Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh Tiểu đường, là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
1. Đái tháo đường biểu hiện đặc tính như thế nào ?

Có nhiều định nghĩa khác nhau- tùy thuộc vào mục đích của tác giả hoặc nhóm các tác giả. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), thì đái tháo đường “Là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu/hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc là do có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin”.
2. Nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh
Đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường týp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường. Đây là mối quan hệ phức tạp.
a. Đặc điểm chung
- Yếu tố di truyền.
- Các yếu tố khác: Béo phì hoặc thừa cân, chế độ ít vận động, các yếu tố đặc biệt trong tiền sử (Sản khoa, Đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường, di truyền, tăng huyết áp vô căn, thay đổi môi trường sống).
- Tuổi > 40: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Các stress.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt tư vấn y tế từ xa với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 19003367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
b. Sự suy giảm chức năng tế bào beta và kháng insulin
Đặc điểm nổi bật của sinh lý bệnh đái tháo đường týp 2 là những rối loạn không đồng nhất biểu hiện bằng giảm nhạy cảm với insulin ở gan, cơ vân, mô mỡ và sự suy chức năng của tế bào beta biểu hiện bằng những rối loạn tiết insulin. Khi đái tháo đường týp 2 có biểu hiện lâm sàng, thường kèm theo các rối loạn khác về chuyển hoá lipid, protid; các biểu hiện bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận, tiêu hoá.v.v...
3. Chẩn đoán bệnh đái tháo đường

a. Chẩn đoán xác định đái tháo đường theo tiêu chuẩn hiện nay
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường, được Hiệp hội đái tháo đường của Mỹ kiến nghị năm 1997 và được nhóm các chuyên gia về bệnh đái tháo đường của WHO công nhận vào năm 1998, tuyên bố áp dụng vào năm 1999, gồm 3 tiêu chí
- Có các triệu chứng của đái tháo đường( lâm sàng); mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l( 200mg/dl).
- Mức glucose huyết tương lúc đói ≥7,0mmol/l( ≥126mg/dl).
- Mức glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/l(200mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.
Như vậy sẽ có những người được chẩn đoán là đái tháo đường nhưng lại có glucose huyết tương lúc đói bình thường. Trong những trường hợp đặc biệt này, người ta phải ghi rõ chẩn đoán bằng phương pháp nào. Ví dụ “ Đái tháo đường týp 2- Phương pháp tăng glucose máu bằng đường uống”.
b. Chẩn đoán tiền đái tháo đường (Prediabetes)
- Rối loạn dung nạp glucose, nếu mức glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống từ 7,8mmol/l (140mg/dl) đến 11,0 mmol/l(126md/dl).
- Suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói, nếu lượng glucose huyết tương lúc đói( sau ăn 8 giờ) từ 5,6 mmol/l(100mg/dl) đến 6,9 mmol/l(125mg/dl) và lượng glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp tăng glucose máu dưới 7,8mmol/l( < 140 mg/dl).
- Hoặc theo HbA1c thì mức từ 5,7 đến 6,4% được chẩn đoán là tiền đái tháo đường.
4. Phân loại bệnh đái tháo đường
- Đái tháo đường týp 1. " Là hậu quả của quá trình huỷ hoại các tế bào beta của đảo tuỵ. Hậu quả là cần phải sử dụng insulin ngoại lai để duy trì chuyển hoá, ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton có thể gây hôn mê và tử vong".
- Đái tháo đường týp 2.
- Các thể đặc biệt khác:
- Khiếm khuyết chức năng tế bào beta, giảm hoạt tính của insulin do gen.
- Bệnh lý của tuỵ ngoại tiết.
- Do các bệnh Nội tiết khác.
- Nguyên nhân do thuốc hoặc hoá chất khác.
- Nguyên nhân do nhiễm trùng
- Các thể ít gặp, các hội chứng về gen,...
- Đái tháo đường thai kỳ.
5. Điều trị bệnh đái tháo đường týp 2

a. Nguyên tắc chung
- Mục đích:
- Giảm cân nặng (với người béo) hoặc không tăng cân (với người không béo).
- Duy trì được lượng glucose máu khi đói, glucose máu sau ăn gần như mức độ sinh lý, đạt được mức HbA1c lý tưởng, nhằm giảm được các biến chứng có liên quan đến đái tháo đường, giảm tỷ lệ tử vong do đái tháo đường.
- Nguyên tắc:
- Thuốc phải kết hợp với chế độ ăn và luyện tập. Đây là bộ ba điều trị bệnh đái tháo đường.
- Phải phối hợp điều trị hạ glucose máu, điều chỉnh các rối loạn lipid, duy trì số đo huyết áp hợp lý, chống các rối loạn đông máu...
- Khi cần phải dùng insulin.
- Lựa chọn thuốc và phương pháp điều trị
Mục tiêu điều trị phải nhanh chóng đưa lượng glucose máu về mức quản lý tốt nhất, đạt mục tiêu đưa HbA1C về khoảng từ 6,5 đến 7,0%, người ta không áp dụng phương pháp điều trị bậc thang mà chủ trương dùng thuốc phối hợp sớm.
- Nếu HbA1c trên 9,0% mà mức glucose huyết tương lúc đói trên 13,0 mmol/l có thể chỉ định hai loại thuốc viên hạ glucose máu phối hợp.
- Nếu HbA1C trên 9,0% mà mức glucose máu lúc đói trên 15,0 mmol/l có thể xét chỉ định dùng ngay insulin.
- Bên cạnh việc điều chỉnh lượng glucose máu phải đồng thời lưu ý cân bằng các thành phần lipid máu, các thông số về đông máu, duy trì số đo huyết áp
- Theo dõi, đánh giá tình trạng kiểm soát mức glucose trong máu bao gồm mức glucose máu lúc đói, glucose máu sau ăn, đặc biệt là mức HbA1c – được đo từ 3 đến 6 tháng/lần.
- Cách sử dụng các thuốc hạ glucose máu, sử dụng insulin, cách phối hợp thuốc trong điều trị và những lưu ý khi điều trị bệnh đái tháo đường.
Phát hiện sớm tiểu đường giúp bạn gia tăng cơ hội phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng đái tháo đường. Vậy làm thế nào để xác định rõ cơ thể có đang bị tiểu đường hay không? Bạn có thể đặt khám tư vấn y tế từ xa bác sĩ nội tiết để được chẩn đoán, phòng ngừa diễn biến của bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, đời sống hằng ngày của bạn.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.