Rối loạn kinh nguyệt là sự bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của phái nữ. Rất nhiều chị em đã từng hoặc có thể gặp phải vấn đề này. Tâm lý chung khi gặp phải tình trạng này chính là sự lo lắng, bất an. Vậy bệnh lý này có ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe hay không và làm thế nào để có một chu kỳ kinh nguyệt ổn định? ISOFHCARE sẽ cùng bạn tìm hiểu những thông tin đó thông qua bài viết sau đây, hãy theo dõi nhé!
1. Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng đánh dấu mốc thay đổi về sinh lý và thể chất của phụ nữ. Kinh nguyện diễn ra vào mỗi tháng và có tính chất chu kỳ được gọi là chu kỳ kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt bao gồm 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Các nang trứng trong giai đoạn này phát triển làm kích thích sản xuất các hoocmon estrogen và progesterone.
- Giai đoạn 2: Khi estrogen đạt mức cao nhất, các nang trứng bắt đầu vỡ và đẩy trứng vào ống dẫn trứng hay còn được gọi là rụng trứng.
- Giai đoạn 3: Hoàng thể được tạo thành sau khi các nang trứng vỡ. Ở giai đoạn này niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho việc mang thai.
- Giai đoạn 4: Ở giai đoạn này, nếu sự thụ tinh không xảy ra thì hoàng thể sẽ bị thoái hoá. Nội mạc tử cung không còn được nuôi dưỡng sẽ bong ra gây chảy máu gọi là máu kinh và chảy ra ngoài cơ thể qua âm đạo. Thời gian chảy máu tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và thông thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
2. Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt chính là sự bất thường của chu kỳ kinh nguyệt về số ngày kinh quá ngắn hoặc quá dài, số lượng kinh quá ít hoặc quá nhiều. Một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày nhưng cũng có thể dài hơn hoặc ngắn hơn ở mỗi người.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Có thể phân biệt các loại rối loạn kinh nguyệt như sau:
- Kinh mau: Đây là cách gọi khi chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 24 ngày.
- Kinh thưa: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 39 ngày.
- Rong kinh: Khi ngày "đèn đỏ" kéo dài hơn 8 ngày.
- Thiểu kinh (ít kinh nguyệt): Số lượng máu kinh quá ít (chỉ khoảng 20ml) hoặc số ngày "đèn đỏ" chỉ từ 1 đến 2 ngày cũng là bất thường của kỳ kinh.
- Kinh nguyệt không đều trong thời kỳ tiền mãn kinh: Độ tuổi mãn kinh là khoảng từ 40 đến 50 tuổi. Nếu mãn kinh trước độ tuổi này sẽ được gọi là mãn kinh sớm. Thời kỳ này các yếu tố nội tiết và hoocmon bị suy giảm, gây rối loạn đến kỳ kinh.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi - Bác sĩ ơi để Hỏi bác sĩ MIỄN PHÍ, bạn sẽ nhận được sự tư vấn nhanh nhất từ các chuyên gia y tế hàng đầu của tất cả các chuyên khoa và hoàn toàn ẩn danh!. Hoặc gọi tổng đài 1900 3367 để được tư vấn hỗ trợ đặt khám
1900 3367
3. Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn kinh nguyệt?
Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt có thể do nhiều nguyên nhân. Nắm rõ những nguyên nhân này có thể giúp chúng ta phần nào phòng ngừa được tình trạng này. Sau đây là các nguyên nhân có thể tác động đến chu kỳ kinh và gây rối loạn:
a. Mất cân bằng nội tiết tố
Nội tiết tố nữ bao gồm estrogen và progesterone có vai trò điều hoà chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên quá trình sản xuất và tiết ra các hoocmon này là vô cùng phức tạp. Chỉ một yếu tố nhỏ liên quan đến cơ chế sản xuất và bài tiết của cơ thể thay đổi cũng có thể khiến các nội tiết tố nữ mất cân bằng.
Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt
b. Sức khỏe tinh thần bất ổn
Căng thẳng hay những chấn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết hoocmon, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt. Khi gặp tình trạng này, ngoài điều trị bằng thuốc bạn cũng cần phải điều chỉnh trạng thái tâm lý hoặc gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
c. Chế độ ăn chưa phù hợp
Chế độ ăn là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cơ thể. Một chế độ ăn không đủ năng lượng hoặc nghèo nàn các vi chất dinh dưỡng, giảm cân không khoa học cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia hay các chất kích thích cũng là yếu tố nguy cơ.
Chế độ ăn chưa phù hợp gây rối loạn kinh nguyệt
d. Sử dụng thuốc
Một vài loại thuốc có thể gây tác dụng ảnh hưởng đến kỳ kinh như thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, vv… Khi sử dụng các loại thuốc này bạn cần chú ý sử dụng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.
4. Tác hại khi rối loạn kinh nguyệt?
Rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy cơ thể bạn đang gặp bất thường ảnh hưởng đến sức khoẻ. Không nên chủ quan khi gặp những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt mà cần cảnh giác và sớm đi khám tại các cơ sở y tế. Sau đây là những tác hại của rối loạn kinh nguyệt:
a. Gây thiếu máu
Khi kỳ kinh kéo dài quá nhiều ngày (rong kinh) hoặc số lượng máu mất trong kỳ kinh quá lớn có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu. Biểu hiện của thiếu máu như là da xanh, niêm mạc nhợt, mệt mỏi, chóng mặt...Nếu không điều trị có thể khiến tình trạng sức khỏe suy giảm rất nhiều.
b. Gây nên các bệnh phụ khoa
Môi trường âm đạo ẩm ướt trong những ngày kinh là điều kiện thuận lợi để các loài vi khuẩn hay vi nấm xâm nhập và gây bệnh. Những ngày "đèn đỏ" có thể gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày và rất khó vệ sinh vùng kín. Các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng, nhiễm nấm candida, rất dễ bị mắc khi có rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt gây nên các bệnh phụ khoa
c. Ảnh hưởng tâm lý
Những ngày "đèn đỏ thất thường" khiến chị em phái nữ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Từ đó mất đi vẻ tự tin, năng động và gây ra tâm lý căng thẳng, mệt mỏi.
d. Bệnh lý nguy hiểm
Cần hết sức cảnh giác khi thấy rối loạn kinh nguyệt vì chúng có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, chửa ngoài tử cung...hoặc thậm chí dẫn đến vô sinh.
5. Cách điều trị rối loạn kinh nguyệt?
Điều trị rối loạn kinh nguyệt khi chứng rối loạn kinh nguyệt của bạn kéo dài hoặc khiến cho cơ thể bạn quá mệt mỏi, bạn cần đến sự thăm khám và tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở bạn, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp như sử dụng thuốc nội khoa. Những trường hợp rối loạn kinh nguyệt nhẹ hơn, bạn sẽ nhận được sự tư vấn của bác sĩ phụ khoa giỏi để có thể thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học.
Điều trị rối loạn kinh nguyệt
Biện pháp phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt và giảm nguy cơ hư:
- Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học: Ngủ đủ giấc, tập thể dục, vận động nhẹ nhàng. Không sử dụng rượu bia, cà phê..hoặc các chất kích thích khác.
- Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng: Ăn đủ năng lượng theo nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng của từng độ tuổi. Trong bữa ăn, cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng bao gồm tinh bột, chất béo, chất đạm và rau xanh. Đặc biệt lượng rau xanh và hoa quả mỗi ngày cần ăn là tối thiểu 400g. Uống đủ lượng nước khoảng 2 lít mỗi ngày giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.
- Giữ tâm lý ổn định: Bạn cần cân bằng giữa thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi để tránh căng thẳng hay mệt mỏi tâm lý.
Biện pháp giúp phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt
- Cẩn trọng trong sử dụng thuốc: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ và không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp hay các loại thuốc khác.
Kinh nguyệt là điều tốt đẹp của phái nữ và cần được quan tâm đặc biệt. Có một chu kỳ kinh nguyệt ổn định thể hiện một thể chất khoẻ mạnh và giúp tâm lý phái nữ thoải mái. Hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt. Mong rằng qua bài viết trên đây, chúng tôi đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn. Hãy liên hệ với IVIE - Bác sĩ ơi nếu bạn còn những thắc mắc cần được giải đáp nhé!
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.