Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm giãn nở do ứ máu nhiều. Bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng cho sức khỏe, bao gồm nguy cơ ung thư dạ dày.
1. Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng mạch máu giãn nở xung huyết, vùng niêm mạc dạ dày bị viêm trở nên đỏ hơn các vùng khác. Các ổ viêm ở hang vị có nhiều kích thước và mức độ nghiêm trọng khác nhau, thường xuất hiện dưới dạng màu đỏ hoặc vàng khi được siêu âm. Ngoài ra, những vị trí viêm sưng lâu ngày nếu không được điều trị có thể bị viêm nặng hơn khi tiếp xúc với thức ăn.
Hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ ngang góc bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị (môn vị tiếp nối giữa dạ dày và hành tá tràng).
Viêm xung huyết hang vị có thể gây tác động đến các dây thần kinh, mạch máu và khiến các tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cần sớm thực hiện thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tránh những ảnh hưởng nặng nề của biến chứng đến cuộc sống sinh hoạt, làm việc.
1900 3367 - Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám tại các bệnh viện tuyến trung ương, phòng khám uy tín và đặt lịch xét nghiệm tại nhà nhanh chóng và chất lượng
1900 3367
2. Các mức độ viêm xung huyết hang vị dạ dày
Viêm xung huyết hang vị dạ dày được chia làm 3 mức độ khác nhau, bao gồm: nhẹ, vừa và nặng.
a. Mức độ nhẹ
Viêm xung huyết mức độ nhẹ là tình trạng viêm ở lớp bề mặt niêm mạc. Khi nội soi, niêm mạc chỉ xuất hiện vết hồng ban có kích thước nhỏ. Ở giai đoạn này, triệu chứng của bệnh còn khá mờ nhạt và khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với đau dạ dày và đau bụng thông thường.
Một số triệu chứng thường gặp của viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ như:
- Bệnh nhân đau âm ỉ vùng thượng vị, đau nhẹ và thường thuyên giảm nhanh.
- Có cảm giác buồn nôn sau ăn
- Ợ hơi, ợ chua.
b. Mức độ vừa
Đối với viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa, các vết hồng ban ở niêm mạc đã bắt đầu ăn sâu hơn và lan rộng ra. Ở giai đoạn này, các mạch máu tại ổ viêm có hiện tượng giãn nở và xung huyết.
Các triệu chứng nhận biết viêm xung huyết hang vị mức độ vừa như:
- Đau thượng vị có mức độ nặng, khởi phát với tần suất thường xuyên hơn.
- Buồn nôn, nôn mửa sau ăn
- Ợ hơi, ợ chua
- Đầy bụng, khó tiêu.
c. Mức độ nặng
Nếu viêm hang vị không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nặng. Lúc này, các ổ viêm có xu hướng ăn sâu vào niêm mạc và mạch máu có thể bị xung huyết nặng. Ở một số trường hợp, ổ viêm có thể lan rộng ra phần thân vị, môn vị. Các triệu chứng cũng trở nên rõ ràng và dễ nhận biết hơn.
Một số dấu hiệu nhận biết như:
- Đau thượng vị sau khi ăn, mức độ đau dữ dội và đau quặn từng cơn.
- Có cảm giác nóng rát và cồn cào ở thượng vị.
- Buồn nôn, nôn mửa sau khi ăn.
- Bụng trướng đầy hơi, khó tiêu, ăn uống kém.
- Đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như: cơ thể mệt mỏi, gầy sút, suy nhược.
1900 3367
3. Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Có thể nói, viêm xung huyết hang vị dạ dày là giai đoạn chuyển giao giữa hiện tượng viêm và loét. Do vậy, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành loét và tăng nguy cơ xuất huyết, thủng dạ dày. Một số biến chứng của viêm xung huyết hang vị như:
- Gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý người bệnh
- Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày hay thủng dạ dày.
- Tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt là viêm hang vị có liên quan đến vi khuẩn HP.
4. Chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày
Để chẩn đoán tình trạng hang vị, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của người bệnh và gia đình. Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như:
Nội soi dạ dày: Nội soi đường tiêu hoá trên sử dụng ống nội soi mỏng có chứa một camera nhỏ đưa qua miệng và xuống niêm mạc dạ dày để quan sát hang vị. Nhờ đó, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng viêm nhiễm tại niêm mạc, đề nghị sinh thiết để xác định nguyên nhân tiềm ẩn.
Nội soi kiểm tra tình trạng viêm nhiễm tại niêm mạc.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp kiểm tra số lượng hồng cầu, xác định tình trạng thiếu máu của bệnh nhân. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể tầm soát nhiễm vi khuẩn HP.
X-Quang đường tiêu hoá trên: Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị chụp XQ đường tiêu hoá trên để tìm kiếm các bất thường. Trước khi chụp, bác sĩ sẽ cho người bệnh uống chất lỏng màu trắng, phủ lên đường tiêu hoá để quan sát vét loét rõ ràng hơn.
Xét nghiệm phân: Xét nghiệm được chỉ định nhằm kiểm tra sự hiện diện máu trong phân – dấu hiệu phổ biến của viêm xung huyết hang vị dạ dày.
5. Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày
Việc điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày bao gồm sử dụng thuốc và điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để có thể phục hồi và thuyên giảm các triệu chứng. Ngoài ra, phác đồ điều trị cũng tùy thuộc vào mức độ của bệnh.
a. Viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ - vừa
Ở mức độ nhẹ và vừa, triệu chứng bệnh khá mờ nhạt, chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh. Niêm mạc chỉ bị viêm nhẹ, mức độ xâm lấn thấp và có khả năng phục hồi sau điều trị.
Người bệnh sẽ được:
- Sử dụng thuốc: Trước khi kê đơn, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để loại trừ nguy cơ bị ung thư dạ dày và xác định sự hiện diện của vi khuẩn HP. Nếu dương tính vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị theo lịch sử dùng thuốc của bệnh nhân và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn. Nếu âm tính với vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng acid, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và ức chế acid dạ dày.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Người bệnh cần bỏ rượu bia, thuốc lá, hạn chế thực phẩm nhiều acid, gia vị cay nóng, các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất bảo quản…
- Điều chỉnh lối sống khoa học: Người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, không tự ý dừng thuốc hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.
Việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh có tác dụng tốt đến sự phục hồi của niêm mạc tiêu hoá.
b. Viêm xung huyết hang vị mức độ nặng
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt khoa học nhằm phục hồi ở viêm, ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Điều trị viêm xung huyết hang vị ở mức độ nặng, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc có hoạt tính mạnh để ngăn ngừa ổ viêm tiến triển, thúc đẩy tốc độ phục hồi niêm mạc và kiểm soát triệu chứng. Đồng thời, thời gian điều trị mức độ này cũng kéo dài hơn so với mức độ nhẹ và vừa.
Đối với viêm xung huyết hang vị mức độ nặng, người bệnh buộc phải dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là một số thông tin về bệnh lý viêm xung huyết hang vị dạ dày. Hy vọng bài viết IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường sức khỏe, hãy liên hệ các bác sĩ và cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.