Bàng quang tăng hoạt là gì, nguyên nhân, triệu chứng và ảnh hưởng của bàng quang tăng hoạt đến cuộc sống của người bệnh, cùng ISOFHCARE tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Trong các bệnh lý rối loạn về tiểu tiện, bàng quang tăng hoạt là một bệnh lý thường gặp và gây không ít phiền toái cho người bệnh. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sự tự tin của người mắc phải. Bài viết dưới đây cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản và những triệu chứng thường gặp của bệnh lý đặc biệt này.
1. Bàng quang tăng hoạt là gì?
Bàng quang tăng hoạt là một thực thể bệnh liên quan đến sự xuất hiện các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, có thể đi kèm với tình trạng tiểu không tự kiểm soát được (Theo Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam).
Bàng quang tăng hoạt là gì, nguyên nhân, triệu chứng và ảnh hưởng
Bác sĩ sẽ kết luận bệnh nhân có tình trạng trên khi đã loại trừ các tổn thương bệnh lý tại chỗ và các rối loạn chuyển hóa liên quan.
2. Nguyên nhân của hội chứng bàng quang tăng hoạt
Bàng quang là một túi cơ rỗng chứa nước tiểu. Khi số lượng nước tiểu đạt khoảng 300 ml, cơ bàng quang căng ra dẫn đến phản xạ đi tiểu, kéo dài khoảng 30 giây, người lớn trưởng thành trung bình đi tiểu từ 3 – 4 lần/ngày. Đối với những người mắc chứng bàng quang tăng hoạt, số lần đi tiểu trong ngày có thể lên đến hàng chục lần, nước tiểu rỉ ra quần áo gây mùi khó chịu, cảm giác tiểu không hết bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân của hội chứng bàng quang tăng hoạt
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh lý này vẫn chưa thực sự được sáng tỏ, tuy nhiên có hai lý do chính được nêu lên, đó là:
- Các bệnh lý rối loạn dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến sự điều hòa hoạt động thần kinh của bàng quang và cổ bàng quang.
- Tuổi già có nhiều rối loạn tiểu tiện có thể do hiệu ứng ức chế thần kinh và chức năng não bộ suy giảm.
3. Các biểu hiện thường gặp của hội chứng bàng quang tăng hoạt
Triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt thường gặp:
- Tiểu gấp: người bệnh đột ngột có cảm giác buồn đi tiểu và khó kìm lại được. Đây là triệu chứng gần như xuất hiện trong tất cả các trường hợp bàng quang tăng hoạt. Nếu bệnh nhân nhịn được một thời gian để đến nhà vệ sinh thì được gọi là tiểu có kiểm soát, trong trường hợp ngược lại, người bệnh được gọi là tiểu gấp không kiểm soát. Tình trạng này khiến người bệnh đi tiểu ngay khi xuất hiện cảm giác buồn tiểu mà không kịp vào nhà vệ sinh, tiểu dầm khi ngủ, tiểu bất ngờ hoặc ra nước tiểu trong quần không kiểm soát được vào ban ngày.
- Tiểu nhiều lần: người bệnh thường tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày, tính từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ.
- Tiểu đêm: bệnh nhân than phiền về việc phải thức dậy ban đêm từ một lần trở lên để đi tiểu.
Bác sĩ thường chẩn đoán người bệnh có tình trạng bàng quang tăng hoạt khi có triệu chứng tiểu gấp với ít nhất một trong các triệu chứng còn lại.
4. Ảnh hưởng của bàng quang tăng hoạt đối với chất lượng cuộc sống
Ảnh hưởng của bàng quang tăng hoạt tác động xấu đến chất lượng cuộc sống trong hầu hết các lĩnh vực như chức năng sinh lý, chức năng xã hội, giới hạn về mặt vai trò, sức sống.
Ảnh hưởng của bàng quang tăng hoạt đến cuộc sống
Khi đánh giá người bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến sự ảnh hưởng của bệnh lý đến cuộc sống hằng ngày. Nếu các triệu chứng của bệnh chưa gây nhiều phiền toái cho người bệnh thì không nhất thiết phải đặt vấn đề điều trị.
Ngược lại, nếu các vấn đề tiểu tiện thực sự ảnh hưởng nặng nề đến công việc hằng ngày và hoạt động vui chơi giải trí của người bệnh thì cần thiết phải lên kế hoạch điều trị. Thực tế, sự phiền toái của các triệu chứng tiểu tiện này làm cho người bệnh thường xuyên phải né tránh một số hoạt động nhất định (nhất là các hoạt động ở nơi đông người) như đi du lịch, đi tầu xe, tập trung nơi đông người…
5. Cần làm gì khi nghi ngờ mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt
Nếu bạn có các triệu chứng kể trên, rất có thể bạn đang mắc chứng bàng quang tăng hoạt. Việc thăm khám bác sĩ là cần thiết để tìm kiếm các bệnh lý thần kinh hoặc rối loạn chuyển hóa tiềm ẩn, cũng như bắt đầu kế hoạch điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng.
Các biện pháp can thiệp hành vi và phương pháp điều trị bệnh lý bàng quang tăng hoạt sẽ được trình bày trong các bài viết sau.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.