng sẽ lung lay dần dần và ngày một nhiều. Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ đi tới bác sĩ khám và kiểm tra xem với mức độ lung lay răng như vậy đã có thể nhổ chưa và tiến hành nhổ cho trẻ.
Tuy nhiên, một số trẻ lại không có hiện tượng lung lay răng, nhưng răng vĩnh viễn thay thế đã mọc lên ở phía trong và đẩy vào răng sữa phía ngoài. Trường hợp này, phụ huynh nên cho con đến bác sĩ để được nhổ bỏ răng sữa đó, tạo chỗ cho răng vĩnh viễn thuận lợi về đúng chỗ.
Gọi hotline 19003367 hoặc Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám ưu tiên, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi tại các Bệnh viện tuyến trung ương và các phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
2. Những lý do ảnh hưởng đến tuổi thay răng của trẻ
Tuy hầu hết mọi trẻ thường thay chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 tuổi, nhưng đôi khi cũng có trường hợp đặc biệt - trẻ có thể thay răng sớm hơn hoặc muộn hơn. Một số lí do ảnh hưởng đến tuổi thay răng của trẻ:
- Di truyền: Nếu lúc nhỏ bố mẹ thay răng sữa chậm hoặc nhanh hơn bình thường thì con cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự.
- Chế độ ăn uống: Với các bé sinh non, mẹ kiêng khem quá nhiều lúc mang thai hoặc chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ thiếu cân đối cũng có thể khiến trẻ thay răng muộn
- Thiếu mầm răng vĩnh viễn: Một số trường hợp trẻ thiếu mầm răng vĩnh viễn hoặc răng vĩnh viễn mọc ngầm nên tuy răng sữa đã rụng đi nhưng răng vĩnh viễn mãi không thấy mọc lên thay thế.
- Lợi xơ hoá: Trẻ mất răng sữa sớm do chấn thương hay phải nhổ sớm do bị sâu thì theo thời gian lợi có thể xơ hóa làm răng vĩnh viễn khó mọc lên.
3. Trẻ thay răng muộn phải làm sao?
Thông thường, trẻ sẽ thay chiếc răng sữa đầu tiên vào khoảng 6 tuổi, Vì vậy, nếu nhận thấy muộn hơn thời điểm này mà trẻ vẫn chưa có dấu hiệu thay răng thì bố mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để xác định nguyên nhân, kiểm tra xem bé có mầm răng hay không để từ đó có biện pháp khắc phục. Đồng thời, bố mẹ cũng nên đưa trẻ khám răng định kỳ tại nha khoa để được theo dõi và kịp thời phát hiện bất thường.
Hiện tại, không có một thời gian nào là chắc chắn chính xác cho việc thay răng của trẻ. Nó phụ thuộc và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Bởi vậy, độ tuổi thay răng có thể khác nhau ở mỗi người và thậm chí khác nhau cả ở những cặp anh chị em ruột có cùng cha mẹ. Phụ huynh không nên quá lo lắng nếu thấy con mình thay răng có muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Cách tốt nhất là hãy đưa trẻ đi khám nha khoa từ sớm và định kỳ để được tư vấn từ trước và tránh những lo phiền không đáng có.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bài viết Y học thường thức và Hướng dẫn khám bệnh với những thông tin tin cậy, chính xác và dễ hiểu nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.