Ho ra máu là cấp cứu thường gặp trong các cấp cứu bệnh lao và bệnh phổi ở nước ta hiện nay. Ho máu là triệu chứng khiến bệnh nhân phải chú ý và tìm tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh sớm. Số liệu từ những năm 1987-1994 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lao Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân vào khoa vì ho ra máu chiếm 48% số bệnh nhân vào khoa điều trị, trong đó ho ra máu do lao chiếm tỷ lệ 80,88% số bệnh nhân ho ra máu.Vậy hãy cùng ISOFHCARE tìm hiểu về dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bệnh lý này nhé.
1. Ho ra máu là tình trạng bệnh lý như thế nào?
Ho ra máu là máu từ đường hô hấp dưới: từ vùng dưới thanh môn, được ho khạc ra ngoài qua đường miệng mũi, ho từ nhiều mức độ khác nhau, có thể từ ít máu lẫn trong đờm tới ho ra máu nặng đe dọa tính mạng khi số lượng máu từ 100 đến 600 ml trong thời gian 24 giờ. Ho ra máu là một triệu chứng có thể gặp của nhiều bệnh, trong đó chủ yếu là một số bệnh phổi- phế quản. Cần phân biệt rõ ho ra máu với khạc ra máu chảy máu từ đường hô hấp, với nôn ra máu do chảy máu ở đường tiêu hóa.
2. Các nguyên nhân gây ho ra máu
Nguyên nhân ho ra máu tại các nước phát triển thống kê cho thấy chủ yếu là do viêm phế quản, ung thư phổi phế quản, viêm phổi và lao phổi. Thống kê tại các nước có tỷ lệ lao cao, nguyên nhân ho ra máu hàng đầu là do lao phổi, giãn phế quản, ung thư phổi phế quản. Ngoài ra còn có thể gặp các nguyên nhân ho ra máu có tính chất toàn thân.
Nguyên nhân ho ra máu tại phổi
- Lao phổi
- Giãn phế quản
- Ung thư phế quản
- Các bệnh nhiễm khuẩn phổi- phế quản khác ngoài vi khuẩn lao: Viêm phổi, nấm phổi, sán lá phổi.
- Tắc mạch phổi, nhồi máu phổi
Nguyên nhân toàn thân, nguyên nhân khác
- Bệnh lý cơ quan tạo máu và rối loạn đông máu.
- Chấn thương, sức ép, sóng nổ, vết thương thấu phổi, dị vật phế quản, sốt xuất huyết, lạc nội mạc tử cung vào phổi.
- Các nguyên nhân liên quan đến thủ thuật y tế.
- Tình trạng viêm có nguyên nhân liên quan đến các bất thường miễn dịch ví dụ: hội chứng Goodpasture, lắng độ hemosiderosin, viêm phổi lupus,...
- Nguyên nhân tim- mạch.
- Ho ra máu không rõ nguyên nhân.
Tải ứng dụng IVIE - Bác sĩ ơi để đặt tư vấn y tế từ xa với bác sĩ hoặc gọi đến hotline 19003367 để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng!
3. Triệu chứng lâm sàng ho ra máu
- Triệu chứng báo trước
Trước khi ho ra máu, bệnh nhân có cảm giác khó chịu, nóng rát sau xương ức, ngứa ở cổ họng, cảm thấy có gì lọc xọc ở trong ngực, có vị máu, vị tanh trong miệng, sau đó ho khạc máu từ đường hô hấp dưới ra ngoài. Có nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền triệu.
- Triệu chứng ho ra máu
Trong đa số các trường hợp ho ra máu mức độ ít, lần đầu, bệnh nhân không có các dấu hiệu toàn thân đặc biệt trừ những trường hợp ho ra máu có nguyên nhân liên quan tới các bệnh lý toàn thân. Trong trường hợp bệnh nhân ho ra máu nhiều, hoặc ho máu kéo dài có thể có:
- Hội chứng suy hô hấp cấp: Tùy thuộc vào mức độ ho ra máu và tình trạng bệnh lý phổi có thể thấy tình trạng suy hô hấp từ nhẹ đến nặng thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân do các cục máu lấp đầy khí phế quản.
- Hội chứng thiếu máu: Tùy thuộc mức độ ho ra máu, biểu hiện bằng da xanh, niêm mạc nhợt, hạ huyết áp, thậm chí tình trạng sốc giảm thể tích.
- Các dấu hiệu toàn thân của các bệnh lý: ung thư phổi, giãn phế quản, lao phổi.
Máu ho ra thường có màu đỏ tươi lẫn các bọt khí, có hoặc không có đờm kèm theo. Số lượng máu ho ra có thể ít: từ vài mililit đến vài chục mililit, hoặc ho ra máu với số lượng nhiều đến vài trăm mililit. Nếu ho ra máu với số lượng nhiều, bệnh nhân có thể trong tình trạng sốc giảm thể tích.
4. Các xét nghiệm cận lâm sàng
- Công thức máu: đánh giá tình trạng thiếu máu nếu có cũng như tiên lượng nặng trong trường hợp mất máu. Nhóm máu cần chuẩn bị trong trường hợp phải cần truyền máu, đặc biệt là những trường hợp có nhóm máu hiếm, thiếu.
- X Quang phổi, chụp CT Scanner ngực
- Khí máu động mạch: có thể giảm oxy máu...
- Soi phế quản: bằng ống mềm có thể xác định được bên vị trí tổn thương và căn nguyên chảy máu, lấy dịch rửa phế quản xét nghiệm tế bào, tìm vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm đờm
- Xét nghiệm nước tiểu: cần thiết nếu nghi ngờ bệnh tự miễn...
Dấu hiệu ho ra máu là lời cảnh báo về những bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, cần hết sức chú ý, không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được đội ngũ bác sĩ thăm khám và điều trị nếu xuất hiện triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người nên rèn luyện sức khỏe, cải thiện chế độ dinh dưỡng để nâng cao và phòng tránh được tối đa bệnh lý hoặc biến chứng của bệnh có thể xảy ra.
Cẩm nang IVIE - Bác sĩ ơi cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.