Viêm tai giữa là một bệnh lý nhiễm trùng tai vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Nếu không được điều trị đúng, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức nghe sau này mà còn có thể đưa đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa nhận thức đúng về độ nguy hiểm của căn bệnh này. Hãy cùng iSofHcare tìm hiểu những biến chứng của viêm tai giữa qua bài viết dưới đây.
1) Viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa là một tình trạng nhiễm trùng ở tai có nguyên nhân chủ yếu từ mũi họng. Thực tế, phần lớn trường hợp viêm tai giữa biểu hiện không quá nghiêm trọng và đáp ứng rất tốt với điều trị thuốc. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ khỏi hẳn mà không để lại di chứng gì.
Ngược lại, nếu viêm tai giữa cấp không điều trị sẽ tiến triển thành viêm tai giữa mạn cùng nhiều biến chứng khác. Những tổn thương màng nhĩ có thể khiến thính lực giảm sút, thậm chí mất thính lực mà rất khó hồi phục. Sự viêm nhiễm cũng có thể lan ra những vùng lân cận gây nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng như viêm màng não, áp xe não, viêm tĩnh mạch bên, liệt mặt,…
2) Những biến chứng của viêm tai giữa
Viêm tai giữa nguy hiểm là thế nhưng để biết rõ nó nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu chi tiết những biến chứng do nó gây ra. Sau đây là một số biến chứng thường gặp nhất của viêm tai giữa:
a. Giảm thính lực
Hầu hết người bệnh bị ứ dịch tai giữa đều bị giảm thính lực dẫn truyền. Dịch lấp đầy trong hòm nhĩ ngăn cản màng nhĩ rung động đầy đủ, do đó làm giảm chuyển động của chuỗi xương con. Tình trạng này vẫn sẽ kéo dài khi mà dịch vẫn còn ứ đọng ở trong tai giữa.
Mặc dù đã điều trị bằng kháng sinh thích hợp, dịch trong tai giữa vẫn có thể tồn tại trong vài tuần, thậm chí đến vài tháng. Vì thế, việc giảm thính lực này gây khó chịu không nhỏ cho người bệnh. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, nếu sức nghe vẫn giảm kéo dài sau nhiều tuần, bạn cần đi khám và theo dõi vì có thể đây là giảm thính lực thần kinh.
b. Bất thường màng nhĩ
Việc tăng áp lực trong tai giữa có thể dẫn đến thủng màng nhĩ tự phát. Hầu hết các trường hợp thủng màng nhĩ trong viêm tai giữa cấp đều không phức tạp và có thể tự lành. Nhưng trong các đợt viêm tai giữa tái phát hoặc nặng, lỗ thủng có thể trở thành mạn tính. Vì thế, những người bệnh có lỗ thủng màng nhĩ kéo dài trên 6 tuần cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được xử trí thêm.
Ngoài ra, tình trạng viêm tai giữa thường xuyên cũng có thể dẫn đến xơ cứng hoặc co rút màng nhĩ. Xơ cứng là tình trạng vôi hóa mô liên kết của màng nhĩ. Ở hầu hết trẻ em thì xơ xứng không ảnh hưởng nhiều về mặt chức năng. Nhưng ở một số trường hợp, tình trạng xơ cứng có thể ảnh hưởng đến các xương con làm mất thính giác dẫn truyền.
Gọi hotline 19003367 hoặc Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt khám ưu tiên, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi tại các Bệnh viện tuyến trung ương và các phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
c. Viêm tai giữa mạn tính
Nếu viêm tai giữa cấp không được giải quyết có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa mạn tính được định nghĩa là thủng màng nhĩ với chảy mủ mạn tính từ tai giữa kéo dài hơn 6 tuần. Tình trạng nghe kém dẫn truyền của người bệnh ngày càng tăng, có thể có đau đầu âm ỉ.
Bệnh lý này ít khi tự khỏi mà sẽ kéo dài gây giảm sức nghe. Chính nó cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Nếu tình trạng thủng màng nhĩ và tiết dịch của bạn vẫn còn dù đã dùng kháng sinh, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được cấy vi khuẩn, đảm bảo điều trị kháng sinh tối ưu.
d. Viêm xương chũm
Xương chũm được kết nối với tai giữa bởi một màng xương mỏng. Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa đều có liên quan đến viêm xương chũm ở một mức độ nào đó. Viêm xương chũm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến ở trẻ em hơn là người lớn. Nhưng khi đã xảy ra ở người lớn thì nó thường đặc biệt nghiêm trọng.
Biểu hiện của viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm trên lâm sàng rất rầm rộ. Người bệnh sốt cao kéo dài, nghe kém tăng lên rõ rệt. Thường đau tai rất dữ dội, đau thành từng đợt và lan rộng ra cả vùng xương chũm hoặc thái dương gây nhức đầu. Người bệnh cũng có thể ù tai hay chóng mặt, chảy mủ tai thường xuyên và nề, đỏ vùng chũm.
e. Các biến chứng nội sọ
Biến chứng nội sọ do tai là một tình trạng còn phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn. Tỷ lệ tử vong của biến chứng này vẫn còn cao, vì thế khi phát hiện, người bệnh cần được chuyển đến chuyên khoa để điều trị kịp thời. Sau đây là một số biến chứng thường gặp nhất:
Viêm màng não
Viêm màng não do tai là biến chứng nội sọ thường gặp nhất của viêm tai giữa, chiếm khoảng 40% các biến chứng trong nhóm này. Viêm màng não do tai có nhiều thể lâm sàng rất đa dạng làm cho chẩn đoán gặp khó khăn và diễn tiến phức tạp. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp đều có biểu hiện của viêm màng não như sốt, cứng cổ, nhức đầu, nôn mửa và sợ ánh sáng.
Ngoài ra, người bệnh còn có thêm triệu chứng của tai như nghe kém, đau tai dữ dội, ù tai và chóng mặt. Khi khám sẽ thấy tai chảy mủ kèm theo màng nhĩ thủng với bờ nham nhở. Trên thực tế, người bệnh thường đến với bác sĩ vì hội chứng viêm màng não, nên cần phải khai thác tiền sử cẩn thận để chẩn đoán chính xác đây là viêm màng não do tai.
Viêm tĩnh mạch bên
Đây cũng là một biến chứng hay gặp trong các biến chứng nội sọ do tai, chiếm tỷ lệ khoảng 35%. Viêm tĩnh mạch bên thường phối hợp với viêm màng não và dễ đưa đến áp xe não. Về mặt lâm sàng, bệnh nhân sẽ có triệu chứng của viêm tai giữa hoặc viêm tai xương chũm kết hợp với triệu chứng của nhiễm trùng huyết.
Người bệnh gặp phải biến chứng này thường nhập viện với tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Triệu chứng toàn thân rất rầm rộ như sốt cao, rét run, suy kiệt cơ thể. Đây là một tình trạng cấp cứu. Ở Việt Nam, cần chẩn đoán phân biệt tình trạng này với sốt rét.
Áp xe não
Áp xe não do tai chiếm gần 25% các biến chứng nội sọ do tai, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các áp xe não nói chung. Đây là một biến chứng nặng, dễ đưa tới tử vong và có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em. Quá trình hình thành áp xe gồm 3 giai đoạn: Viêm não, hình thành áp xe và nang hóa hình thành vỏ bọc.
Người bệnh sẽ có triệu chứng của viêm tai giữa kèm với các tình trạng nhiễm trùng, tăng áp lực nội sọ và dấu thần kinh khu trú. Tùy vào vị trí não tổn thương ở đâu mà nó sẽ có dấu thần kinh khu trú đặc trưng riêng. Các triệu chứng của áp xe não do tai thường không điển hình hoặc thoáng qua, vì vậy cần phải thăm khám rất kỹ và nhiều lần mới phát hiện được.
f. Liệt mặt
Liệt mặt là một biến chứng hiếm gặp của viêm tai giữa, được hình thành thông qua hai cơ chế sau:
- Sự nhiễm trùng từ tai giữa lan trực tiếp đến dây thần kinh mặt. Khi dây thần kinh bị viêm và sưng lên trong một không gian hạn chế, nó bị chèn ép dẫn đến liệt mặt.
- Trong bối cảnh nhiễm trùng, sự bào mòn của xương ngay bên trên dây thần kinh mặt có thể trực tiếp chèn ép vào nó gây liệt.
3) Dự phòng biến chứng viêm tai giữa như thế nào?
Khi biến chứng của viêm tai giữa xảy ra, tỷ lệ điều trị thất bại vẫn còn cao và có thể mất thính lực ngay cả khi đã điều trị đầy đủ. Vì thế trị liệu nền tảng cho biến chứng của viêm tai giữa chính là điều trị dự phòng:
- Trang bị kiến thức về bệnh là một trong những bước đầu tiên trong công tác dự phòng. Mọi người cần hiểu rõ triệu chứng cũng như nhận thức chính xác được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
- Những biến chứng thường bắt đầu bởi viêm tai giữa cấp. Vì thế, việc ngăn ngừa và điều trị tốt viêm tai giữa sẽ làm giảm tỷ lệ xuất hiện các biến chứng.
- Tích cực điều trị các nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp như viêm mũi họng, viêm VA,…
- Không nên nhét gì vào tai làm tắc dẫn lưu khi bị bệnh.
- Khi chảy tai kéo dài và có mùi hôi cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt.
- Việc can thiệp giải quyết các yếu tố nguy cơ như hít khói thuốc thụ động, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Tóm lại, không nên coi thường và chủ quan đối với viêm tai giữa. Nó có thể dẫn đến những biến chứng khôn lường bất cứ khi nào nếu không được điều trị tốt. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những biến chứng của viêm tai giữa. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên lạc với IVIE - Bác sĩ ơi để được chúng tôi hỗ trợ sớm nhất.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!