Thật khó để có thể tự tin diện những bộ cánh nóng bỏng vào mùa hè khi bạn bị viêm nang lông. Chúng sẽ khiến làn da của bạn trở nên sần sùi, sạm màu, nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. Đa số bệnh nhân thất bại trong việc điều trị vì không hiểu rõ bản chất và nguyên nhân gây bệnh. Vậy viêm nang lông là gì? làm sao để phát hiện sớm và điều trị dứt điểm tình trạng này? Sẽ được các chuyên gia tư vấn y khoa của ISOFHCARE giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Viêm nang lông là gì?
Hiểu cơ bản về viêm nang lông giúp bạn nhìn nhận tình trạng da của mình một cách khách quan nhất. Điều này là bước nền cơ bản để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời. Vậy viêm nang lông thực chất là bệnh lý như thế nào?
Viêm nang lông là tình trạng viêm một hoặc nhiều nang lông ở bất cứ vùng nào trên cơ thể ngoại trừ lòng bàn tay, bàn chân. Đây là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính và thường xuất hiện nhiều ở thanh thiếu niên và người trẻ. Bạn có thể bị viêm nang lông sâu hoặc nông tùy thuộc vào nguyên nhân, cơ địa của từng người bệnh.
Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống nhất là về mặt thẩm mỹ. Với tình trạng viêm nang lông này đã khiến cho nhiều người cảm thấy tự ti, stress tâm lý rất lớn trong cuộc sống thường ngày.
2. Nguyên nhân của viêm nang lông
Viêm nang lông là bệnh lý da liễu có nguyên nhân đa dạng. Chúng có thể đơn hoặc phối hợp với nhau gây bệnh. Theo nghiên cứu, người ta nhân thấy nguyên nhân chủ yếu gây viêm nang lông là do vi khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh. Ngoài ra còn nguyên nhân gây bệnh với tỷ lệ thấp hơn như nấm Trichophyton rubrum, virus herpes simplex..
Thực tế trong cuộc sống có rất nhiều thói quen, yếu tố nguy cơ thuận lợi cho tình trạng viêm nang lông phát triển như:
- Mặc quần áo quá chật
- Chất vải thô, không thấm hút mồ hôi
- Da ẩm ướt
- Tăng tiết mồ hôi
- Dùng dao cạo lông, nhổ lông
- Sử dụng các loại mỹ phẩm dễ gây kích ứng, hoặc sử dụng corticoid lâu ngày khiến da dễ bị nhạy cảm, viêm nhiễm
- Viêm nang lông có tỷ lệ mắc cao ở những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh lý mạn tính.
Đặt khám trước qua tổng đài 19003367 hoặc qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để được tiếp đón ưu tiên, giảm thời gian chờ đợi hay xếp hàng tại các bệnh viện tuyến trung ương và phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa!
3. Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng viêm nang lông
Viêm nang lông rất dễ nhận biết vì triệu chứng tương đối điển hình và được chẩn đoán xác định dựa vào biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên nó có thể xuất hiện ở các vùng khuất mà mắt không thể nhìn thấy được như lưng, mông...
Khi bị viêm nang lông sẽ xuất hiện:
- Trên da có những nốt sần nhỏ ở nang lông, có màu đỏ và phía trên có lớp vảy tiết màu trắng.
- Kích thước của những nốt sần to nhỏ khác nhau. Đôi khi có thể sưng lớn lên thành một khối như mụn.
- Có thể có cảm giác ngứa rát và đau.
- Vị trí xuất hiện có thể bất cứ vùng nào trên cơ thể có nang lông. Nhưng thường gặp nhất là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mặt ngoài cánh tay, đùi, mông...
- Sờ vào những vùng bị viêm nang lông có cảm giác bị nhám, sần sùi rất khó chịu.
- Số lượng tổn thương nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thông thường chỉ xuất hiện một chút rồi biến mất và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên một số nhỏ vẫn có thể tái phát nhiều lần và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
4. Điều trị viêm nang lông như thế nào là hiệu quả nhất?
Đa phần bệnh nhân thất bại trong nhiều cách trị viêm nang lông vì không được chẩn đoán sớm và điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu. Người bệnh thường tự điều trị tại nhà với những phương pháp chưa được khoa học chứng minh hoặc không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Do đó, điều trị viêm nang lông hiệu quả nhất thì cần có sự kết hợp giữa bác sĩ và người bệnh. Bạn có thể biết về một số phác nguyên tắc cơ bản và cách thức điều trị hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nước ta.
a. Nguyên tắc điều trị viêm nang lông
- Đầu tiên cần loại bỏ hoàn toàn căn nguyên gây bệnh và các yếu tố thuận lợi
- Vệ sinh sạch sẽ các vùng da trên cơ thể đúng cách. Nên rửa tay thật sạch và tránh hạn chế tiếp xúc trên da khi không cần thiết
- Hạn chế cào gãi, nặn hoặc làm tổn thương thêm vùng nang lông bị viêm
- Tùy theo từng tình trạng bệnh nhân cụ thể mà áp dụng những phương pháp chăm sóc, điều trị khác nhau.
b. Điều trị chuyên sâu
Đối với viêm nang lông mức độ nhẹ, bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi với các bước chăm sóc da cơ bản. Tuy nhiên khuyến cáo bạn nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa da liễu tư vấn chăm sóc da khoa học.
Đối với mức độ nặng hơn cần kết hợp sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn và kháng sinh bôi tại chỗ. Bạn có thể biết một số loại thuốc điều trị viêm nang lông dạng kem hoặc dạng mỡ dùng để bôi trong viêm nang lông như mỡ mupirocin, mỡ neomycin...
Riêng những trường hợp nặng có biến chứng hoặc mức độ lan tỏa rộng cần phối hợp điều trị tại chỗ với toàn thân bằng các loại kháng sinh.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh