Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp. Thoái hóa là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, kinh tế và gánh nặng cho nền y tế. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, thoái hóa khớp dẫn tới tình trạng biến dạng khớp. Cùng ISOFHCARE tìm hiểu về phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp và cách điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp qua bài viết dưới đây.
1. Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp
Hiện nay, bệnh thoái hóa khớp được chẩn đoán dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Hội thấp khớp học Mỹ - ACR năm 1991 và tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Kellgren và Lawrence.
a. Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp Hội thấp khớp học Mỹ - ACR:
Bao gồm các tiêu chuẩn sau:
- Có gai xương hình thành ở rìa khớp (được nhìn thấy ở trên Xquang)
- Dịch tại khớp là dịch thoái hóa
- Tuổi của người bệnh từ 38 tuổi trở lên
- Cứng khớp kéo dài dưới 30 phút
- Có dấu hiệu lục cục hoặc có âm thanh phát ra khi cử động khớp

Tuổi của người bệnh từ 38 tuổi trở lên; một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp.
Chẩn đoán xác định thoái hóa khớp là khi có sự kết hợp của yếu tố (1,2,3,4) hoặc (1,2,5) hoặc (1,4,5)
Các dấu hiệu xác định khác trong tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp như:
- Tràn dịch khớp, phổ biến ở khớp gối. Nguyên nhân thường do phản ứng viêm của màng hoạt dịch
- Khớp bị biến dạng do sự hình thành các gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng dịch.
b. Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Kellgren và Lawrence
Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Kellgren và Lawrence áp dụng chẩn đoán thông qua xét nghiệm hình ảnh.
Chụp X-quang: Áp dụng xét nghiệm hình ảnh X-Quang quy ước:
- Giai đoạn I: Hình thành các gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xươn.
- Giai đoạn II: Các gai xương hình thành một cách rõ ràng.
- Giai đoạn III: Hẹp khe khớp vừa phải.
- Giai đoạn IV: Khe khớp hẹp nhiều và kèm theo tình trạng xơ xương bên dưới sụn.
Siêu âm khớp: Siêu âm giúp đánh giá tình trạng gai xương, tràn dịch khớp gối, hẹp khe khớp, đo độ dày của sụn khớp, màng hoạt dịch và phát hiện các mảnh sụn bị thoái hóa bong vào bên trong ổ khớp.
Nội soi khớp: Phương pháp nội soi khớp áp dụng để quan sát trực tiếp các tổn thương thoái hóa sụn khớp ở các mức độ khác nhau. Có thể kết hợp nội soi khớp với sinh thiết màng hoạt dịch để thực hiện các xét nghiệm tế bào. Điều này sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán phân biệt thoái hóa khớp với các bệnh lý tương tự khác.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cho phép quan sát hình ảnh khớp trong không gian ba chiều một cách đầy đủ nhất. Hình ảnh MRI cũng có thể phát hiện các tổn thương ở sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác như xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm dịch khớp,…

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp; áp dụng chẩn đoán thông qua xét nghiệm hình ảnh.
2. Chẩn đoán phân biệt thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp cần được chẩn đoán phân biệt với một số các bệnh lý khác như:
- Tổn thương tại chỗ tại khớp như chấn thương cột sống, sưng đau đầu gối.
- Tình trạng viêm tại khớp và các biểu hiện sinh học rõ ràng: tốc độ máu lắng tăng, CRP tăng,…
- Yếu tố dạng thấp dương tính.
Để chẩn đoán phân biệt thoái hóa khớp, các bác sĩ xương khớp sẽ chỉ định nội soi và sinh thiết màng hoạt dịch.
3. Điều trị thoái hóa khớp như thế nào?
Hiện tại, chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu cho thoái hóa khớp. Tuy nhiên, để tình trạng bệnh tiến triển chậm và bớt tồi tệ theo thời gian, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng như:
a. Tập thể dục thể thao
Đây là biện pháp điều trị hàng đầu và quan trọng nhất dành cho người thoái hóa khớp. Theo các chuyên gia, các bài tập được khuyến nghị bao gồm kết hợp các hoạt động giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện thể lực.
Nhiều người nghĩ rằng việc tập thể dục có thể khiến các cơn đau tiến triển nặng hơn, tăng nguy cơ cứng khớp. Thực tế, tập thể dục thể thao thường xuyên giúp cơ thể vận động, rèn luyện cơ bắp, tăng cường sức mạnh các khớp và góp phần cải thiện triệu chứng. Rèn luyện thể lực cũng là trợ thủ đắc lực cho việc giảm cân, điều chỉnh tư thế, giảm căng thẳng cho người bệnh…

Tập yoga hỗ trợ cải thiện bệnh thoái hóa khớp.
Quá trình tập luyện của bệnh nhân thoái hóa khớp cần tuân theo những chỉ định và lời khuyên của các bác sĩ. Việc này sẽ giúp hạn chế tập sai, ảnh hưởng xấu đến các khớp.
b. Giảm cân, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
Thừa cân, béo phì sẽ làm cho các bệnh lý xương khớp, kể cả thoái hóa khớp trở nên tồi tệ hơn. Nếu người bệnh đang trong tình trạng thừa cân, béo phì, bạn cần phải cố gắng giảm cân bằng việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn, tham gia các hoạt động thể chất,…
c. Thuốc giảm đau
Thoái hóa khớp gây ra những cơn đau khó chịu và phiền toái, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số thuốc giảm đau có thể được bác sĩ khuyến nghị trong điều trị cải thiện triệu chứng. Các loại thuốc giảm đau sẽ tùy vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau, các tình trạng và vấn đề sức khỏe của người bệnh. Một số thuốc được khuyến nghị sử dụng như:
Paracetamol: Nếu bạn bị đau do thoái hóa khớp, bác sĩ có thể cho dùng paracetamol để tiến hành điều trị. Liều dùng của thuốc không vượt quá liều tối đa ghi trên bao bì và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu sử dụng paracetamol không làm giảm các cơn đau, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID là thuốc giảm đau hoạt động bằng cách giảm viêm, giảm sưng khớp. Ngoài dạng thuốc uống, hiện nay một số loại NSAID có sẵn dưới dạng kem có thể bôi trực tiếp lên các khớp. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê liều NSAID phù hợp nhất.
Tiêm steroid: Steroid là một loại thuốc có chứa các phiên bản nhân tạo của hormone cortisol và đôi khi được sử dụng để điều trị các vấn đề cơ xương, đặc biệt khi có các cơn đau. Một số người bị thoái hóa khớp được khuyến nghị tiêm steroid khi các phương pháp khác không hiệu quả. Thuốc tiêm được tiêm trực tiếp vào khu vực bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể gây tê cục bộ trước để làm tê và giảm đau. Thuốc tiêm steroid có tác dụng nhanh chóng và giảm đau trong vài tuần hoặc vài tháng.
d. Dùng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân
Sử dụng PRP trong điều trị các vấn đề về khớp là giải pháp hiện đại, được nghiên cứu cho thấy hiệu quả nhanh chóng, khả năng tự chữa lành tự nhiên. Phương pháp này cũng an toàn cho người sử dụng.
e. Vật lý trị liệu cho thoái hóa khớp
Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm nóng hoặc lạnh lên khớp cũng có tác dụng giảm các cơn đau, triệu chứng của viêm trên cơ xương khớp. Người bệnh có thể sử dụng các túi chườm nóng, lạnh và chườm trực tiếp lên vùng bị đau.
Xoa bóp bằng tay: Sử dụng bàn tay thực hiện các động tác lên vùng khớp bị thoái hóa.
Chiếu đèn hồng ngoại: Hiệu ứng nhiệt của đèn hồng ngoại có tác dụng giãn mạch, tăng lưu thông máu, tăng chuyển hóa mô và giảm phù nề. Bên cạnh đó, tác dụng nhiệt hồng ngoại cũng xoa dịu các đầu thụ cảm thần kinh, có tác dụng giảm đau.
Điện xung trị liệu: Dùng dòng điện xung có tần số thấp, trung bình kích thích qua da để điều trị bệnh.
Sóng ngắn trị liệu: Bước sóng từ 11 – 22m tác động vào vùng cần điều trị có tác dụng giãn mạch, giảm viêm và giảm đau.
f. Phẫu thuật
Phương pháp điều trị ngoại khoa chỉ được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại, không mang lại nhiều hiệu quả, khớp biến dạng nặng hay không cử động được. Một số phương pháp phẫu thuật cho bệnh nhân thoái hóa khớp như:
Mổ nội soi khớp: Phẫu thuật giúp chữa trị các bề mặt khớp bị hư hỏng, các vết rách sụn.
Thay khớp: Loại bỏ khớp bị hư hỏng, thay thế bằng khớp nhân tạo. Sau khi phẫu thuật, người bệnh phải tập phục hồi chức năng
Hợp nhất hai xương trên mỗi đầu của khớp: Được áp dụng khi khớp tổn thương nghiêm trọng, thay khớp không hiệu quả.
Tùy vào từng tình trạng thoái hóa ở mỗi bệnh nhân mà phác đồ điều trị cũng khác nhau. Mọi người nên chủ động để phòng ngừa, thăm khám và phát hiện kịp thời bệnh lý thoái hóa khớp để tránh các biến chứng. Hy vọng bài viết IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Để thực hiện đặt khám và tư vấn nhanh chóng, thuận tiện, bạn vui lòng liên hệ tổng đài.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.