Khi được chẩn đoán bệnh thận mạn tính, người bệnh bắt đầu hành trình điều trị gian nan và nhiều khó khăn. Vì bệnh không thể chữa dứt điểm, nên các biện pháp can thiệp hành vi – lối sống kết hợp dùng thuốc chủ yếu nhằm hạn chế tiến triển của bệnh thận, giúp người bệnh sống chung một cách “hòa bình” với bệnh và kéo dài thời gian điều trị bảo tồn càng lâu càng tốt.
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng. Người bị bệnh thận mạn thường phải kiêng khem rất nhiều các loại thực phẩm nhằm giảm thiểu gánh nặng cho thận. Việc ăn uống không điều độ có thể dẫn đến bệnh tiến triển nặng thêm, nhưng ngược lại, chế độ ăn quá kiêng cữ và ngặt nghèo lại khiến bệnh nhân thiếu hụt năng lượng và suy dinh dưỡng. Dưới đây là 5 nguyên tắc cơ bản trong chế độ dinh dưỡng mà bệnh nhân suy thận mạn nên ghi nhớ.
1. Chế độ ăn giảm đạm và đảm bảo cung cấp đủ năng lượng
Một chế độ ăn giảm đạm nhằm giảm bớt gánh nặng cho thận và giảm thiểu các chất chuyển hóa gây hại cho cơ thể là nguyên tắc đầu tiên mà người bệnh cần ghi nhớ. Chế độ ăn này quy định năng lượng cung cấp từ đạm (động vật và thực vật) chỉ chiếm khoảng 10% tổng số năng lượng cần cung cấp trong ngày. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, người bệnh có thể ăn tăng khẩu phần tinh bột, đường như cơm, khoai lang, miến… (chiếm từ 60 – 70% trong khẩu phần ăn).
Nhu cầu năng lượng cho bệnh nhân có bệnh thận mạn tính chưa điều trị thay thế rơi vào khoảng 35 kcal/kg/ngày, lượng đạm (protein) không nên vượt quá 0.8 – 1 g/kg/ngày đối với bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn 1 – 2 và có thể cần giảm xuống 0.6 – 0.8 g/kg/ngày đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn 3 – 4. Người bệnh cũng được khuyến cáo nên ăn các loại thịt như ức gà, cá, thịt lợn…, và hạn chế ăn các loại thịt đỏ (nhiều protein) như thịt chó, thịt bò…
2. Uống đủ nước
Không ít người có quan điểm bệnh nhân suy thận nên hạn chế uống nước để tránh bị phù. Thực tế không hẳn như vậy, chỉ một số bệnh nhân có tình trạng bệnh đặc biệt mới được khuyến cáo hạn chế nước, phần lớn các bệnh nhân có bệnh thận mạn đang điều trị bảo tồn có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể, khoảng 1 – 1.5 l/ngày.
Việc uống ít nước đôi khi lại gây thiếu dịch trầm trọng cho cơ thể (đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng), càng làm cho tình trạng suy thận nặng lên. Bệnh nhân cũng có thể tự tính toán lượng nước uống hằng ngày theo công thức: Lượng nước uống trong ngày = số lượng nước tiểu trong 24 giờ (ml) + 500 ml. Nên nhớ rằng, quan trọng không phải là uống nhiều hay ít nước, mà cần phải đủ nước (đảm bảo cân bằng giữa lượng nước nhập vào qua đường uống, truyền dịch và lượng nước mất đi qua nước tiểu, mồ hôi, phân… của cơ thể).
3. Ăn giảm mặn
Một khẩu phần ăn giảm mặn, giảm muối đã được chứng minh là có lợi không chỉ cho thận mà còn tác động có ích lên tình trạng tim mạch của người bệnh. Lượng muối được khuyến cáo giảm dưới 5 g/ngày đối với bệnh nhân suy thận mạn nói chung và dưới 3 g/ngày nếu bệnh nhân có tình trạng phù và/hoặc tăng huyết áp.
Người bệnh cũng không nên sử dụng các thực phẩm phơi khô, ủ muối như cá mắm, dưa muối, cà muối… vì hàm lượng muối trong những thực phẩm này rất cao, ảnh hưởng tiêu cực đến kết cục trên thận và tim mạch.
Tổng đài đặt khám 19003367 hoặc đặt khám chủ động qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi!
4. Hạn chế ăn hoa quả, trái cây và thực phẩm nhiều Kali
Khi chức năng thận suy giảm, khả năng đào thải và giữ cân bằng điện giải của cơ thể ngày càng kém dẫn đến việc dư thừa một số chất trong cơ thể, trong đó có Kali. Lượng Kali quá cao trong máu có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.
Vì vậy bệnh nhân suy thận mạn được khuyến cáo hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều Kali, đặc biệt là một số loại hoa quả như cam, chuối, táo… hoặc các thực phẩm mà hàm lượng Kali cao theo công bố của nhà sản xuất.
Bệnh nhân suy thận càng nặng thì sự kiêng khem này càng phải được tuân thủ vì rối loạn nhịp tim do tăng Kali máu là một tình trạng cấp cứu, nguy cơ tử vong cao ngay kể cả đối với người có chức năng thận bình thường.
5. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Bệnh nhân có bệnh thận mạn, song song với việc dư thừa một số chất độc trong cơ thể lại thiếu hụt đáng kể một số loại vitamin và khoáng chất như: sắt, canxi, kẽm, vitamin D… Việc bồi phụ các vi chất này là rất quan trọng để ngăn ngừa sự hình thành và trở nên trầm trọng của một số biến chứng như thiếu máu, loãng xương, rối loạn chức năng tình dục…
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trên đây là những nguyên tắc cơ bản, đối với từng bệnh nhân và bệnh lý cụ thể có thể cần sự điều chỉnh và tham vấn của thầy thuốc, vì vậy, bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ của mình để nhận được sự tư vấn cụ thể chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa để tránh làm tình trạng bệnh diễn tiến trầm trọng hơn.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.