Có 2 yếu tố rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị người bệnh suy tim, đó là xác định được căn nguyên gây bệnh và loại trừ các yếu tố thúc đẩy làm bệnh tiến triển. Việc đánh giá sớm và chính xác 2 yếu tố này sẽ góp phần chính trong hiệu quả điều trị của người bệnh.
1. Các nguyên nhân gây suy tim
a. Bệnh cơ tim
- Bệnh cơ tim do thiếu máu: Bệnh động mạch vành; Bệnh lý vi mạch của hệ động mạch vành; Rối loạn chức năng nội mạc cơ tim.
- Bệnh cơ tim do độc chất: Lạm dụng chất kích thích, gây nghiện: rượu, cocain,…; Ngộ độc kim loại: đồng, chì, sắt,…; Do tác dụng phụ trong quá trình sử dụng các loại thuốc: thuốc độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch,…
- Bệnh cơ tim do phản ứng viêm và qua trung gian miễn dịch: Do nguyên nhân nhiễm trùng: vi khuẩn, nấm, virus,…; Không do nguyên nhân nhiễm trùng: đa số là bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, thấp tim, xơ cứng bì,…) và viêm cơ tim do quá mẫn, tăng bạch cầu ái toan.
- Bệnh cơ tim do thâm nhiễm: Do bệnh lý ác tính: tổn thương nguyên phát từ tim hoặc di căn từ cơ quan khác; Không do bệnh lý ác tính: amyloidosis, sarcoidosis…
- Bệnh cơ tim do rối loạn chuyển hóa: Hormone: cường giáp, suy giáp, cường cận giáp, bệnh tuyến yên, bệnh cơ tim chu sản; Dinh dưỡng: thiếu vitamin B1, sắt,…
- Bất thường gen: Bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim loạn sản thất phải,…
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân thường gặp gây suy tim
b. Bệnh lý gây bất thường cung lượng tim
- Tăng huyết áp
- Bất thường van và / hoặc cấu trúc tim: Nguyên nhân mắc phải: tổn thương van tim hậu thấp: van hai lá, van động mạch chủ, van ba lá, van động mạch phổi; Nguyên nhân bẩm sinh: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch,…
- Bất thường màng ngoài tim: Viêm màng ngoài tim co thắt, tràn dịch màng ngoài tim.
- Tăng cung lượng tim: Thiếu máu, nhiễm trùng, cường giáp, mang thai, thông động tĩnh mạch,…
- Quá tải thể tích: Suy thận, bù dịch quá mức.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây suy tim
Bệnh van tim là nguyên nhân gây suy tim hàng đầu tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam
c. Rối loạn nhịp tim
- Rối loạn nhịp chậm: rối loạn chức năng nút xoang, block nhĩ thất.
- Rối loạn nhịp nhanh: nhanh nhĩ, cuồng nhĩ, rung nhĩ, nhanh thất, rung thất.
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám tim mạch tại các bệnh viện tuyến trung ương, phòng khám uy tín hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin các CSYT và đặt lịch chủ động hơn!
1900 3367
2. Các yếu tố thúc đẩy đợt cấp suy tim
Tuân thủ điều trị trong bệnh tim mạch nói chung và suy tim nói riêng là rất quan trọng. Khoảng 70% trường hợp đợt cấp suy tim có tìm được nguyên nhân và / hoặc yếu tố thuận lợi khởi phát đợt cấp. Một trong số các yếu tố dưới đây gồm:
- Không tuân thủ điều trị: Đây là một trong những yếu tố thường gặp, nhất là ở Việt Nam. Người bệnh hết thuốc không đi khám lại, tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều không theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc không có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần gia tăng nguy cơ nhập viện vì đợt cấp suy tim.
- Rối loạn nhịp tim: Bất kì rối loạn nhịp tim nhanh nào cũng có thể làm suy giảm chức năng co bóp và khả năng đổ đầy tâm trương của tim, trong đó hay gặp nhất là rung nhĩ nhanh. Điều đó làm giảm cung lượng tim, giảm thể tích nhát bóp theo chu kì và làm nặng thêm tình trạng thiếu máu cơ tim. Rối loạn nhịp chậm ít gặp hơn nhưng cũng có thể dẫn đến đợt cấp suy tim, cụ thể là khi chức năng tim giảm nặng và không thể tăng thêm.
- Bệnh động mạch vành: Đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Tắc nghẽn động mạch vành làm suy giảm chức năng thất trái một cách nhanh chóng. Ngoài ra, những biến cố do bệnh động mạch vành như: tràn dịch màng tim, đứt dây chằng, cơ nhú,…càng làm tăng nặng tình trạng bệnh, và được coi là chỉ định cần phẫu thuật cấp cứu.
- Nhiễm trùng: Hay gặp hơn cả là nhiễm trùng đường hô hấp, tuy nhiên bất kì tổn thương viêm nhiễm tại bất kỳ cơ quan nào cũng đều có thể khởi phát tình trạng suy tim và làm nặng thêm suy tim do sự kết hợp cùng lúc của nhiều yếu tố lên tim như: sốt gây nhịp nhanh, phản ứng viêm từ các cytokin,…
Viêm phổi là căn nguyên hay gặp gây đợt cấp suy tim
- Thiếu máu: Một số người bệnh sử dụng thuốc chống đông, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, từ đó có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết gây thiếu máu, làm tăng cung lượng tim dẫn đến suy tim cấp, và ngược lại, suy tim cũng làm nặng lên tình trạng thiếu máu của người bệnh.
- Thuốc: Một số thuốc làm giảm sức co bóp cơ tim như: Thuốc chẹn kênh canxi nhóm non – DHP: verapamil, diltiazem; thuốc mê, thuốc chẹn beta giao cảm,… Ngoài ra một số nhóm thuốc gây giữ muối – nước cũng làm gia tăng gánh nặng tuần hoàn, làm nặng thêm gánh nặng cho tim như thuốc chống viêm không steroid - NSAIDs, estrogens, steroids,….
- Một số yếu tố khác như: cường giáp, lạm dụng rượu, chất kích thích,… cũng có thể khởi phát đợt cấp suy tim
Lạm dụng rượu bia, chất kích thích có thể khởi phát đợt cấp suy tim.
Xác định được nguyên nhân gây suy tim và hạn chế, tránh được các yếu tố thúc đẩy đợt cấp suy tim là hai biện pháp quan trọng nhất trong việc lập kế hoạch quản lý và điều trị cho người bệnh suy tim, qua đó giúp giảm nguy cơ tái nhập viện và cải thiện tiên lượng lâu dài cho người bệnh.
Khi triệu chứng bệnh có dấu hiệu thay đổi ảnh hưởng đến cơ thể hoặc khám bệnh định kỳ, thì bạn nên thực hiện thăm khám tại phòng khám, bệnh viện chuyên khoa tim mạch có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và dịch vụ y tế tốt, uy tín.
IVIE - Bác sĩ ơi - Nền tảng đặt lịch khám bệnh online hàng đầu tại Việt Nam, giúp kết nối người bệnh với hệ thống bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tư hàng đầu, phòng khám uy tín trên cả nước. Để đặt lịch khám ưu tiên tại cơ sở gần nhất, đặt hẹn với bác sĩ theo yêu cầu hoặc đặt lịch xét nghiệm tại nhà, bạn có thể liên hệ tới IVIE - Bác sĩ ơi để được hỗ trợ.
1900 3367