Hiện tượng mắt đỏ, chảy ghèn hoặc kèm cảm giác cộm, nóng, ngứa, chảy nước mắt là các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ. Đó là tên gọi thường dùng của bệnh viêm kết mạc. Tuy bệnh lý không quá xa lạ và ít nghiêm trọng, nhưng chắc hẳn bạn sẽ tự đặt ra nhiều câu hỏi như đau mắt đỏ lây qua đường nào? Bao lâu thì khỏi? Cách phòng tránh đau mắt đỏ? iSofHcare sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.
1. Đau mắt đỏ có lây không, lây qua đường nào?
Tính lây lan và con đường lây của bệnh phụ thuộc vào tác nhân gây ra đau mắt đỏ, hay chính là viêm kết mạc. Nguyên nhân của viêm kết mạc gồm có vi rút, vi khuẩn, dị ứng và chất kích thích. Viêm kết mạc do vi khuẩn đặc trưng bởi đỏ mắt và chất tiết ở mắt chảy ra có màu vàng hoặc trắng đục. Còn ở viêm kết mạc do vi rút, đôi khi ngoài đỏ mắt, bạn sẽ bị cảm lạnh, xuất hiện hạch trước tai, tiêu chảy hoặc mắt có hột.
Các loại vi khuẩn, vi rút này thường dễ lây lan qua chất tiết và đường hô hấp trên. Do đó đau mắt đỏ lây sang người xung quanh qua đường hô hấp và đường tiếp xúc, chẳng hạn như:
- Ho, sổ mũi, hắt hơi, giao tiếp hằng ngày.
- Dùng chung đồ dụng cụ cá nhân như khăn mặt, kính,…
- Ôm, hôn, bắt tay.
Đặc biệt, nếu bạn không rửa tay sạch sau khi dụi mắt, vi khuẩn và vi rút sẽ lây lan trực tiếp sang các vật dụng mà bạn cầm nắm và sang người xung quanh khi tiếp xúc với đôi tay của bạn.
Đau mắt đỏ còn do nguyên nhân dị ứng. Tác nhân gây dị ứng rất đa dạng, từ gió, nắng, khói, thời tiết cho đến hóa chất đều có thể khiến mắt bạn bị kích ứng, gây ngứa, khó chịu. Ví dụ, bạn có thể bị kích ứng mắt sau khi tiếp xúc với lông động vật hoặc bơi trong hồ bơi khử trùng bằng Clo. Những loại đau mắt đỏ này thường không lây nhiễm.
Nhiều người cho rằng khi nhìn vào mắt của người bị đỏ mắt thì sẽ bị lây bệnh. Khi đọc đến đây, có lẽ bạn đã nhận ra suy nghĩ này là không chính xác. Trên thực tế, vì bạn đã tiếp xúc và giao tiếp với người đó nên mới bị lây đau mắt đỏ.
Đặt khám trước qua tổng đài 19003367 hoặc qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để được tiếp đón ưu tiên, giảm thời gian chờ đợi hay xếp hàng tại các bệnh viện tuyến trung ương và phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa!
2. Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Nếu nguyên nhân gây đỏ mắt xuất phát từ virus, bệnh sẽ tự khỏi từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị thuốc. Còn ở vi khuẩn và tác nhân dị ứng, bạn cần phải điều trị với các thuốc đặc hiệu như kháng sinh, kháng histamin. Đa phần sau khi dùng kháng sinh, đau mắt đỏ sẽ giảm rõ rệt sau 5 đến 10 ngày. Đối với đau mắt đỏ do dị ứng, khi bạn “né xa” tác nhân và tuân thủ điều trị, mắt sẽ đỡ hẳn sau một đến hai liều dùng.
Tuy nhiên, bạn đừng nên chủ quan vì muốn cho mắt khỏi hoàn toàn, bạn cần phải biết cách chăm sóc, làm sạch sâu cho mắt và tuân thủ đủ liệu trình điều trị. Và cũng đừng quên dự phòng đau mắt đỏ cho những lần sau để có đôi mắt khỏe đẹp.
3. Cách phòng tránh mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ do vi rút và vi khuẩn lây lan rất dễ dàng từ người này sang người khác. Lời khuyên dành cho bạn là không nên dùng tay chạm vào mắt, đặc biệt nếu bạn chưa rửa tay, không nên tiếp xúc nhiều với người bị đỏ mắt. Tuy nhiên, thật khó để làm như vậy khi người bị viêm kết mạc là bạn bè và người thân. Bảo vệ đôi mắt của bạn theo các cách dưới đây sẽ giúp ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ cho chính bạn và người xung quanh.
a. Nếu bạn đang ở gần một người có mắt đỏ:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể dùng nước rửa tay có pha cồn.
- Rửa tay sau khi chạm vào người bị đau mắt đỏ hoặc vật dụng mà người đó đã sử dụng. Ví dụ như sau khi nhỏ mắt giúp người bị đỏ mắt, bắt tay, ôm, hôn.
- Luôn rửa tay trước khi chạm vào mắt.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân mà người bị đau mắt đỏ đã sử dụng - bao gồm gối, khăn tắm, đồ trang điểm hoặc kính. Đặc biệt không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt.
b. Nếu bạn đang bị đau mắt đỏ:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Hãy rửa tay thật kỹ sau khi bạn chạm vào mắt hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt, bôi mắt. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể dùng nước rửa tay có pha cồn.
- Tránh chạm hoặc dụi mắt.
- Nếu mắt bạn bị chảy ghèn, hãy rửa vùng quanh mắt của bạn 2 hoặc 3 lần một ngày. Nên dùng khăn sạch, ướt hoặc bông gòn dùng một lần. Đảm bảo rửa tay trước và sau khi rửa mắt.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác - bao gồm gối, khăn tắm, đồ trang điểm hoặc kính.
- Làm sạch kính của bạn thường xuyên.
- Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa để làm sạch, bảo quản và thay thế chúng.
Ngoài ra bạn có thể ngăn ngừa đau mắt đỏ quay trở lại bằng cách tránh xa tác nhân khiến bạn bị đau mắt đỏ, có thể là lông chó mèo, mỹ phẩm, bụi, phấn hoa …
Bằng các cách thức đơn giản trên, đôi mắt của chúng ta sẽ được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt vào thời điểm SARS – CoV 2 đang hoành hành như thế này, các biện pháp trên cũng rất hữu hiệu để phòng tránh dịch bệnh.
Hi vọng qua bài viết trên, mọi người sẽ không còn băn khoăn khi mắc phải viêm kết mạc. Những lời khuyên trên đây chỉ áp dụng cho bệnh đỏ mắt đơn thuần, ít gây phiền toái và trở ngại đối với bạn. Trường hợp cảm thấy lo lắng, mắt sưng, đau đỏ nhiều, thậm chí là giảm thị lực, cần phải đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được điều trị và tư vấn. Bởi vì biến chứng của bệnh đau mắt đỏ khá nặng nề như tăng nhãn áp, viêm giác mạc, ... gây sẹo hay giảm thị lực vĩnh viễn.
Bất cứ vấn đề nào về mắt nói riêng và của cơ thể nói chung, vui lòng liên hệ IVIE - Bác sĩ ơi để được đặt lịch khám sớm nhất.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!