Vi khuẩn lao đã được biết từ lâu và gây ra nhiều bệnh lý khác nhau trên cơ thể như lao phổi, lao màng não, lao xương… Trong khi phần lớn các bệnh nhân phát hiện ra nhiễm lao do có các triệu chứng đường hô hấp thì vẫn có một tỉ lệ nhỏ các ca nhiễm lao được chẩn đoán ở các cơ quan ngoài phổi, trong đó có lao tinh hoàn. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về bệnh lý đặc biệt này.
1. Lao tinh hoàn là gì?
Lao tinh hoàn do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, nằm trong nhóm lao đường tiết niệu sinh dục. Lao tinh hoàn thường là biểu hiện lây lan của vi khuẩn lao sau khi đã xâm nhập vào máu và bạch huyết. Bệnh này trước đây thường bị nhầm với ung thư tinh hoàn, dấu hiệu gợi ý là tình trạng sưng tinh hoàn hoặc tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra ở trên một bệnh nhân đã có tiền sử nhiễm lao trước đó.

Hình ảnh trực khuẩn lao
2. Vì sao bị nhiễm lao tinh hoàn?
Có đến 80 – 90% lao xuất hiện từ cơ quan hô hấp. Trực khuẩn lao khi xâm nhập vào các phế nang tại phổi sẽ bị các bạch cầu đa nhân và đại thực bào tại chỗ tiêu diệt. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng ít các trực khuẩn lao thoát khỏi sự khống chế này và đi đến các hạch bạch huyết vùng. Tại đây, chúng theo ống ngực đi vào tĩnh mạch và gây bệnh tại các cơ quan khác nhau, trong đó có tinh hoàn.
Tại đây, các tổ chức u hạt do lao bắt đầu hình thành và gây nên các triệu chứng lâm sàng như sưng đau tinh hoàn, xuất tinh máu, suy giảm chất lượng tinh trùng… Quá trình nhiễm trùng kéo dài có thể dẫn đến teo tinh hoàn về sau và gây ra vô sinh cho nam giới.
1900 3367 - Tổng đài tư vấn và đặt khám Nam học tại các bệnh viện tuyến trung ương hoặc đặt hẹn khám với bác sĩ theo yêu cầu. Bạn có thể tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để đặt lịch khám chủ động hơn!
1900 3367
3. Triệu chứng của lao tinh hoàn
Triệu chứng lao tinh hoàn ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ rệt, người bệnh có thể chỉ cảm thấy tức nặng một bên tinh hoàn, cảm giác đau rất mơ hồ và đôi khi có thể bị lãng quên nếu không chú ý đến.

Triệu chứng của lao tinh hoàn
Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh toàn phát và có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sau:
- Sưng đau tinh hoàn: Tình trạng sưng nóng đỏ đau ở tinh hoàn rất dễ nhầm lẫn với chẩn đoán viêm tinh hoàn do vi khuẩn, tuy nhiên ít khi gặp ở lao tinh hoàn. Bệnh nhân thường sưng đau nhẹ tinh hoàn kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt về chiều, ra nhiều mồ hôi, sụt cân… Nếu không điều trị đúng hướng, có thể xuất hiện các lỗ rò tinh hoàn do hang lao ăn ra bên ngoài, chảy dịch hoại tử trắng như bã đậu, xét nghiệm sẽ cho thấy hình ảnh nhiều tế bào bán liên trong chất hoại tử này.
- Xuất tinh máu: Lao tinh hoàn, lao túi tinh gây tổn thương mạch máu và có thể xuất hiện tình trạng xuất tinh ra máu. Đây cũng là triệu chứng không đặc hiệu vì có thể gặp trong viêm túi tinh hoặc ung thư ác tính ở đường tiết niệu – sinh dục
- Suy giảm chất lượng tinh trùng: biểu hiện đa dạng thông qua các chỉ số như: số lượng tinh trùng giảm, tỉ lệ tinh trùng sống thấp, tỉ lệ di động và di động tiến tới giảm, tế bào bạch cầu (đặc biệt là bạch cầu đơn nhân) tăng cao trong mẫu tinh dịch… Nếu để lâu không điều trị, lao tinh hoàn nói riêng hay lao đường sinh dục nói chung đều có thể dẫn đến vô sinh nam sau này.
- Các triệu chứng đường tiết niệu: Lao tinh hoàn rất hay đi kèm với tổn thương đường tiết niệu do hai hệ thống cơ quan sinh dục – tiết niệu ở nam giới có chung đường ra, biểu hiện đa dạng với tình trạng giãn đài bể thận một hoặc hai bên, lao bàng quang gây đái máu, đái nhiều lần, bệnh nhân có thể có tình trạng suy thận từ nhẹ đến nặng…
Mặc dù có nhiều triệu chứng xong chẩn đoán lao tinh hoàn, đặc biệt là ở giai đoạn sớm lại hết sức khó khăn. Việc phân lập được trực khuẩn lao trong các mẫu bệnh phẩm là bằng chứng chuẩn xác nhất để khẳng định bệnh nhưng thực tế tỉ lệ dương tính còn thấp do vi khuẩn này rất khó nuôi cấy. Hình ảnh hoại tử bã đậu với dày đặc các tế bào bán liên trên tiêu bản cũng là một tiêu chuẩn tốt để chẩn đoán lao. Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh chỉ mang tính chất gợi ý, không thể được sử dụng đơn độc để chẩn đoán xác định.
Xem thêm bài viết chuyên khoa Nam học
4. Điều trị lao tinh hoàn như thế nào?
Điều trị lao tinh hoàn bằng phác đồ thuốc chống lao với thời gian điều trị kéo dài (thông thường từ 6 đến 12 tháng). Cần lưu ý rằng các thuốc điều trị lao đều có những tác dụng phụ nhất định, do đó nên theo dõi chặt chẽ người bệnh và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.

Điều trị lao tinh hoàn
Chỉ định phẫu thuật ngoại khoa được đặt ra khi lao đã gây ra biến chứng như tràn dịch màng tinh hoàn nhiều, gây xơ hóa – hẹp đường niệu hoặc lỗ rò tinh hoàn không lành được sau điều trị thuốc…
Lao tinh hoàn cũng cần được sàng lọc lao tại các cơ quan khác và có xử trí phù hợp với tổn thương của từng cơ quan.
Liên hệ tổng đài IVIE - Bác sĩ ơi 1900 3367 để nhận tư vấn và đặt khám Nam học tại các bệnh viện tuyến trung ương hoặc đặt hẹn khám với bác sĩ theo yêu cầu. Bạn có thể tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để đặt lịch khám chủ động hơn!
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.