Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, nó nằm phía trước cổ, có hình dạng con bướm. Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp, chính là bệnh lý của tuyến giáp. Bướu cổ đơn thuần là loại bướu cổ thường gặp nhất, chiếm 80% trong số các loại bướu cổ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về bướu cổ đơn thuần qua đó chủ động điều trị và phòng tránh.
1. Bướu cổ đơn thuần là gì?
Bướu cổ đơn thuần là tình trạng phì đại tuyến giáp nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không phải là ung thư. Vì vậy mà bướu cổ đơn thuần còn được gọi là bướu giáp bình giáp hay bướu giáp lành tính. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, trong độ tuổi 20 – 40, ngoài ra bệnh còn gặp ở trẻ em và phụ nữ giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh.
Bướu cổ đơn thuần được chia làm 2 nhóm chính:
- Bướu cổ đơn thuần dạng lan tỏa: Là trường hợp tuyến giáp to lan tỏa, bệnh hay khu trú ở một khu vực địa lý nhất định như vùng núi cao.
- Bướu giáp đơn thuần thể nhân: Là bướu do tiếp xúc phóng xạ hoặc rối loạn miễn dịch bẩm sinh. Bướu cổ thể một nốt thường lành tính, chỉ có khoảng 5% là ung thư biểu mô. Thể nhiều nốt thường gặp ở người lớn tuổi, triệu chứng không rõ, đa số không cần điều trị.
2. Bướu cổ đơn thuần có nguy hiểm không?
Bướu cổ đơn thuần còn được gọi bướu giáp đơn thuần lành tình bởi nó không phải là ung thư, cũng không phải là sự viêm nhiễm của tuyến giáp. Về mặt lâm sàng, việc phát hiện các nhân giáp có ý nghĩa quan trọng vì cần phải loại trừ ung thư tuyến giáp. Sau khi bác sĩ ung bướu loại trừ nguy cơ ung thư thì bướu cổ đơn thuần hoàn toàn lành tính.
Nếu bướu cổ không được điều trị thì sau một thời gian nó sẽ bị xơ hóa, không đáp ứng với thuốc và cần can thiệp phẫu thuật. Trong trường hợp bướu giáp nhân, người bệnh sẽ phải mổ sớm dù điều trị nội khoa chưa hoàn tất. Bướu cổ đơn thuần không mấy nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và gây khó khăn cho người bệnh khi có triệu chứng chèn ép gây khó thở, nói khó, nuốt nghẹn.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt tư vấn y tế từ xa với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 19003367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
3. Nguyên nhân gây bướu cổ đơn thuần
Iod là một trong những nguyên liệu quan trọng để tổng hợp T3, T4. Thiếu hụt iod trong khẩu phần ăn làm nồng độ T4 giảm, gây tăng TSH. Do đó kích thích sự phân bào tạo nên bướu giáp. Sự thiếu hụt iod làm tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn bình thường, tạo ra hormone để giúp duy trì mọi hoạt động chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Bình thường, iod đều có trong thực phẩm, nhưng ở một số vùng thiếu lương thực hoặc không dùng iod, tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn bình thường làm tuyến giáp tăng kích thước.
Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy sự thiếu hay thừa iod đều kích thích sự tăng sinh tuyến giáp. Điều này chứng tỏ có những cấu trúc về di truyền và môi trường gây ra bướu giáp.Về di truyền, những bất thường về protein có liên quan đến quá trình tổng hợp hormon giáp như đột biến gen mã hóa thyroglobulin, thyroxin peroxidase, TSH receptor,…
Một số thức ăn góp phần gây ra bướu giáp:
- Đậu nành có men flavonoids ức chế men peroxidase
- Khoai mì, ngô, … chứa thiocyanate. Thiocyanate ức chế bơm iod trong tuyến giáp và tăng thải iod qua thận.
- Một số thức ăn thuộc họ cải (su hào, bắp cải, súp lơ) có ức thioglucoside có tác dụng ức chế gắn iod vào Tyrosin làm ngăn cản tạo tiền chất của T3, T4
- Hút thuốc lá. Hoặc dùng các thuốc như Lithium trong tâm thần, thuốc kháng giáp tổng hợp và thuốc có chứa iod như amiodaron.
4. Nhận biết bệnh bướu cổ đơn thuần
Bệnh bướu cổ đơn thuần ở giai đoạn đầu thường ít ảnh hưởng đến cơ thể. Tuy nhiên, khi bướu giáp to sẽ gây ra nhiều đặc điểm đáng ngại: Khí quản: khó thở, Thực quản: khó nuốt, Dây thần kinh quặt ngược: nói khàn, khó nói, giọng đôi, Tĩnh mạch chủ trên: phù áo khoác, phù mặt, phù cổ, phù 2 tay, Tĩnh mạch nổi lên ở vùng ngực.
Tiến triển của bướu cổ đơn thuần có thể làm xuất huyết hoặc nhồi máu trong nhân, gây nhiễm khuẩn do vi trùng, áp xe tuyến giáp. Viêm tuyến giáp thường hiếm gặp và đôi khi chỉ khu trú. Ở bướu giáp lan tỏa hiếm khi gặp tình trạng ung thư hóa mà thường liên quan đến bướu giáp nhân.
Nếu không điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng suy giáp. Trong bướu cổ đơn thuần, TSH hoàn toàn trong giới hạn bình thường. Siêu âm tuyến giáp giúp xác định kích thước, mật độ lan tỏa hay có nhân, đồng thời giúp đánh giá mạch máu tuyến giáp, theo dõi sự tiến triển của bướu cũng như các dấu hiệu ác tính. CT vùng cổ để đánh giá đầy đủ mức độ chèn ép cơ quan gần.
Nếu bạn lo lắng không biết mình có mắc bướu cổ hay không, hãy đến khám tại cơ sở y tế để xác định hoặc tự kiểm tra bướu cổ đơn giản tại nhà. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc theo dõi sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện bướu cổ sớm và tốt hơn so với khi đã xuất hiện triệu chứng.
Trên thực tế, việc chẩn đoán bướu cổ đơn thuần có thể căn cứ vào yếu tố dịch tễ và triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, bệnh cũng cần phân biệt với các bệnh lý khác như suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp. Bướu giáp đơn thuần kết hợp với rối loạn thần kinh thực vật có triệu chứng giống với bệnh cường giáp như Basedow, đó là: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đổ mồ hôi, sụt cân, dễ mệt. Ung thư tuyến giáp kèm các hạch cứng, di căn xa. Các bác sĩ Khoa Ung bướu sẽ kết hợp với kĩ thuật cận lâm sàng để loại trừ bệnh khi nghi ngờ.
5. Phân độ bướu giáp
Độ 0: Không có bướu giáp.
Độ I: Không nhìn thấy bướu nhưng sờ thấy bướu.
Độ II: Tuyến giáp to, nhìn thấy khi đầu ở tư thế bình thường và ổ gần.
Độ III: Bướu giáp rất lớn, nhìn thấy dù ở xa. Bướu lớn làm biến dạng cổ.
6. Bướu cổ đơn thuần có cần phẫu thuật không?
Điều trị bướu cổ gồm cả nội, ngoại khoa và nội ngoại khoa kết hợp. Không phải bướu giáp nào cũng phải phẫu thuật, những bướu nhỏ được phát hiện trong giai đoạn sớm có thể chỉ định điều trị nội khoa đơn thuần.
Với bướu giáp lan tỏa, người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa phối hợp với chế độ ăn cho người bị bướu giáp. Với bướu cổ đơn nhân hoặc đa nhân, nếu điều trị nội khoa 6 tháng không đáp ứng thì cần phải phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.
7. Phòng bệnh
Iod là thành phần chính trong sản xuất hormon tuyến giáp, do đó bổ sung đầy đủ iod cho cơ thể là nguyên tắc cơ bản để dự phòng bướu cổ. Chương trình dùng muối iod toàn dân hiện nay giúp cải thiện đáng kể số người mắc bệnh bướu giáp. Để đem lại hiệu quả tốt nhất, mỗi người nên ăn dưới 6g muối mỗi ngày tức là ít hơn 1 thìa cà phê muối. Dùng muối để nêm nếm khi nấu ăn, nhất là sau khi đã tắt bếp. Một số thực phẩm chứa nhiều iot là: tảo, cá biển, muối ăn,…
Tóm lại, bướu cổ đơn thuần là bướu cổ không độc, bệnh bao gồm bướu cổ địa phương và bướu giáp nhân. Bướu giáp đơn thuần do nhiều nguyên nhân khác nhau, triệu chứng lâm sàng thầm lặng từ nhẹ đến nặng phản ánh theo cơ chế sinh lý bệnh. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để loại trừ, chẩn đoán xác định và điều trị bệnh. Việc chủ động phòng bệnh cũng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bướu cổ, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và bản thân.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của bạn về bướu cổ đơn thuần. Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe nói chung và tuyến giáp nói riêng, IVIE - Bác sĩ ơi với đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật hiện đại luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy đặt lịch khám tại IVIE - Bác sĩ ơi để được khám và hỗ trợ tốt nhất nhé!
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.