Những yếu tố nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu
Tham vấn y khoa:
Chuyên khoa TT Nam học,Chuyên khoa Nội tổng hợp,Chuyên Khoa Thận tiết niệu
Việt Nam là quốc gia nằm trong “vành đai sỏi” của thế giới, với tỉ lệ bệnh nhân sỏi tiết niệu cao. Có nhiều yếu tố nguy cơ hình thành sỏi đường tiết niệu, trong đó, thói quen uống ít nước, nhịn tiểu cùng chế độ ăn không hợp lý có thể là những yếu tố nguy cơ dẫn đến sự hình thành bệnh. Nằm trong loạt bài viết phổ cập kiến thức về bệnh lý sỏi tiết niệu, ISOFHCARE sẽ trả lời những câu hỏi thường gặp về các yếu tố nguy cơ gia tăng hình thành sỏi tiết niệu.
Nội dung chính
- 1. Sỏi tiết niệu chủ yếu gặp ở nam giới có đúng không?
- 2. Tuổi nào dễ gặp sỏi tiết niệu nhất?
- 3. Cân nặng có ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu hay không?
- 4. Nơi sống có ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ hình thành sỏi?
- 5. Các thói quen trong nào trong sinh hoạt hằng ngày làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu?
Sỏi tiết niệu còn gọi là chứng Thạch Lâm theo Đông Y, là bệnh lý thường gặp và hay tái phát, chiếm tỉ lệ khoảng 4% - 12% dân số. Sỏi có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên đường dẫn nước tiểu, trong đó, sỏi thận thường gặp nhất (40%), sỏi niệu quản xếp vị trí thứ 2 (khoảng gần 30%), còn lại là các trường hợp sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
1. Sỏi tiết niệu chủ yếu gặp ở nam giới có đúng không?
Sỏi tiết niệu chủ yếu gặp ở nam giới, mặc dù chưa có bằng chứng thực sự thuyết phục song nhiều nghiên cứu riêng lẻ cho thấy tỉ lệ nam giới mắc sỏi tiết niệu cao hơn ở nữ giới (10.7% so với 7.1%). Đặc biệt, có những thống kê chỉ ra rằng có sự khác nhau về hai giới khi xét theo phương diện bản chất sỏi (loại sỏi do chất gì tạo thành), chủ yếu liên quan nhiều đến sự khác nhau về chế độ sinh hoạt và ăn uống giữa hai giới. Ví dụ, nam giới thường có thói quen uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thịt đỏ và hải sản thì nguy cơ hình thành sỏi urat sẽ cao hơn nữ giới.

Những yếu tố nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu
2. Tuổi nào dễ gặp sỏi tiết niệu nhất?
Sỏi tiết niệu có thể gặp ở mọi giai đoạn trong suốt cuộc đời của mỗi người. Đối với người lớn, sỏi tiết niệu thường xuất hiện lần đầu tiên ở độ tuổi từ 35 – 55 tuổi và có thể tái phát nhiều lần sau đó. Với trẻ em, độ tuổi dễ mắc sỏi tiết niệu thường là dưới 10 tuổi (thường là do có những bất thường bẩm sinh về hình thái đường tiết niệu hoặc các rối loạn chuyển hóa di truyền), lứa tuổi từ 10 -18 tuổi lại ít bị sỏi niệu hơn
3. Cân nặng có ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu hay không?
Béo phì là một yếu tố nguy cơ rõ rệt của sỏi tiết niệu. Sự bài tiết các chất tạo sỏi trong nước tiểu như canxi, acud uric, phosphat hay oxalat gia tăng đáng kể ở nhóm bệnh nhân thừa cân, béo phì.

Béo phì là một yếu tố nguy cơ rõ rệt của sỏi tiết niệu (*)
* Nguồn: Urologic Diseases in America Project: Prevalence of kidney stones in the United States. Eur Urol 62:160-165, 2012
Đặc biệt, người có chỉ số BMI ≥ 25 không những làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu mà còn tăng cả nguy cơ tái phát hình thành sỏi.
4. Nơi sống có ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ hình thành sỏi?
Các yếu tố liên quan đến địa dư đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích nguy cơ gia tăng tạo sỏi tiết niệu của một người này so với một người khác. Người sống tại vùng có nhiều đá vôi, mỏ quặng… có nguy cơ hình thành sỏi cao hơn nhiều lần so với người ở vùng khác. Ngoài ra, các yếu tố khác như mật độ dân số, lối sống, thói quen dinh dưỡng, khí hậu, địa hình, khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp… cũng góp phần làm nên sự khác biệt về tỉ lệ bị sỏi tiết niệu giữa các vùng miền.
Ở nước ta, do có khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng, người lao động ngoài trời đổ mồ hôi nhiều, nước tiểu bị cô đặc nên tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu cao (khoảng 2% - 12% dân số).
5. Các thói quen trong nào trong sinh hoạt hằng ngày làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu?
Thói quen làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi tiết niệu mà bạn cần chú ý như:

Vận động và uống nhiều nước làm giảm nguy cơ nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu
- Lười vận động: cơ thể ở trạng thái tĩnh, ít hoạt động, gây ảnh hưởng tới tốc độ lọc tại thận và dễ tạo sỏi tiết niệu.
- Uống ít nước: mỗi ngày, cơ thể của chúng ta cần từ 2 - 2,5 lít nước. Nếu uống không đủ nước, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước, làm cô đặc nước tiểu, dẫn đến sự lắng đọng, kết tủa và hình thành sỏi tiết niệu.
- Thói quen nhịn tiểu ở nơi công cộng: nước tiểu bị ứ lại trong cơ thể tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi.
Sỏi tiết niệu có liên quan như thế nào đến thói quen uống nước hằng ngày?, Các thực phẩm nào có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu?, Thuốc nào gây tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu?, Uống nhiều Canxi có làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu hay không?...IVIE - Bác sĩ ơi sẽ giải đáp cho bạn ở các bài viết về sỏi tiết niệu tiếp theo.
IVIE - Bác sĩ ơi | Ngày đăng
20/01/2022 - Cập nhật
20/01/2022