Ngày nay, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự thay đổi thời tiết trở nên ngày càng khắc nghiệt. Đặc biệt vào thời tiết giao mùa, nhất là ở các tỉnh miền Bắc tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp tăng cao, trong đó viêm phế quản chiếm một lượng không hề nhỏ. Vậy viêm phế quản thường xảy ra vào thời gian nào? Chúng ta phải làm gì để “chiến đấu” chống lại nó? Hãy cùng iSofHcare tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này nhé!
1) Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản khiến cho các đường ống dẫn khí này bị thu hẹp, xuất hiện dịch nhầy có khi còn có cả mủ. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ.
Theo các chuyên gia, bệnh được chia làm hai nhóm là cấp tính và mãn tính. Viêm phế quản gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng hô hấp của người bệnh, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: giãn phế quản, viêm phổi, áp xe phổi, ung thư phổi,…
2) Viêm phế quản thường gặp vào mùa nào?
Viêm phế quản cấp thường xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân hoặc mùa lạnh. Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, bởi đây là khoảng thời gian thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển.
Trong mùa nóng bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người có thói quen uống nước đá hoặc ngồi máy điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Ngoài ra những người không có thói quen mang khẩu trang hay giữ ấm cổ khi đi ra đường thường dễ mắc bệnh.
Đặt khám hẹn trước tại Bệnh viện tuyến trung ương hoặc khám bệnh trực tuyến qua video call với các bác sĩ hàng đầu qua tổng đài 1900 3367 hoặc đặt khám qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi
3) Làm thế nào để “tạm biệt” viêm phế quản?
Có nhiều yếu tố gây nên bệnh viêm phế quản: virus, nhiệt độ, stress, khói bụi,… Tuy nhiên, để có một hướng điều trị an toàn ngay khi có dấu hiệu bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
a. Điều trị bằng Tây y
Nhìn chung, để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý các bác sĩ cần kết hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Sau đây là một vài nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm phế quản:
Thuốc kháng sinh: Mặc dù các loại virus chiếm 90% nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản và chúng không đáp ứng với kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm thuốc này có tác dụng bổ trợ và ngăn ngừa khả năng nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị.
Một số loại có thể kể đến: Cefixim, penicilin,…
Thuốc giảm ho, long đờm: Nhằm điều trị cơn ho dai dẳng, giúp giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh: Terpin Hydrat, Acetylcystein,…
Thuốc hạ sốt: Dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 39◦C, đối với trẻ em thì từ 38,5◦C. Nhóm thuốc thường được sử dụng : paracetamol, ibuprofen,…
Thuốc giãn phế quản: Được chỉ định trong trường hợp co thắt phế quản: salbutamol, fenoterol,…
Thuốc tây y đem lại hiệu quả cao nhưng nếu không được sử dụng đúng cách sẽ đem lại hiệu quả khôn lường. Vì vậy chỉ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc.
b. Điều trị không dùng thuốc
Từ xa xưa, dân ta đã biết sử dụng các loại cây cỏ quen thuộc để chữa bệnh. Những bài thuốc đó đến nay vẫn còn được lưu truyền và thường xuyên được áp dụng. Một số thảo dược lành tính, ít tác dụng phụ được kể đến có tác dụng trị viêm phế quản:
Cam thảo: nhờ vào hoạt chất axit glycyrrhizic ức chế hoạt động của vi khuẩn giúp giảm ho, chống viêm và dị ứng.
Dứa: chứa thành phần bromelain- một loại enzyme có hiệu quả trong việc giảm viêm và tống xuất đờm nhầy dễ dàng.
Gừng: đối với phế quản đang bị viêm, gừng quả thực là một lựa chọn tuyệt vời. Với tác dụng chống viêm, khử hàn và tăng cường hệ miễn dịch, loại thảo dược này sẽ giúp bạn tìm lại được sự thoải mái, dễ chịu.
Có thể kết hợp gừng với mật ong và chanh khi pha với nước ấm sẽ tăng hiệu quả lên nhiều lần.
Chanh kết hợp mật ong: với tính năng kháng khuẩn vượt trội, kết hợp hai nguyên liệu này sẽ làm hiệu quả điều trị tăng lên đáng kể. Ngoài ra, vitamin C trong chanh giúp tăng đề kháng cho cơ thể.
Việc sử dụng các loại thảo dược lành tính này không chỉ giúp “đá bay” các triệu chứng khó chịu của viêm phế quản mà còn tạo sự cân bằng giữa các tạng phủ, nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống tái phát và biến chứng. Hơn hết, những nguyên liệu này lại vô cùng dễ kiếm và chế biến lại rất đơn giản.
c. “Ăn được ngủ được là tiên”
Một chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng đáng kể.
Chế độ dinh dưỡng
+ Ăn đủ chất
+ Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt
+ Ăn cá ít nhất 3 bữa trong tuần
+ Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
+ Hạn chế các loại thức ăn chiên rán và đồ đóng sẵn,..
Chế độ sinh hoạt
+ Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
+ Thư giãn cơ thể ít nhất 20 phút mỗi ngày
+ Hạn chế nước đá, nên sử dụng nước ấm
+ Mang khẩu trang và giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài
+ Tránh xa khói thuốc lá
+ Tiêm chủng hàng năm để giúp bảo vệ cơ thể
+ Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày…
Có người đã từng nói, “chiếc giường đắt nhất thế giới là giường bệnh”, vậy nên đừng ai dại dột mà “lăm le” nó. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có phần nào định hướng để loại bỏ “kẻ thù” viêm phế quản kia.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bài viết Y học thường thức và Hướng dẫn khám bệnh với những thông tin tin cậy, chính xác và dễ hiểu nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!