Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin thường thức cơ bản về vị trí và vai trò của thận đối với sức khỏe của chúng ta.
Thận là một tạng quan trọng đối với cơ thể mỗi người, nằm ở vị trí hố thắt lưng hai bên. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ các chất độc trong máu, giúp giữ ổn định nồng độ các chất trong tuần hoàn của cơ thể. Ngoài ra, thận còn tham gia vào một số hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, tạo xương và duy trì huyết áp ổn định.
1. Vị trí của thận
Mỗi người bình thường có hai quả thận, hình hạt đậu, nằm ở vị trí hố thắt lưng hai bên, thận phải nằm thấp hơn thận trái khoảng 1 đốt sống thắt lưng. Hai thận được bao bọc xung quanh bởi tổ chức mỡ và cân cơ, do đó, những tác động mạnh vào vị trí này (chấn thương, va đập…) có thể gây tổn hại đến thận. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số người sinh ra với chỉ một quả thận hoặc có hai thận nhưng ở vị trí bất thường (nằm ở hố chậu, nằm trong tiểu khung…). Những trường hợp này thường khó phát hiện bằng thăm khám thông thường mà phần lớn được chẩn đoán xác định dựa trên các kết quả chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu…).
Bình thường không thể tự sờ thấy thận, nếu thận to lên và sờ thấy được thì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý và cần được thăm khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Đơn vị chức năng của thận
Thận được cấu thành từ hàng triệu đơn vị chức năng, được gọi là nephron, phân bố chủ yếu ở vùng vỏ thận. Nephron là nơi diễn ra quá trình lọc máu, giúp cơ thể bài tiết các chất độc, sản phẩm loại thải, hình thành nước tiểu và bài xuất ra ngoài.
Mỗi người sinh ra có khoảng 1.000.000 – 2.000.000 đơn vị chức năng trên mỗi thận. Điều đáng lưu ý là cơ thể không thể sản sinh hay tái tạo thêm các nephron này. Do đó, chấn thương thận, bệnh lý thận hoặc tuổi già làm suy giảm số lượng (hoặc chất lượng) các tiểu cầu thận) sẽ dẫn đến sự suy giảm chức năng thận. Khi chức năng thận suy giảm tới mức không thể đáp ứng được yêu cầu lọc máu của cơ thể, tình trạng suy thận sẽ xuất hiện và một số trường hợp cần đến sự hỗ trợ của lọc máu ngoài cơ thể để đào thải các độc chất trong người do bản thân thận của bệnh nhân không thể thực hiện được điều này.
Gọi hotline 19003367 hoặc Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám ưu tiên, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi tại các Bệnh viện tuyến trung ương và các phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
3. Vai trò của thận đối với cơ thể
Thận có rất nhiều vai trò đối với cơ thể, dưới đây là một số chức năng chính của thận:
- Lọc máu và đào thải chất thải, độc tố nội sinh cũng như ngoại sinh: thông qua hoạt động chức năng của tiểu cầu thận, các chất độc được loại thải ra ngoài, giúp cơ thể giữ được sự ổn định. Nếu các độc tố này tích tụ trong cơ thể, có thể gây nên các triệu chứng như nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi… thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
- Sản xuất nước tiểu: người bình thường đi tiểu khoảng 2 lít/ngày, đây là kết quả của việc hoạt động không ngừng nghỉ của thận, với công suất lọc có thể lên đến 120 ml máu/phút (tương đương với hơn 170 lít máu/ngày, gấp gần 30 lần thể tích máu của một người trưởng thành).
- Điều hòa cân bằng môi trường bên trong cơ thể (nội môi)
- Điều hòa thể tích máu trong cơ thể
- Điều hòa huyết áp của cơ thể
- Tham gia vào quá trình tạo hồng cầu
- Tham gia tổng hợp vitamin D và quá trình tạo xương
- Điều hòa các quá trình chuyển hóa của nhiều chất trong cơ thể thông qua việc phân giải và giáng hóa nhiều hormon và enzym.
Vì nhiều chức năng quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn này mà thận được coi là một trong những tạng quan trọng nhất trong cơ thể, thận cũng dễ bị tổn thương bởi những thói quen sinh hoạt, vận động và sử dụng thuốc hằng ngày của người bệnh.
4. Một số lời khuyên giúp bảo vệ chức năng của thận trong đời sống hằng ngày
Bảo vệ thận cũng là gìn giữ sức khỏe của chính bản thân mỗi chúng ta. Dưới đây là một số lời khuyên của bác sĩ về các thói quen tốt giúp thận của bạn hoạt động hiệu quả và khỏe mạnh hơn:
- Duy trì thói quen bổ sung nước hằng ngày cho cơ thể, tối thiểu khoảng 2 lít nước lọc/ngày (lưu ý không có khuyến cáo thay thế nước lọc bằng các loại nước ngọt, nước giải khát khác)
- Vận động và nghỉ ngơi điều độ, tránh lao động nặng kéo dài, đặc biệt là làm việc dưới môi trường nóng bức và không được bổ sung nước thường xuyên.
- Tập thói quen ăn giảm mặn, giảm mỡ và phủ tạng động vật.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là tránh việc tự phối hợp uống nhiều loại thuốc cùng một lúc; tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tán, thuốc hoàn…không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định của bộ y tế.
- Khám sức khỏe định kì và lưu ý kiểm tra thêm xét nghiệm nước tiểu bên cạnh xét nghiệm máu.
- Nếu có những bất thường trong cơ thể nghi ngờ bệnh lý thận – tiết niệu như: đái máu, đái buốt dắt, đái mủ, đau thắt lưng, phù toàn thân… hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.