“Tôi bị đau âm ỉ vùng bụng kèm cảm giác nóng rát. Cho hỏi tôi bị bệnh gì vậy bác sĩ?”. Đây là một câu hỏi mà ISOFHCARE thường xuyên nhận được từ phía người bệnh trong thời gian qua. Trong cuộc sống xã hội hiện đại, đau dạ dày dần trở thành một trong những bất thường hay gặp nhất của đường tiêu hóa nói riêng và của cả hệ thống cơ thể nói chung. Vậy đau dạ dày là gì? Nguyên nhân nào làm cho tình trạng này trở nên phổ biến như vậy?
1. Đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày (hay còn gọi là đau bao tử) là tình trạng mà dạ dày của người bệnh bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Người bị đau dạ dày thường cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng, cảm giác nóng rát làm người bệnh khó chịu vô cùng.
Dịch vị trong dạ dày có tính acid cao để tiêu hóa thức ăn và thực hiện một số chức năng khác tại dạ dày như bảo vệ dạ dày tránh nhiễm khuẩn.
Khi cơ thể quá đói (dạ dày không được cung cấp thức ăn), dạ dày có những cơn co thắt rất mạnh gây nên triệu chứng đau, gọi là cơn đau đói. Ngoài ra, tuyến niêm mạc dạ dày tiết dịch vị khoảng 2-2.5l mỗi ngày. Dịch vị tiết ra không có thức ăn để tiêu hóa sẽ ăn mòn niêm mạc dạ dày tạo các ổ viêm loét gây đau.
Qua các bài báo nghiên cứu khoa học về bệnh đau dạ dày và các yếu tố liên quan, chúng tôi tìm thấy ở những người bị đau dạ dày thường có những thói quen và lối sống như:
- Làm việc quá sức.
- Làm việc trong môi trường căng thẳng kéo dài: Thường xuyên thức khuya để hoàn thành gấp công việc, áp lực thi cử cũng làm sinh viên dễ bị đau dạ dày…
- Đau dạ dày có thể xuất hiện sau một chấn thương tâm lý.
- Tâm trạng thay đổi thất thường là một dấu hiệu vừa dẫn đến đau dạ dày vừa làm cho tình trạng đau dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
- Lạm dụng nhiều thuốc kháng sinh.

Lạm dụng nhiều thuốc kháng sinh và giảm đau dễ bị đau dạ dày
2. Nguyên nhân chính gây nên chứng bệnh đau dạ dày?
Vì đau dạ dày là một tình trạng bệnh lý phổ biến và gặp ở mọi lứa tuổi nên bệnh được nhiều nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng quan tâm tìm hiểu. Đau dạ dày là triệu chứng của đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra.
Bệnh có thể đơn giản xuất hiện trong thời gian ngắn do thói quen sinh hoạt không điều độ và biến mất khi điều chỉnh thói quen về như bình thường. Nhưng có nhiều trường hợp, đau dạ dày có thể là một triệu chứng của bệnh lý ở dạ dày cần phải tiến hành chẩn đoán và điều trị để xóa sổ bệnh.
a. Đau dạ dày do thói quen ăn uống và sinh hoạt
Các thói quen ăn uống không khoa học là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau dạ dày. Vì chúng ta ăn uống mỗi ngày, cứ ngày này qua ngày khác trong vòng nhiều năm, lượng thức ăn đưa vào hàng ngày sẽ nói cho bạn biết dạ dày của bạn như thế nào.
Cùng điểm qua 10 thói quen ăn uống và sinh hoạt không tốt cho dạ dày mà bạn đọc nên tránh:
- Ăn uống không đúng giờ.
- Ăn vội, ăn quá nhanh.
- Ăn uống không hợp vệ sinh.
- Ăn khi quá no hoặc quá đói.
- Ăn quá nhiều và buổi tối có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày.
- Thường xuyên ăn những món cay nóng.
- Ăn đồ nướng nhiều không hề tốt cho dạ dày.
- Thói quen uống các loại thức uống có cồn như rượu, bia,..
- Ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Thói quen thường xuyên thức khuya học tập và làm việc.
- Lạm dụng nhiều thuốc kháng sinh: Kê đơn và không kê đơn.
b. Tâm lý gây nên bệnh đau dạ dày.
Bên cạnh những thói quen ăn uống không tốt cho dạ dày thì yếu tố tâm lý trong cuộc sống hiện nay được xếp vào nhóm nguyên nhân thứ hai gây nên tình trạng đau dạ dày. Thường thì người trẻ đang trong độ tuổi đi học hoặc người lớn dưới 35 tuổi sẽ mắc phải nguyên nhân này nhiều hơn so với nhóm tuổi khác.
Lí do là họ thường xuyên làm việc trong môi trường phải chịu nhiều áp lực. Và một khi bị căng thẳng, thần kinh của chúng ta sẽ kích thích dịch vị tiết ra nhiều acid HCl, acid tăng cao gây tổn hại niêm mạc dạ dày và có thể gây nên bệnh viêm loét dạ dày.
Bên cạnh vấn đề học tập và thi cử của học sinh sinh viên, nhiều người lớn cũng mắc kẹt trong guồng quay cuộc sống về tiền bạc, địa vị xã hội, mối quan hệ…

Những nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày thường gặp
c. Đau dạ dày do tác nhân gây viêm loét dạ dày
Tác nhân thường gặp gây nên hai căn bệnh phổ biến của đường tiêu hóa hiện nay bao gồm bệnh viêm loét dạ dày và xuất huyết dạ dày là vi khuẩn Helicobacter Pylori (còn được gọi là HP). Khoảng 10-20% trong số những người bị vi khuẩn HP xâm chiếm và cuối cùng phát triển thành viêm loét dạ dày.
Khi dạ dày bị viêm loét, những cơn đau dạ dày sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, từ đau âm ỉ chuyển sang đau dữ dội nếu bệnh chuyển biến xấu. Vị trí đau dạ dày phụ thuộc vào ổ viêm, hoại tử, và ổ lở loét bên trong dạ dày.
Một số bệnh dạ dày gây nên ra những cơn đau âm ỉ ở dạ dày:
- Viêm niêm mạc vùng hang vị dạ dày.
- Viêm loét hành tá tràng.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Xuất huyết dạ dày.

Loét dạ dày tạo nên những cơn đau âm ỉ vùng bụng
Đau dạ dày dễ dàng phát hiện và được chẩn đoán nếu người bệnh chủ động quan tâm đến sức khỏe của bản thân đến khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Nếu đau bất thường trong thời gian dài mà không có bất kỳ sự can thiệp chuyên môn nào từ bác sĩ, người bệnh sẽ có xu hướng thích nghi và sống chung với cơn đau dẫn đến tình trạng bệnh mãn tính rất khó điều trị về sau.
Đau dạ dày mang lại cho người bệnh nhiều cảm giác khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt cũng như ăn uống hằng ngày. Điều mà chúng ta có thể làm theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể để kịp thời thăm khám và lên kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt. Vì bất cứ bệnh nào cũng vậy, điều trị ở giai đoạn sớm bao giờ cũng đem lại hiệu quả và khả năng phục hồi trở về trạng thái bình thường rất cao.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với IVIE - Bác sĩ ơi để được hỗ trợ tốt nhất.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.