Viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em là gì? Đa số chúng ta đều nghĩ rằng trẻ em có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng, mẩn đỏ khi tiếp xúc với các tác nhân có hại ở bên ngoài môi trường. Tuy nhiên có nhiều tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ có liên quan tới cơ địa và các yếu tố di truyền. Vậy nên đừng bỏ qua những thông tin hay ho về bệnh lý viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ mà ISOFHCARE chia sẻ qua bài viết dưới đây.
1. Viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em là gì?
Theo các chuyên da da liễu, viêm da tiếp xúc là một phản ứng quá mẫn hay còn gọi là phản ứng quá mức, không mong muốn của cơ thể do hệ thống miễn dịch tạo thành. Chúng có thể diễn tiến cấp tính hoặc mãn tính, tùy thuộc vào thời gian biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Đây là bệnh lý thường gặp, chiếm khoảng 1,5 - 5,4% dân số thế giới và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Nhưng ở trẻ em người ta nhận thấy tỷ lệ mắc cao hơn và có nguy cơ diễn tiến mạn tính nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời.
Bệnh nổi bật với các tổn thương như dát đỏ, mụn nước, phỏng nước, vết trợt, ngứa… tại vị trí da tiếp xúc với các dị nguyên. Ngoài ra bệnh có thể biểu hiện triệu chứng toàn thân như phù, khó thở… ở mức độ dị ứng nặng hoặc do tiếp xúc quá nhiều với các dị nguyên.
2. Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em
Các tác nhân là vật lý hay hóa học đều có thể là căn nguyên gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em. Đây là căn bệnh có nguyên nhân đa dạng và rất khó tìm kiếm. Hiện tại người ta tìm thấy khoảng 3700 dị nguyên gây bệnh lý viêm da tiếp xúc ở người. Bên cạnh đó còn rất nhiều trường hợp không tìm thấy căn nguyên.
Nó có thể là các loại phấn hoa, bụi, lông chó mèo… hay các loại hóa chất, kim loại nặng. Một số trẻ em bị viêm da tiếp xúc khi sử dụng một số loại thức ăn như trứng, hải sản... Đặc biệt có những làn da rất nhạy cảm với ánh sáng chỉ cần tiếp xúc trực tiếp thì nguy cơ viêm da dị ứng rất cao. Tuy nhiên không phải ai cũng có tình trạng dị ứng giống nhau trong cùng một căn nguyên. Vì vậy người ta xét đến yếu tố cơ địa, dị truyền trong một số trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em.
Đặt khám trước qua tổng đài 19003367 hoặc qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để được tiếp đón ưu tiên, giảm thời gian chờ đợi hay xếp hàng tại các bệnh viện tuyến trung ương và phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa!
3. Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em
Viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ có biểu hiện lâm sàng đa dạng và nếu không để ý kĩ có thể nhầm lẫn với các bệnh lý da khác. Bệnh có thể biểu hiện cấp tính hoặc mãn tính với các dạng tổn thương da khác nhau.
a. Giai đoạn cấp tính
Ở giai đoạn này tổn thương cơ bản phù thuộc vào mức độ nặng, vị trí và thời gian tiếp xúc với dị nguyên. Nó có thể là những mảng dát đỏ nhẹ đến xuất huyết, sẩn phù, mụn nước, phỏng nước, vết trợt da… kèm theo ngứa rất tại vị trí da tiếp xúc. Ban đầu kích thước các tổn thương da nhỏ sau đó lan rộng tạo thành những mảng lớn.
Trường hợp cơ địa nhạy cảm, tổn thương có thể lan tỏa toàn thân và xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, phù... Khi xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay, không nên tự điều trị tại nhà. Một số ít trường hợp trẻ nhỏ bị tử vong do viêm da tiếp xúc dị ứng.
Một số thể lâm sàng đặc biệt hay gặp ở trẻ:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt: Trẻ có biểu hiện đỏ da, xuất hiện các sần phù, mụn nước, tiết dịch hoặc các vết trợt da có vỡ phỏng nước. Thường xuất hiện ở vùng lồi trên mặt như má, cằm, mũi.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng ở tay: Ở lứa tuổi hiếu động, thích tò mò với mọi thứ bên ngoài nên trẻ thường xuyên dùng tay để tiếp xúc và cảm nhận mọi thứ. Do đó trẻ thường bị viêm da tiếp xúc dị ứng do hóa chất, kim loại nặng, một số loại thuốc bôi. Các triệu chứng có thể gặp như ngứa, đau, sưng nề vùng tay, các mụn nước, dát sẩn...
Ngoài ra ở da đầu, môi, mí mắt, dái tai cũng có thể gặp tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng.
b. Giai đoạn mãn tính
Được xếp vào giai đoạn mãn tính khi các triệu chứng lâm sàng kéo dài lớn hơn 6 tuần. Ban đầu là các tổn thương cấp tính sau đó dần xuất hiện các dạng lichen hóa, da khô, bong tróc vảy hoặc nếp da sâu. Hình dạng tổn thương đa dạng có thể là hình tròn, phẳng, hình thoi hay những vết trầy xước dài.
Thông thường viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ biểu hiện triệu chứng sau khoảng 24 - 48h tiếp xúc với dị nguyên. Vì phải trải qua một số các phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể trước khi biểu hiện lâm sàng. Nhưng ở các lần dị ứng sau có xu hướng xuất hiện nhanh và nặng hơn. Vì vậy để chẩn đoán được dị nguyên cần phải khai thác kĩ tiền sử tiếp xúc và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như test lẩy da, test áp, mô bệnh học...
4. Có thể điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ khỏi hoàn toàn không?
Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ đạt hiệu quả cao chỉ khi tìm kiếm và loại bỏ được dị nguyên. Nhưng để điều trị khỏi hoàn toàn hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, thể bệnh, mức độ nặng của bệnh... Do đó người ta thấy rằng, bệnh có tỷ lệ tái phát cao, nhất là khi tiếp xúc lại với dị nguyên gây bệnh. Đối với viêm da tiếp xúc dị ứng có thể điều trị bằng thuốc hoặc bằng các biện pháp cơ học tùy theo mức độ nặng của bệnh.
a. Điều trị bằng thuốc
Trẻ nhỏ khi có chỉ định điều trị bằng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị của các bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc da liễu vì nguy cơ biến chứng rất cao. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe làn da mà thuốc có thể còn có tác dụng phụ với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Phác đồ điều trị tùy thuộc theo từng giai đoạn và cơ địa của bệnh nhân. Điều trị tại chỗ ở giai đoạn cấp tính với các loại thuốc bôi có hay không kết hợp với các chế phẩm có chứa corticoid.
Khi triệu chứng lan tỏa toàn thân có thể chỉ định sử dụng corticoid toàn thân với liều lượng thấp nhất có hiệu quả điều trị. Sau đó tùy vào diễn biến lâm sàng mà các Bác sĩ Da liễu sẽ tăng và giảm liều điều trị.
b. Điều trị không dùng thuốc
Đối với viêm da tiếp xúc dị ứng mức độ nhẹ có thể điều trị theo nguyên tắc:
- Loại bỏ, tránh tiếp xúc với dị nguyên
- Chăm sóc các tổn thương da như làm sạch, cấp ẩm...
Bệnh có thể tự lành sau khoảng 1-2 ngày mà không cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu. Biện pháp này nên áp dụng ở những trẻ đã được chuẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng với dị nguyên rõ ràng trước đó.
5. Biện pháp dự phòng viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ nhỏ
Da của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với các yếu tố độc hại ở môi trường bên ngoài. Vì vậy cần bảo vệ trẻ bằng những biện pháp dự phòng hữu hiệu. Một số mẹo dự phòng viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ mà mẹ không nên bỏ qua:
- Cho trẻ tránh xa các chế phẩm độc hại như các chất hóa học, chất tẩy rửa, các loại thuốc bôi...
- Gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi cho mèo
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
- Cho trẻ ăn dặm theo chế độ ăn đơn giản, tránh kết hợp quá nhiều loại trong cùng một giờ ăn. Nên cho trẻ ăn liên tục 2-3 lần sau đó mới thay đổi món ăn để phát hiện sớm một số loại thực phẩm mà trẻ bị dị ứng
- Chăm sóc da trẻ bằng các loại sữa tắm phù hợp với làn da của trẻ hoặc được các chuyên da da liễu khuyến cáo
- Không tự ý điều trị khi trẻ có các bất thường xuất hiện trên da
Viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ là bệnh lý đơn giản tùy nhiên cần phải thận trọng trong việc chẩn đoán và điều trị. Vì vậy các bậc phụ huynh nên cung cấp cho mình các thông tin cơ bản trên đây mà IVIE - Bác sĩ ơi chia sẻ để có thể chăm sóc trẻ tốt hơn.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh