Viêm họng - bệnh lý gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và mang lại vô vàn phiền phức trong cuộc sống. Viêm họng mãn tính dai dẳng lâu ngày không khỏi, bạn lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình? Bạn thắc mắc liệu bệnh có chữa khỏi được không? Đây là những câu hỏi mà iSofHcare thường xuyên nhận được. Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi xin gửi gắm những thông tin cần thiết qua bài viết dưới đây.
1) Điều khác biệt giữa viêm họng mãn tính và cấp tính
Tình trạng viêm họng cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài dai dẳng trên một tuần, người ta gọi là viêm họng mãn tính. Bệnh thường do viêm họng cấp không được điều trị kịp thời tiến triển mà thành.
Ở giai đoạn mãn tính bệnh thường khởi phát chậm hơn, các triệu chứng ít rầm rộ và mức độ nhẹ hơn so với cấp tính. Vì thế bệnh khó phát hiện và thường bị lơ là. Đây là bệnh lý khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát.
Tình trạng viêm lan tỏa ở họng này thường kéo theo “đồng bọn” như bệnh viêm mũi, viêm xoang mãn tính hay đôi khi có cả viêm thanh quản, khí phế quản mạn tính. Theo thống kê, viêm họng là một bệnh lý rất phổ biến, chiếm tới 60% dân số và con số này thay đổi tùy thuộc từng vùng miền, điều kiện sống và sinh hoạt.
2) Các đối tượng có nguy cơ cao
Viêm họng mãn tính có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như:
- Người cao tuổi với sức đề kháng suy giảm.
- Hệ miễn dịch còn non yếu, hàng rào phòng vệ chưa được phát triển vững mạnh, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh.
- Người suy giảm miễn dịch, cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai hay các đối tượng suy dinh dưỡng, tất cả có thể trở thành “con mồi” béo bở.
- Làm việc trong phòng máy lạnh quá nhiều, nhiệt độ máy lạnh quá thấp.
- Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, khí thải độc hại,...
- Những đối tượng có thói quen hút thuốc, sử dụng chất kích thích, uống rượu bia,...
- Thường xuyên sử dụng nước lạnh, nước đá hay ăn đồ lạnh.
- Bệnh nhân có tiền sử viêm VA, viêm mũi, viêm tai,...
- Trào ngược dạ dày thực quản lên vùng cổ họng và thực quản. Nếu kéo dài tình trạng này, acid từ dạ dày có thể gây tổn hại đến niêm mạc họng, làm sưng đau kéo dài.
- Dị ứng quanh năm hay dị ứng mãn tính, dị ứng thời tiết hoặc bụi, nấm mốc cũng có thể gây viêm họng.
3) Viêm họng mãn tính có chữa khỏi được không?
So với viêm họng cấp tính, bệnh ở giai đoạn mãn tính khó chữa dứt điểm, đặc biệt kết quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của bệnh nhân và người bệnh cần có sự kiên trì. Nếu bỏ cuộc giữa chừng mọi cố gắng trước đó sẽ trở về con số không tròn trĩnh.
Phác đồ điều trị chỉ chiếm một phần, kế hoạch điều trị chủ yếu chính là thay đổi thói quen sống, điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt. Ngoài ra bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp dân gian để tăng hiệu quả.
Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự đưa ra quyết định mà nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và đưa ra những lời khuyên phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp dùng để chữa viêm họng mãn tính.
a. Sử dụng thuốc Tây
Một số loại thuốc thường được sử dụng hiện nay:
- Thuốc kháng sinh: Được sử dụng trong trường hợp phát hiện sự có mặt của vi khuẩn. Một số loại thuốc như Penicillin, Amoxicillin, Roxithromycin,...
- Thuốc kháng viêm: Aspirin, Diclofenac, Naproxen, Ibuprofen,...có công dụng giảm viêm, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Thuốc bổ phế, long đờm chỉ sử dụng khi bệnh nhân cảm thấy khó chịu, giúp bệnh nhân thoải mái, dễ ngủ.
b. Sử dụng các bài thuốc Đông y
Chỉ cần những nguyên liệu thân thuộc, Đông y có thể giúp bạn trị viêm họng mãn tính ngay tại nhà trong vài bước đơn giản.
- Dùng gừng tươi:
Có rất nhiều cách để tận dụng loại thảo dược này, bạn có thể dùng vài lát gừng tươi ngậm trực tiếp vào miệng, nên ngậm sát vào vùng hầu họng, cách này giúp long đờm, giảm ho và giảm cảm giác đau rát, khó chịu.
Hoặc có thể uống như một loại trà kết hợp cùng mật ong. Nên sử dụng 1-2 lần một ngày để đạt hiệu quả tối đa.
- Trà bạc hà:
Tinh dầu menthol trong bạc hà có tác dụng làm mát niêm mạc họng giúp làm dịu cảm giác đau rát, khó chịu. Có thể dùng để hãm trà như thông thường, hãy uống khi còn ấm để đạt hiệu quả tối đa.
- Tắc, quất ngâm mật ong:
Mẹo này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được nhiều người tin tưởng áp dụng. Có thể điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị của mỗi người, tuy nhiên không nên cho quá nhiều mật ong, cũng không nên để hỗn hợp quá chua tránh phản tác dụng. Ngâm hỗn hợp trong 1 tuần là có thể sử dụng.
- Lê hấp táo tàu:
Lê có tính mát, vị ngọt có tác dụng tiêu đờm, thanh nhiệt, nhuận phế. Bên cạnh đó, táo tàu có khả năng bồi bổ cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch. Sự kết hợp này vừa có tác dụng chữa bệnh vừa là món ăn bổ dưỡng.
Cách làm vô cùng đơn giản: Cắt nhỏ lê, cho thêm 3-4 quả táo tàu, thêm 1 ít đường phèn và vài lát gừng tươi, sau đó đem đi hấp cách thủy 15-20 phút. Nên sử dụng khi còn ấm, cách này phù hợp cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú.
c. Loại bỏ thói quen xấu, hình thành thói quen tốt
Để chữa trị viêm họng mãn tính một cách triệt để, thói quen tích cực đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch điều trị. Muốn vậy bạn cần lưu ý các điều sau:
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng đủ chất, lành mạnh và khoa học.
- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, trong lành.
- Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút, đặc biệt nên tập các bài tập thở để giúp hệ thống hô hấp được khỏe mạnh.
- Bỏ thuốc và tránh xa rượu bia, khói thuốc, các chất độc hại.
- Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.
- Vệ sinh mũi họng, răng miệng mỗi ngày.
- Bảo vệ cơ thể bằng cách đeo khẩu trang, giữ ấm cổ khi đi ra ngoài.
- Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.
Viêm họng mãn tính có thể gây ra nhiều hậu quả đáng ngại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống. Quá trình chữa dứt điểm bệnh cần có sự chủ động hợp tác của bệnh nhân. Vì thế dự phòng và quan tâm sức khỏe của bản thân, gia đình ngay từ bây giờ là điều vô cùng cần thiết. Hy vọng rằng bài viết trên đã mang lại nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh