Gai cột sống là một dạng của bệnh lý thoái hóa cột sống, tiến triển âm thầm. Nếu không điều trị triệt để, các gai khác tiếp tục mọc ra, gây ra những cơn đau cổ và vai gáy, hạn chế chức năng hoạt động cổ và lâu dần có thể dẫn đến biến chứng bại liệt. Hãy cùng ISOFHCARE tìm hiểu về bệnh lý gai cột sống qua bài viết dưới đây.
1. Thế nào là bệnh gai cột sống?
Gai cột sống là hiện tượng các gai xương cột sống mọc ra cả hai bên và phía ngoài. Khi bị gai cột sống, người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội, nhất là khi các gai xương chèn ép lên hệ thống dây thần kinh. Thông thường, gai cột sống không mọc cố định ở một vị trí. Chúng có thể hình thành ở nhiều khu vực khác nhau, tuy nhiên có hai dạng chủ yếu là gai cột sống cổ và gai cột sống thắt lưng.
Gai cột sống cổ: Gai cột sống cổ ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, khó phát hiện. Người bệnh chỉ có thể phát hiện khi chụp X-Quang: hình ảnh gai cột sống xuất hiện các mẫu xương, chiều cao đĩa đệm bị thay đổi, xuất hiện gai trắng ở vùng đốt sống và bị xơ cứng.
Gai cột sống thắt lưng: Thắt lưng là vị trí chịu nhiều áp lực nhất do trọng lượng cơ thể dồn vào, do đó thắt lưng dễ bị thoái hóa. Biểu hiện khi gai cột sống thắt lưng là xuất hiện các cơn đau khi di chuyển, xoay hông. Trong trường hợp gai phát triển nhiều, người bệnh có cảm giác tê ngứa ở vùng bàn chân, mông.
2. Nguyên nhân gây gai cột sống
Gai cột sống là căn bệnh xương khớp rất phổ biến và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Tuổi tác: Tuổi càng cao thì các cơ quan trong cơ thể càng bị thoái hóa dần, nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cũng tăng lên.

Tuổi càng cao thì các cơ quan trong cơ thể càng bị thoái hóa dần
Thói quen sinh hoạt: Một số thói quen sinh hoạt không tốt, gây tổn thương lên vùng cột sống như ngồi không đúng tư thế, đứng ngồi quá lâu, hay thói quen thường xuyên mang vác đồ vật nặng.
Gai cột sống do viêm khớp: Viêm xương khớp kích thước tế bào tạo thêm nhiều xương sẽ khiến cho bề mặt xương bị nhô ra ngày càng nhiều. Lượng xương bị dư thừa sẽ tạo điều kiện hình thành các gai xương.
Lắng đọng canxi: Khi lớp đĩa đệm cột sống bị xẹp xuống làm cho các dây chằng bị chùng giãn, từ đó gây nên hiện tượng chuyển động khớp. Lúc này cơ thể sẽ điều chỉnh bằng cách làm tăng độ dày của dây chằng để có thể giữ vững cột sống, từ đó tạo điều kiện hình thành các gai.
Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gai cột sống. Gai được hình thành, phát triển do sự biến đổi của các tổ chức xung quanh đĩa đệm và hình thái cột sống.
Gai cột sống do chấn thương: Những chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông làm cho xương khớp bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Nếu điều trị không kịp thời và triệt để sẽ ảnh hưởng sức khỏe xương và lâu dần hình thành nên các gai.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt tư vấn y tế từ xa với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 19003367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
1900 3367
3. Những dấu hiệu cho thấy gai cột sống
Gai cột sống phần lớn không gây ra các triệu chứng rõ ràng, do đó khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn các gai cọ xát với các xương khác hoặc phần mềm xung quanh như dây chằng, rễ thần kinh sẽ gây ra các cơn đau vai gáy, đau thắt lưng hoặc tê bì ở người bệnh.
Một số biểu hiện có thể gặp khi bị gai cột sống như:
- Đau ở vùng cổ, thắt lưng, đặc biệt khi đứng hoặc di chuyển. Vị trí đau biểu hiện phần cột sống có vấn đề liên quan. Đau tăng lên khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi.
- Người bệnh mất cảm giác hoặc bất thường ở phần cột sống liên quan.
- Trong trường hợp bệnh giai đoạn nặng, người bệnh có thể đau tê ở cổ lan qua hai tay hoặc đau lưng dọc xuống hai chân.
- Cơ bắp tay chân yếu đi.
- Cơ thể mất cân bằng.
- Trong trường hợp nguy kịch, gai cột sống gây mất kiểm soát tiểu tiện và đại tiện.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Các phản xạ tự động rối loạn, tăng tiết mồ hôi, suy giảm hô hấp, biến chứng tăng huyết áp…
4. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống
- Gai cột sống thường gặp ở nam và tăng dần theo độ tuổi do sự lão hóa cột sống và lắng đọng canxi.
- Những người lao động nặng, có thói quen đi đứng, vận động, ngồi, nằm sai tư thế.
- Những người có tiền sử tai nạn, chấn thương, tổn thương sụn khớp.
- Người mắc bệnh viêm cột sống mãn tính
- Những người thừa cân, béo phì, vận động mạnh, hút thuốc lá, rượu bia,… cũng có nguy cơ gai đốt sống cao hơn.

Những người hút thuốc lá, rượu bia có nguy cơ mắc bệnh cao.
5. Biến chứng bệnh lý gai cột sống
Gai cột sống không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng những biến chứng xảy ra có thể khiến sức khỏe người bệnh sụt giảm nghiêm trọng. Một số biến chứng phổ biến của bệnh:
Tổn thương dây thần kinh tọa: Gai cột sống vùng thắt lưng có thể gây ra chèn ép dây thần kinh tọa. Tình trạng chèn ép dây thần kinh sẽ gây ra các cơn đau nhức ở vùng hông, đùi, cẳng chân… ảnh hưởng vận động, di chuyển của người bệnh. Trong trường hợp nặng, biến chứng đau thần kinh tọa có thể dẫn đến teo cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn tiểu tiện,…
Thoát vị đĩa đệm: Khi gai xương phát triển quá mức, đĩa đệm có thể bị ảnh hưởng gây rách bao xơ hoặc thoát vị. Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận động.
Đau dây thần kinh liên sườn: Gai cột sống thắt lưng gây ra những cơn đau dây thần kinh liên sườn đột ngột hoặc âm ỉ.
Tứ chi mất cảm giác hoặc yếu đi: Người bệnh có thể bị bại liệt hoặc tổn thương các cơ không thể hồi phục do gai xương chèn ép quá mức vào tủy sống hoặc rễ dây thần kinh. Đây là biến chứng nặng nhất của gai cột sống.
6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh gai cột sống?
Gai đốt sống ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, vận động của người bệnh. Do đó, việc phòng ngừa gai cột sống ngay từ bây giờ là điều vô cùng cần thiết. Một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể áp dụng là:
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ canxi, vitamin D, ăn nhiều rau quả xanh… Tránh các thức ăn gây tăng cân, béo phì như mỡ động vật.
- Không hút thuốc lá, rượu bia và không sử dụng các chất kích thích.
- Tránh các tổn thương lên cột sống như nằm ngồi sai tư thế.
- Tránh chơi các môn thể thao quá sức
- Không ngồi lâu ở những tư thế không lành mạnh
- Hạn chế làm việc nặng

Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ canxi, vitamin D, ăn nhiều rau quả xanh…
Gai cột sống nói riêng và các bệnh xương khớp nói chung thường là bệnh lý mãn tính, khó điều trị dứt điểm. Người bệnh cần chủ động để hiểu hơn về bệnh lý, có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh sớm ngay từ bây giờ. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý gai cột sống. Mọi thông tin cần tư vấn, đặt lịch khám bác sĩ cơ xương khớp, vui lòng liên hệ với IVIE - Bác sĩ ơi để được hỗ trợ một cách tốt nhất.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.