Viêm tai giữa là một bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em. Khi được điều trị sớm và đúng cách, bệnh hầu như không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và xử trí phù hợp, bệnh có thể thể ảnh hưởng đến thính lực của trẻ sau này, thậm chí gây những biến chứng nguy hiểm tính mạng. iSofHcare sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết để nhận biết và dự phòng viêm tai giữa ở trẻ qua bài viết dưới đây.
1) Viêm tai giữa là gì?
Tai được chia ra làm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa là phần hòm nhĩ phía sau màng nhĩ, có chứa các xương búa, đe, bàn đạp ở bên trong. Nó có chức năng dẫn truyền âm thanh, biến thế và bảo vệ tai trong. Khi sóng âm truyền vào, màng nhĩ sẽ biến sóng âm thành rung động cơ học, truyền qua các xương để vào tai trong giúp chúng ta nghe được âm thanh.
Viêm tai giữa là một tình trạng nhiễm trùng ở tai. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em và hài nhi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị. Viêm tai giữa ở trẻ không lây, tuy nhiên, những yếu tố như nhiễm khuẩn hô hấp trên, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh.
Gọi hotline 19003367 hoặc Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám ưu tiên, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi tại các Bệnh viện tuyến trung ương và các phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
2) Những triệu chứng nhận biết viêm tai giữa ở trẻ
Việc nhận biết sớm được những triệu chứng của viêm tai giữa trẻ em đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể khỏi chỉ với điều trị nội khoa. Còn khi bệnh đã có biến chứng viêm tai giữa, việc điều trị sẽ rất khó khăn và có thể để lại nhiều di chứng sau này cho trẻ. Dựa vào tiến triển của bệnh, có thể chia thành viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính. Sau đây là những triệu chứng để nhận biết viêm tai giữa ở trẻ:
2.1 Viêm tai giữa cấp
Người ta chia viêm tai giữa cấp thành hai thể bệnh là viêm tai giữa cấp xuất tiết và viêm tai giữa cấp mủ. Hai tình trạng này khá khác nhau cả về mức độ nặng cũng như điều trị.
a. Viêm tai giữa cấp xuất tiết
Tình trạng này thường do nguyên nhân viêm mũi họng, viêm VA hoặc do cơ địa dị ứng. Trẻ bị viêm tai giữa cấp xuất tiết có những biểu hiện như sau:
- Cảm giác đau nhói trong tai hay tức ở tai như bị đút nút.
- Bị ù tai tiếng trầm.
- Nghe kém đi nhưng ở mức độ nhẹ.
- Khi nói có tiếng nói tự vang.
- Trường hợp dị ứng, khi khám có thể thấy mức nước ở trong tai giữa.
Viêm tai giữa cấp xuất tiết thường có diễn tiến nhẹ, sau vài ngày có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nó lại hay bị tái phát theo những đợt viêm mũi họng. Cũng có trường hợp có thể thành viêm mạn tính gây sẹo và xơ dính màng nhĩ.
b. Viêm tai giữa cấp mủ
Bệnh chỉ khu trú ở niêm mạc tai giữa và không có tổn thương xương. Giai đoạn đầu của viêm tai giữa cấp mủ, triệu chứng chủ yếu là viêm mũi họng. Trẻ có thể sốt nhẹ, đau rát họng kèm chảy mũi, ngạt mũi và ho. Ngoài ra trẻ còn có thể bị đau tai hoặc ù tai. Đến giai đoạn toàn phát, ta có thể chia thành hai thời kỳ:
Thời kỳ chưa vỡ mủ:
- Trẻ sốt cao 39 – 40oC, thể trạng mệt mỏi. Ở trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt.
- Có thể có rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở hài nhi và trẻ nhỏ.
- Đau dữ dội trong tai, trẻ mô tả đau bần bật theo mạch đập và đau lan ra nửa đầu.
- Trẻ nghe kém và có thể có ù tai.
Thời kỳ vỡ mủ:
- Các triệu chứng giảm nhanh: Hết sốt, hết ỉa chảy, đỡ đau tai, bớt ù tai.
- Trẻ có thể vẫn còn nghe kém nhẹ.
- Khám thấy có mủ chảy ra ống tai ngoài và màng nhĩ bị thủng.
- Nếu lỗ thủng nhỏ, dẫn lưu kém thì các triệu chứng có thể vẫn còn tồn tại.
2.2 Viêm tai giữa mạn tính
Viêm tai giữa mạn tính gồm có hai thể là viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy và viêm tai giữa mạn tính mủ đặc. Hai thể này khác nhau cả về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.
a. Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy
Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy thường do viêm VA hoặc viêm mũi họng. Đây là một thể viêm tai giữa ở trẻ mà tai giữa chỉ bị tổn thương niêm mạc hòm nhĩ chứ không có tổn thương xương. Ta có thể nhận biết nó qua những triệu chứng sau:
- Mủ tai chảy ra từng đợt.
- Mủ chảy ra nhầy, dính và không thối. Nếu có mùi thì thường là do bị ứ đọng.
- Ít ảnh hưởng đến sức nghe.
- Lỗ thủng màng nhĩ thường nhỏ và sắc cạnh, ở ¼ trước dưới.
b. Viêm tai giữa mạn tính mủ đặc
Đây là tình trạng bệnh lý do điều trị viêm tai giữa cấp không đúng hoặc là viêm tai giữa do sởi, sau chấn thương. Trong trường hợp này, trẻ tổn thương cả niêm mạc và xương trong tai giữa. Trẻ sẽ có biểu hiện:
- Chảy mủ tai kéo dài.
- Mủ chảy ra đặc, có màu xanh và mùi thối.
- Nghe kém ngày càng tăng.
- Có thể đau âm ỉ trong đầu hoặc nặng đầu.
- Lỗ thủng màng nhĩ rộng, bờ nham nhở và sát khung xương.
Trên thực tế, không phải quá dễ dàng để nhận biết viêm tai giữa ở trẻ, đặc biệt là với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Chúng không thể diễn tả được các triệu chứng một cách rõ ràng và báo cho ba mẹ biết mỗi khi khó chịu. Các mẹ thường chỉ thấy trẻ quấy khóc nhiều hơn, khó ngủ và biếng ăn. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, nếu trẻ hay dùng tay bứt tai hoặc đập tai chứng tỏ trẻ đang gặp vấn đề và khó chịu tại đó. Bạn cần cảnh giác viêm tai giữa ở trẻ và đưa trẻ đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
3.Làm thế nào dự phòng viêm tai giữa cho trẻ?
Phần lớn trường hợp viêm tai giữa ở trẻ biểu hiện khá nhẹ nhàng và đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên, vẫn có những trẻ tiến triển nặng đến biến chứng như viêm tai xương chũm, viêm màng não,… Cách tốt nhất để điều đó không xảy ra chính là dự phòng viêm tai giữa cho trẻ. Sau đây là một số biện pháp ba mẹ nên thực hiện:
- Tránh để trẻ bị cảm lạnh và mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
- Điều trị dứt điểm những nhiễm khuẩn hô hấp nếu trẻ mắc phải.
- Tiêm phòng vaccine phế cầu và HI cho trẻ vì đây là một trong những nguyên nhân thường gây viêm tai giữa.
- Thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ. Cần chú ý thực hiện nhẹ để tránh làm tổn thương tai.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Đặc biệt là với trẻ sơ sinh, cần cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất sáu tháng đầu.
- Ở những trẻ bú bình, nên chú ý tư thế bú của trẻ, tránh cho trẻ bú nằm vì có thể gây sặc.
- Bất cứ khi nào thấy trẻ có biểu hiện đau nhức, ù tai bất thường hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Tóm lại, viêm tai giữa ở trẻ là một bệnh lý còn khá phổ biến tại Việt Nam và trẻ em là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ để lại rất nhiều ảnh hưởng cho tương lai của trẻ. Vì thế, việc nhận biết được các triệu chứng của bệnh là vô cùng quan trọng để kịp thời điều trị tốt nhất.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp được cho bạn những thông tin cần thiết nhất về viêm tai giữa ở trẻ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên lạc với IVIE - Bác sĩ ơi để được chúng tôi kết nối tới những bác sĩ và bệnh viện khám chữa bệnh tốt nhất.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!