Tham vấn y khoa:
Chuyên khoa Nội tim mạch,Chuyên khoa Siêu âm tim
Tăng huyết áp (THA) là vấn đề sức khỏe phổ biến nhất và ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Trên thế giới, tỷ lệ THA ở người lớn vào khoảng 30% và đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tim mạch. Ở nước ta, tỷ lệ THA đã và đang có khuynh hướng tăng nhanh một cách rõ rệt. Bên cạnh những phương pháp thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp là cốt lõi của mọi phác đồ điều trị.
Nội dung chính
- 1. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
- 2. Thuốc hạ huyết áp nhóm A
- 3. Thuốc hạ huyết áp nhóm B (chẹn beta giao cảm)
- 4. Thuốc hạ huyết áp nhóm C (Thuốc chẹn kênh canxi)
1. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Phác đồ điều trị tăng huyết áp ban đầu theo VNHA - Hội tim mạch học Việt Nam 2018
Thuốc điều trị tăng huyết áp (THA) có thể chia thành 5 nhóm lớn chính với chữ cái đầu tiên của từng nhóm trong tiếng anh lần lượt là A – B – C – D – E . Trong đó:
- A (angiotensin-converting enzyme inhibitors or angiotensin receptor blockers) là
- nhóm các thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể.
- B (beta blockers) là nhóm các thuốc chẹn beta giao cảm.
- C (calcium channel blockers) là nhóm các thuốc chẹn kênh canxi.
- D (diuretics) là nhóm các thuốc lợi tiểu.
- E là nhóm các thuốc hạ huyết áp còn lại.
Bảng 1. Tóm tắt ngưỡng huyết áp ban đầu cần điều trị bằng thuốc (Huyết áp đo tại phòng khám – đơn vị mmHg)
(*Người bệnh nên được xem xét điều trị ngay ở mức HATT từ 130 - 139, nếu có nguy cơ tim mạch rất cao) Chú thích: THA: Tăng huyết áp, HA: Huyết áp, HATT: Huyết áp tâm thu, HATTr: Huyết áp tâm trương.
Điều trị bệnh tăng huyết áp cần được thực hiện thời gian dài, có phác đồ điều trị khoa học kết hợp với chế độ dinh dưỡng sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân bị tăng huyết áp nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch nổi tiếng để tìm cho mình phương pháp điều trị phù hợp.
2. Thuốc hạ huyết áp nhóm A
Thuốc hạ huyết áp nhóm A là thuốc ức chế men chuyển (ƯCMC) hoặc thuốc ức chế thụ thể (ƯCTT).
- Cơ chế tác dụng: các thuốc trong nhóm ƯCMC ức chế men chuyển từ Angiotensin I thành Angiotensin II, do đó làm giãn mạch, giảm tiết aldosterone gây hạ huyết áp. Đồng thời thuốc còn ức chế sự thoái giáng – phân hủy của bradykinin cũng là một chất gây giãn mạch hạ huyết áp. Các thuốc nhóm ƯCTT ức chế thụ thể AT1 nơi tiếp nhận tác dụng của Angiotensin II gây co mạch.
- Thuốc được ưu tiên sử dụng trên một số nhóm người bệnh cụ thể: tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường vì tác dụng bảo vệ thận, tăng huyết áp có biến đổi hình thái chức năng thất trái (suy tim, bệnh cơ tim giãn,…), tăng huyết áp có kèm theo bệnh tim thiếu máu cục bộ (nhồi máu cơ tim, đau ngực không ổn định, bệnh mạch vành mạn tính…)
Các thuốc nhóm ức chế men chuyển (tận cùng trong tên là – pril)
Các thuốc nhóm ức chế thụ thể (tận cùng trong tên là – sartan)
- Chống chỉ định: Phụ nữ mang thai. Tiền sử phù mạch. Tăng kali máu > 5,5 mmol/L. Hẹp động mạch thận cả hai bên. Hẹp động mạch thận ở người bệnh có duy nhất 1 thận.
- Thận trọng khi dùng: Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không sử dụng biện pháp tránh thai đáng tin cậy. Người bệnh suy thận, đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali, hoặc chế độ bồi phụ kali, do thuốc có xu hướng làm tăng kali máu.
- Tác dụng phụ: ho khan, phù mạch, suy thận, tăng kali máu, dị ứng, ngứa…
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám tim mạch với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cơ sở y tế uy tín tuyến trung ương hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin bác sĩ và đặt lịch chủ động hơn!
1900 3367
3. Thuốc hạ huyết áp nhóm B (chẹn beta giao cảm)
Thuốc hạ huyết áp nhóm B (beta blockers) là nhóm các thuốc chẹn beta giao cảm.
- Cơ chế tác dụng: chẹn thụ thể beta giao cảm đối với catecholamine 🡪 giảm nhịp tim và cung lượng tim; ngoài ra thuốc gây giảm nồng độ renin máu, tăng giải phóng prostaglandins gây giãn mạch, do đó gây hạ huyết áp.
Các thuốc nhóm chẹn beta giao cảm (tận cùng trong tên là – lol)
- Thuốc được ưu tiên sử dụng trên một số nhóm người bệnh: tăng huyết áp sau nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp đã có suy chức năng tâm thu thất trái, tăng huyết áp cho người trẻ có cường hệ giao cảm.
- Chống chỉ định: hen/bệnh lý gây co thắt phế quản (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…), block xoang nhĩ/block nhĩ thất độ cao, nhịp tim chậm (<60l/ph), đợt cấp suy tim có ứ trệ tuần hoàn,…
- Thận trọng khi dùng: do thuốc gây giảm nhạy cảm của tế bào trong cơ thể với insulin, do đó dễ gây tăng cân, rối loạn mỡ máu, đặc biệt trên các người bệnh đã có hội chứng chuyển hóa, giảm dung nạp glucose, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hoặc khi kết hợp với thuốc lợi tiểu.
- Tác dụng phụ: nhịp chậm, mất ngủ, ngủ gà, giảm chức năng sinh dục nam, hạ huyết áp tư thế, bùng phát cơn tăng huyết áp khi ngừng thuốc đột ngột.
4. Thuốc hạ huyết áp nhóm C (Thuốc chẹn kênh canxi)
Thuốc hạ huyết áp nhóm C (calcium channel blockers) là nhóm các thuốc chẹn kênh canxi.
- Cơ chế tác dụng: các thuốc nhóm chẹn kênh canxi làm giãn hệ tiểu động mạch bằng cách ngăn cản dòng canxi chậm vào trong tế bào cơ trơn thành mạch, từ đó làm giảm sức cản ngoại vi và gây hạ huyết áp. Ngoài ra, thuốc tác động trên nhịp tim và sức co bóp của cơ tim tùy thuộc vào đặc thù từng nhóm thuốc, do đó được chia thành 2 phân nhóm nhỏ:
- Thuốc chẹn kênh canxi DHP: hoạt động chủ yếu theo cơ chế giãn mạch ngoại vi, do đó làm hạ huyết áp bằng cách làm giảm sức cản mạch máu ngoại vi. Nhóm này có tác dụng chọn lọc trên mạch, ít ảnh hưởng đến chức năng co bóp cơ tim và nhịp tim, có tác dụng kéo dài nên có thể dùng liều duy nhất trong ngày. Thuốc có thể gây tăng nhịp tim phản ứng nhưng không bằng nhóm non – DHP.
- Thuốc chẹn kênh canxi non – DHP: hoạt động theo cơ chế làm chậm nhịp tim, giảm dẫn truyền nhĩ thất, giảm sức co bóp cơ tim do đó làm hạ huyết áp. Vì cơ chế tác dụng chọn lọc trên tim hơn trên mạch nên nhóm thuốc này có ảnh hưởng nhiều đến đường dẫn truyền gây nhịp chậm và sức co cơ tim.
Các thuốc nhóm chẹn kênh canxi (Phân nhóm DHP có tận cùng là – dipine, phân nhóm non – DHP tại Việt Nam hiện chỉ lưu hành 2 loại: Verapamil và Diltiazem)
- Thuốc được ưu tiên sử dụng trên một số nhóm người bệnh: tăng huyết áp có kèm theo đau thắt ngực ổn định, tăng huyết áp có kèm bệnh lý gây co thắt phế quản, co thắt động mạch vành hoặc người bệnh có hội chứng Raynaud.
- Chống chỉ định và thận trọng khi dùng trên các nhóm người bệnh
Bảng 2. Chống chỉ định và thận trọng thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn kênh canxi
Chú thích: CCB: thuốc chẹn kênh canxi. NYHA: phân độ suy tim của hội tim mạch Hoa Kì. LVEF: Phân suất tống máu thất trái.
- Tác dụng phụ: bừng mặt, nhịp tim nhanh, phù mắt cá, đau đầu,…
Trên đây là 3 trong 5 nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp phổ biến hiện nay, IVIE - Bác sĩ ơi sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc những thông tin chi tiết về các nhóm thuốc và phương pháp điều trị tăng huyết áp bổ ích.
IVIE - Bác sĩ ơi | Ngày đăng
14/07/2022 - Cập nhật
15/07/2022