Viêm phế quản là một bệnh lý ở đường hô hấp dưới rất hay gặp . Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ mắc đang ngày một gia tăng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Việc hiểu biết đúng đắn về viêm phế quản sẽ giúp chúng ta dự phòng bệnh tốt hơn, chẩn đoán chính xác và điều trị mang lại hiệu quả cao. Hãy cùng iSofHcare tìm hiểu về viêm phế quản qua bài viết dưới đây.
1) Viêm phế quản là gì?
Niêm mạc phế quản là bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng trong chức năng giữ sạch đường thở. Nó giữ lại các hạt bụi nhỏ li ti và các chất độc hại mà ta hít phải ngoài không khí rồi vận chuyển chúng ra ngoài. Viêm phế quản là tình trạng xảy ra khi niêm mạc phế quản từ thanh quản đến nhu mô phổi bị viêm nhiễm. Chính tình trạng viêm làm suy giảm yếu tố bảo vệ của đường hô hấp. Ho, khạc đờm, khó thở , tiếng thở khò khè ..là những triệu chứng thường gặp ở những người bệnh mắc viêm phế quản.
Viêm phế quản cấp là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày. Hầu như chúng ta đều mắc phải đôi ba lần trong đời . Bệnh có thể tự khỏi sau 1-2 tuần và không để lại di chứng gì.
Tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý, có nhiều trường hợp viêm phế quản cấp bị bội nhiễm khiến bệnh kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng viêm phế quản mãn tính. Lúc này bệnh kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Từ đó, bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp…
Đặt khám hẹn trước tại Bệnh viện tuyến trung ương hoặc khám bệnh trực tuyến qua video call với các bác sĩ hàng đầu qua tổng đài 1900 3367 hoặc đặt khám qua ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi
2) Những nguyên nhân thường gặp của viêm phế quản bạn nên biết sớm
Để dự phòng được bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phiền toái thì những hiểu biết về nguyên nhân gây nên bệnh là điều vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số nguyên nhân bạn nên lưu ý:
- Virus: Virus cúm gia cầm, virus đại thực bào đường hô hấp, dịch SARS và một số chủng herpes virus, corona virus ..là ‘kẻ đầu sỏ’ hàng đầu gây bệnh ở thời điểm hiện tại. Số người mắc bệnh cao nhất rơi vào mùa đông xuân vì những mùa này là thời kì phát triển cực thịnh của virus.
- Vi khuẩn: Là nguyên nhân ít gặp hơn so với virus. Thường thấy nhất là nhóm các vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma và Chlamydia. Ho gà cũng là một loại vi khuẩn hay gặp.
- Khói thuốc lá: Chất nicotin có trong khói thuốc là ‘kẻ thù’ khiến niêm mạc đường hô hấp bị viêm và tổn thương nghiêm trọng. Nếu bạn hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường ‘hút thuốc thụ động’ lâu ngày , nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp nói chung và viêm phế quản nói riêng là rất rất cao.
- Tiếp xúc với hóa chất: công nhân xí nghiệp vải dệt, công nhân thường xuyên tiếp xúc với hóa chất ( như amoniac, clo..).. sẽ có nguy cơ mắc viêm phế quản cao hơn . Vì sợi vải và một số thành phần có trong hóa chất gây kích ứng phổi dẫn đến viêm, sưng.
- Thời tiết: Sự thay đổi đột ngột của thời tiết là một nguyên nhân phổ biến hay gặp ở các tỉnh miền Bắc. Sự thay đổi này dễ gây kích ứng lên niêm mạc đường hô hấp dẫn đến viêm ,sưng .
3) Chẩn đoán viêm phế quản
Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán viêm phế quản chủ yếu dựa vào khai thác các triệu chứng trên lâm sàng . Ở giai đoạn đầu, người mắc viêm phế quản cấp có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Ho
- Sốt
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Tiết đờm
- Khò khè
- Đau họng
- Một số triệu chứng khác : thở nhanh , khó thở,…
Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định viêm phế quản và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý đường hô hấp khác. Các xét nghiệm đó là:
- Chụp X-quang phổi
- Cấy đờm tìm vi khuẩn gây bệnh
4) Điều trị viêm phế quản như thế nào cho hiệu quả?
Hơn 90% các trường hợp viêm phế quản là do virus gây ra , do đó điều trị kháng sinh là không cần thiết. Kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp chỉ điểm có nhiễm trùng như: sốt kéo dài, khạc đờm có mủ..
Điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý là hai giải pháp quan trọng hàng đầu để cắt dứt cơn viêm nhiễm đường hô hấp.
a) Điều trị triệu chứng
- Sốt: chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (từ 38,5 độ C trở lên) .Có hai loại thuốc hạ sốt quan trọng đó là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
- Ho: Ho là một phản xạ có lợi để tống đờm và vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Do đó chỉ nên can thiệp khi ho nhiều và ho dẫn đến nôn ói, mất ngủ... Uống nhiều nước giúp người bệnh cải thiện triệu chứng ho hay khạc đờm. Có thể dùng thêm các thuốc long đờm trong trường hợp có đờm đặc, hoặc khó khạc đờm.Thuốc giảm ho được khuyên là không nên dùng , do các thuốc giảm ho thường làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm chậm sự phục hồi của bệnh nhân.
- Sổ mũi, nghẹt mũi: Không dùng các thuốc kháng histamin và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi vì nguy cơ tác dụng phụ rất cao. Việc vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý được khuyến khích. Phun hơi ẩm trong phòng ở có thể giúp làm giảm khô mũi. Đối với trẻ em, thuốc giãn phế quản được khuyến cáo nên dùng nếu trẻ có biểu hiện khò khè .
- Thuốc làm loãng đờm: Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein... Tuy nhiên nước là thuốc loãng đờm tốt nhất, vì vậy khuyến khích người bệnh uống nhiều nước là biện một pháp điều trị hỗ trợ quan trọng.
- Thuốc kháng virus: Không khuyến cáo sử dụng thường quy, tuy nhiên bác sĩ có thể cân nhắc nếu nghi ngờ tác nhân gây bệnh là virus cúm, thuốc kháng virus cúm . Cho sớm trong 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ tự lui sau một hoặc vài tuần. Một số trường hợp có biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi thì kéo dài lâu hơn và những trường hợp này cần dùng kháng sinh để điều trị.
b) Chế độ sinh hoạt hợp lý
Một chế độ sinh hoạt thích hợp, nghỉ ngơi hợp lý bao giờ cũng đem lại hiệu quả cao trong phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
Một số hành động cụ thể dưới đây tuy nhỏ bé nhưng mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn:
- Tập thể dục , thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Luôn giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là những lúc giao mùa.
- Tránh xa những chất gây kích thích, kích ứng đường hô hấp như: thuốc lá, sơn các loại..
- Mang khẩu trang khi không khí bị ô nhiễm hay làm việc trong môi trường có bụi nhiều như bụi vải dệt..
Viêm phế quản là một bệnh lý liên quan đến đường hô hấp thường gặp nhất và có thể gặp ở mọi lứa tuổi . Việc “nằm lòng” những kiến thức về viêm phế quản sẽ là hành trang bổ ích giúp bạn đánh bại căn bệnh không nên chủ quan này.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bài viết Y học thường thức và Hướng dẫn khám bệnh với những thông tin tin cậy, chính xác và dễ hiểu nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!