Đau tai là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 3-5 tuổi, khoảng ¾ trẻ em sẽ mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần. Trẻ bị đau tai có thể do những nguyên nhân nào, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu các thông tin này qua bài viết dưới đây.
1 Tại sao trẻ em thường bị đau tai?
1.1 Do cấu tạo giải phẫu của tai
Cấu tạo của tai gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong.
-
Tai ngoài gồm vành tai và ống tai, có chức năng dẫn truyền âm thanh.
-
Tai giữa gồm màng nhĩ, chuỗi xương con, các tế bào chũm, vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustache). Vòi nhĩ là ống thông giữa hòm nhĩ và thành sau của họng. Ở trẻ nhỏ, vòi nhĩ ngắn hơn và ít chếch hơn so với người lớn nên dễ bị bít tắc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho bệnh lý vùng mũi họng thường lan lên tai qua vòi nhĩ và khiến cho trẻ bị đau tai.
-
Tai trong gồm mê đạo xương tiền đình và các ống bán khuyên, có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể, tiếp nhận âm thanh và truyền tín hiệu âm thanh về não bộ.
1.2 Biến chứng của các bệnh lý mũi họng
Các bệnh tai mũi họng thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi trẻ bị viêm họng, viêm mũi, viêm amidan dễ dẫn đến viêm tai thông qua con đường là vòi nhĩ như đã nêu trên.
1.3. Do hệ miễn dịch
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém hoàn thiện hơn so với người lớn, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn. Đặc biệt ở những trẻ sinh thiếu tháng hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ thì càng dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng, trong đó có các bệnh về tai gây đau tai.
Tổng đài đặt khám 19003367 hoặc đặt khám chủ động qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi!
2 Trẻ bị đau tai do những bệnh gì?
Có rất nhiều bệnh lý ở tai gây đau tai cho trẻ nhỏ. Tùy vào mỗi thể bệnh, giai đoạn và mức độ bệnh mà triệu chứng đau tai rõ rệt hay không rõ rệt. Sau đây là một số bệnh lý khiến trẻ bị đau tai.
2.1. Viêm tai giữa cấp tính
Đây là bệnh lý thường gặp nhất, diễn biến cấp tính trong một vài ngày hoặc một vài tuần. Trẻ đau tai âm ỉ, thường dùng tay để kéo vành tai, sốt nhẹ đến vừa, một vài trường hợp có thể có sốt cao. Ở giai đoạn sớm và giai đoạn ứ mủ sẽ chưa xuất hiện triệu chứng chảy mủ tai. Vì lúc này mủ tồn đọng trong tai trẻ nên trẻ sẽ đau nhiều, quấy khóc nhiều, khó ngủ, chán ăn. Khi thấy có triệu chứng chảy mủ thì trẻ đỡ đau, đỡ khóc và hạ sốt.
Viêm tai giữa cấp tính là bệnh lý lành tính, có thể tự khỏi sau vài ngày đến 1 tuần hoặc sau khi dùng kháng sinh điều trị viêm nhiễm mũi họng.
2.2. Viêm tai giữa mạn tính
Khi tình trạng đau tai và chảy mủ tai kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần sẽ dẫn tới viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa mạn tính chủ yếu đặc trưng bởi tình trạng chảy mủ tai, đau tai âm ỉ, trẻ có thể quấy khóc, trằn trọc, biếng ăn hoặc không phản ứng với âm thanh.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý khi dịch chảy mủ tai có mùi thối, đây là dấu hiệu nguy hiểm, thể hiện bệnh đã bước sang giai đoạn muộn, có thể gây tiêu xương dẫn đến điếc tai vĩnh viễn cho trẻ.
2.3. Viêm tai xương chũm cấp tính
Điều trị viêm tai giữa cấp tính chậm trễ có thể dẫn tới viêm tai xương chũm cấp tính do bệnh tích lan từ tai giữa vào tai trong và các vùng lân cận. Trẻ nhỏ có biểu hiện sốt nhiễm trùng, đau tai dữ dội, quấy khóc liên tục, kèm chảy mủ tai.
3 Trẻ bị đau tai để lâu sẽ dẫn tới hậu quả gì?
Theo các bác sĩ và chuyên gia y tế, trẻ bị đau tai, viêm tai hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu như phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, nếu để lâu có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho trẻ nhỏ như:
3.1. Thủng màng nhĩ
Trong quá trình viêm nhiễm, dịch và mủ tích tụ ở hòm nhĩ và không thể giải phóng ra ngoài. Chính vì vậy, các ổ mủ sẽ tự tách ra, gây thủng màng nhĩ và chảy dịch ở tai.
3.2. Áp xe tai
Ổ viêm tai ngày càng lan rộng mà không tự thoát ra ngoài được sẽ tạo thành các khối áp xe ở trong tai khiến trẻ đau dữ dội. Khi gặp trường hợp này, nếu điều trị bằng thuốc kháng sinh không đỡ sẽ cần đến phẫu thuật chích rạch ổ mủ dẫn lưu mủ ra ngoài và làm sạch vùng tai bị viêm nhiễm.
3.3. Chậm nói, chậm phát triển
Tai là cơ quan thu nhận các tín hiệu âm thanh và truyền về não bộ. Khi trẻ mắc bệnh lý viêm tai sẽ cản trở quá trình này, khiến cho bộ não của trẻ khó xử lý thông tin thính giác, trẻ khó khăn trong việc lặp lại lời nói của cha mẹ, thầy cô để học cách phát âm, dẫn tới chậm nói và chậm phát triển.
3.4. Giảm hoặc mất thính lực
Nếu bạn còn băn khoăn, “trẻ bị đau tai, viêm tai có nguy hiểm không” thì đây chính là một trong các biến chứng nặng nề nhất của bệnh. Viêm tai giữa lan vào các hệ thống xương con có thể gây tiêu xương khiến trẻ bị giảm thính lực hoặc điếc tai vĩnh viễn.
3.5. Viêm màng não, áp xe não
Khi ổ nhiễm trùng lan qua các con đường kế cận lên não có thể gây viêm não, màng não, áp xe não, từ đó gây tăng áp lực nội sọ, thoát vị não. Trẻ có thể co giật, sốt cao, liệt nửa người, liệt dây thần kinh mặt và thậm chí là tử vong. Đây là các biến chứng vô cùng nguy hiểm của viêm tai.
4 Một số biện pháp phòng ngừa bệnh lý ở tai cho trẻ nhỏ
-
Tiêm phòng đầy đủ.
-
Bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ toàn diện, đặc biệt là trái cây, rau xanh và hải sản.
-
Cho trẻ bú sữa mẹ: Sữa mẹ sẽ cung cấp và phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ.
-
Không được hút thuốc lá ở khu vực có trẻ nhỏ.
-
Đặt các vật có nhiều lông như gấu bông, vật nuôi,... ra xa khu vực trẻ nằm ngủ.
-
Điều trị dứt điểm bệnh lý viêm nhiễm mũi họng như: Viêm amidan, viêm họng, viêm mũi,...
Đau tai là biểu hiện của một bệnh lành tính nhưng cũng có thể là ác tính và nguy hiểm. Ngay khi trẻ bị đau tai, người nhà nên đưa trẻ đi khám bệnh để phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất có thể, tránh hậu quả đáng tiếc về sau.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh