Ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1% trong số các loại ung thư nhưng đứng hàng đầu trong số các bệnh lý ung thư hệ nội tiết. May mắn thay, ung thư tuyến giáp có tiến triển chậm và tiên lượng tốt, tỉ lệ sống sót sau 5 năm đến 80% sau điều trị. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị bệnh, người bệnh cần chú ý đến mục đích và cách sử dụng phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư tuyến giáp.
1. Ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nhỏ nằm ở trước cổ, có hình con bướm ôm lấy khí quản. Ung thư tuyến giáp là bệnh lý mà các tế bào ác tính tại tuyến giáp tăng sinh. So với các loại ung thư khác, ung thư tuyến giáp có tiên lượng khá tốt. Để điều trị bệnh, phẫu thuật luôn là lựa chọn tốt nhất, sau đó là hóa trị hoặc xạ trị thích hợp.
Có 4 loại ung thư tuyến giáp nói chung gồm: Thể nang, thể nhú, thể tủy và thể không biệt hóa trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu. Diễn tiến ban đầu của một bệnh ung thư thường âm thầm cho đến khi có triệu chứng phình to, sưng đau vùng cổ kèm nói khó, nuốt nghẹn, nặng hơn sẽ là di căn hạch và các cơ quan xa, mệt mỏi. Người bệnh có thể phát hiện sớm bằng cách tái khám sức khỏe định kỳ có gói xét nghiệm chức năng và hình thái tuyến giáp.

2. Xạ trị trong ung thư tuyến giáp là gì?
Cũng tương tự như phương pháp xạ trị trong các bệnh ung thư khác, xạ trị ung thư tuyến giáp là sử dụng các tia xạ trị có năng lượng lớn bắn phá các tế bào ung thư. Trong xạ trị ung thư tuyến giáp, chất phóng xạ được dùng là iod, thường là I – 131. Vì vậy khi nói đến xạ trị iod 131 tức là xạ trị ung thư tuyến giáp.
Xạ trị ung thư tuyến giáp có thể xạ trị từ bên ngoài hoặc iode phóng xạ từ bên trong hoặc kết hợp cả hai. Tùy thuộc vào giai đoạn và loại ung thư mà bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt tư vấn y tế từ xa với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 19003367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
3. Mục đích và cách sử dụng của xạ trị ung thư tuyến giáp
a. Liệu pháp Iod phóng xạ
Iod phóng xạ thường được dùng phổ biến trong xạ trị ung thư tuyến giáp, nhất là đối với ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang.
Sau phẫu thuật: Mục đích của điều trị iod phóng xạ sau phẫu thuật nhằm làm giảm khả năng tái phát của bệnh. Iod đi vào cơ thể, vào máu và lưu thông khắp cơ thể nhằm ngăn chặn tái phát của tế bào ung thư. Iod – 131 liều cao được sử dụng để tiêu diệt các tế bào tuyến giáp ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
Khi ung thư đã di căn xa, I – 131 diệt các mô tuyến giáp đang hoạt động mạnh gây cường giáp hoặc giảm kích thước tuyến giáp đồng thời ngăn chặn tế bào ung thư di căn đến nhiều cơ quan khác. Nhờ đó gia tăng tỉ lệ sống sót cho bệnh nhân. Ưu điểm của I – 131 là đánh trúng đích và hạn chế tổn thương cho các cơ quan khác do đó cũng được sử dụng trong điều trị bệnh lý tuyến giáp lành tính.
Để việc điều trị I - 131 đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân cần tuân thủ các lưu ý sau:
- Không được uống bất cứ thuốc nào chứa iod trong 2 tuần trước khi điều trị. Không được uống vitamin, các thức ăn có chứa iod. Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ không thể dùng I 131 để chữa trị.
- Cần cách ly người bệnh, đảm bảo an toàn tránh nhiễm xạ cho người thân và khu cách ly. Không được thức ăn đặc s 2 giờ uống thuốc. Uống nhiều nước lọc. Từ 2 đến 12 tiếng sau uống iod, bệnh nhân cần ngậm kẹo ngọt có vị chua để đào thải iod.
b. Xạ trị ngoài
Xạ trị chùm tia bên ngoài là sử dụng các tia (hoặc hạt) năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng, một chùm bức xạ được tập trung được phân phối từ một máy bên ngoài cơ thể. Đây là loại xạ trị thường được sử dụng nhất để điều trị ung thư tuyến giáp thể tuỷ và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Trên thực tế, ung thư tuyến giáp ít di căn xa. Nhưng khi bệnh đã di căn xa trường hợp di căn xương, sử dụng Iod 131 thường không đáp ứng. Xạ trị ngoài làm giảm tốc độ phát triển và lan rộng của tế bào ác tính, đồng thời giảm nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật. Xạ trị ngoài được chỉ định ở những bệnh nhân trẻ, đủ sức chịu các tia phóng xạ chiếu vào cơ thể.
Xạ trị chùm tia bên ngoài thường được thực hiện 5 ngày một tuần trong vài tuần. Trước khi điều trị, đội ngũ y tế sẽ tiến hành đo đạc cẩn thận để tìm ra các góc chính xác để đặt các chùm bức xạ và liều lượng bức xạ thích hợp. Bản thân phương pháp điều trị này không gây đau đớn, nó giống như chụp X-quang thông thường. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài vài phút, nhưng thời gian thiết lập máy, đưa bạn vào vị trí điều trị mất nhiều thời gian hơn.
4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra
Với liệu pháp iod phóng xạ, tác dụng phụ có thể gặp là: Đau, sưng cổ, buồn nôn, nôn, sưng đau các tuyến nước bọt, khô miệng, thay đổi hương vị, hoặc khô mắt, thậm chí vô sinh ở nam và kinh nguyệt không đều ở nữ.
Đối với xạ trị ngoài, hạn chế chính của phương pháp này là bức xạ có thể phá hủy các mô khỏe mạnh lân cận cùng với các tế bào ung thư. Một số bệnh nhân có những thay đổi trên da tương tự như bị cháy nắng, nhưng tình trạng này từ từ biến mất. Khó nuốt, khô miệng, khàn tiếng và mệt mỏi cũng là những tác dụng phụ tiềm ẩn của xạ trị tia bên ngoài nhằm vào hoặc gần tuyến giáp. Để giảm nguy cơ tác dụng phụ, các bác sĩ cẩn thận tính ra liều lượng chính xác cần thiết và hướng chùm tia chính xác nhất có thể để bắn trúng mục tiêu.
Ngày nay, xạ trị là kỹ thuật thiết yếu cho các ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật và trường hợp di căn xa. Hi vọng qua bài viết ngày, bệnh nhân và người thân hiểu được phần nào về quá trình xạ trị trong ung thư tuyến giáp. Để vượt qua bệnh tật, người bệnh cần lạc quan, tin tưởng vào y bác sĩ nội tiết cùng các kĩ thuật hiện đại ngày nay. Ung thư tuyến giáp là căn bệnh có thể chữa khỏi được. Vì vậy, mọi người trong chúng ta cần có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng. IVIE - Bác sĩ ơi sẵn sàng đồng hành cùng sức khỏe của bạn và người thân.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.