Trẻ bị nấm miệng phải làm sao là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Nấm miệng thường không gây nguy hiểm nhưng khiến trẻ khó chịu, thậm chí đau đớn, bỏ ăn, quấy khóc khiến bố mẹ rất lo lắng. Ở bài viết dưới đây, IVIE - Bác sĩ ơi sẽ gửi đến bạn các biện pháp chữa nấm miệng cho trẻ, cùng tìm hiểu ngay.
1. Phân biệt các giai đoạn trẻ bị nấm miệng
Trẻ bị nấm miệng thường được chia thành 2 giai đoạn theo mức độ của bệnh để có cách điều trị phù hợp:
Giai đoạn nhẹ
Giai đoạn nhẹ, trẻ thường có biểu hiện xuất hiện mảng trắng ở niêm mạc lưỡi, khi làm sạch có thể để lại chấm đỏ hoặc chảy máu. Trẻ có thể bị nứt quanh khóe miệng và có hiểu hiện bỏ bú, quấy khóc. Mẹ có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà cho trẻ như thuốc chúng tôi đề cập dưới đây.
Giai đoạn nặng
Khi tiến triển thành giai đoạn nặng hơn, biểu hiện của bệnh xuất hiện ở cơ quan khác như: viêm họng khiến trẻ khó nuốt hay nôn trớ sau ăn, hoặc nhiễm trùng đường hô hấp dưới (viêm phổi, viêm phế quản …) hay nhiễm trùng tiêu hóa do vi nấm lây lan xuống gây tiêu chảy ở trẻ. Ở giai đoạn này bố mẹ nên đưa trẻ khám bác sĩ.
Hình ảnh nấm miệng ở trẻ em
2. Điều trị nấm miệng cho trẻ bằng thuốc
Các loại thuốc phổ biến nhất để điều trị bệnh nấm miệng ở trẻ em bao gồm:
- Nystatin: một loại bột chống nấm an toàn khi sử dụng cho trẻ sơ sinh. Nystatin cũng thường được kê đơn ở dạng viên ngậm hoặc nước súc miệng dạng lỏng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, pha thuốc với khoảng 4 thìa nước đun sôi để nguội, sau đó dùng miếng gạc vô trùng bôi thuốc lên những mảng trắng có nấm men hoạt động.
- Miconazole: là thuốc kháng nấm có tác dụng mạnh hơn và phổ tác dụng rộng hơn nystatin.
- Fluconazol: là phương pháp điều trị mạnh hơn đối với bệnh nấm miệng và thường được sử dụng như phương pháp điều trị bậc hai khi nystatin không hiệu quả. Các tác dụng phụ thường gặp của fluconazol bao gồm đau đầu, buồn nôn và chóng mặt nhưng nhìn chung đều nhẹ.
- Clotrimazole: là thuốc bôi tại chỗ được kê toa dưới dạng viên ngậm. Thuốc được đưa vào dưới dạng viên ngậm tan dần trong miệng trong vòng 20 đến 30 phút. Nó không được khuyến khích cho trẻ em dưới 3 tuổi.
- Amphotericin B: một loại thuốc được sử dụng cho các trường hợp bị nấm miệng nặng hơn, được dùng theo đường tĩnh mạch.
*Lưu ý: chỉ cho trẻ sử dụng thuốc khi được kê đơn bởi bác sĩ. Mẹ có thể chọn tư vấn y tế từ xa với bác sĩ Nhi trên IVIE - Bác sĩ ơi để kê đơn thuốc nhanh chóng.
Mẹ tìm hiểu thêm: Dấu hiệu trẻ bị nấm miệng
Điều trị nấm miệng cho trẻ bằng thuốc
3. Mẹo chữa nấm miệng cho trẻ bằng phương pháp dân gian
Một số mẹo chữa nấm miệng cho trẻ thường được các mẹ áp dụng tại nhà như:
Cách chữa nấm miệng cho trẻ bằng rau ngót
Rau ngót là món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Trong rau ngót chứa lượng lớn vitamin C và các thành phần dinh dưỡng khác, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và tiêu viêm, và tính an toàn cao, nên được coi là một mẹo chữa nấm miệng cho trẻ rất phổ biến
Cách làm như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị một nắm rau ngót, rửa sạch và để ráo nước
- Bước 2: Sau đó đem giã nát và chắt lọc lấy phần nước
- Bước 3: Dùng miếng gạc sạch thấm nước rau ngót vừa lọc, chấm nhẹ nhàng lên vùng lưỡi và niêm mạc má của trẻ. Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày để đạt hiệu quả điều trị.
Cách chữa nấm miệng cho trẻ bằng rau ngót
Dùng lá trà xanh chữa nấm miệng ở trẻ em
Cách thực hiện như sau:
- Lá trà xanh rửa sạch
- Đun sôi với một ít muối vài phút
- Dùng nước trà nguội để rơ lưỡi cho bé
Với tinh chất kháng khuẩn tự nhiên trong lá trà xanh, đây là mẹo chữa nấm miệng cho trẻ thường được áp dụng với bé trên 6 tháng tuổi.
Chữa nấm miệng cho bé bằng trà xanh
Chữa nấm miệng cho trẻ bằng cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi có công dụng trị nấm rất tốt, nên cũng được áp dụng trong trị nấm miệng cho trẻ. Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Lấy một nắm cỏ nhọ nồi rửa sạch
- Bước 2: Giã nát và chắt lấy nước cốt
- Bước 3: Trộn chúng với một ý mật ong
- Bước 4: Dùng gạc sạch quấn quanh đầu ngón tay, sau đó chấm hỗn hợp vừa làm lên vùng bị nấm miệng ở trẻ.
Kết hợp lá mít và mật ong để chữa nấm miệng
Cây mít được biết đến với nhiều công dụng khác nhau, mỗi bộ phận đều có thể dùng để chữa bệnh. Lá mít là một biện pháp dân gian được biết đến từ rất lâu trong trị nấm miệng ở trẻ em. Nó được chế biến bằng cách:
- Bước 1: Lấy những lá mít xanh, không bị sâu, đem rửa sạch sau đó phơi khô
- Bước 2: Nghiền lá mít đã phơi khô thành bột
- Bước 3: Trộn 5g bột lá mít với 1 ml mật ong rồi bôi lên vùng bị nấm.
*Lưu ý: Biện pháp dân gian kết hợp với mật ong được áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi.
4. Đưa trẻ đi khám bác sĩ
Đưa trẻ đi khám bác sĩ, hoặc tư vấn nhi từ xa trên IVIE - Bác sĩ ơi, nếu bạn nhận thấy ở trẻ có những biểu hiện sau:
- Có các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn
- Có triệu chứng mới
- Trẻ biếng ăn, ngừng ăn hoặc uống.
5. Lưu ý chăm sóc trẻ bị nấm miệng
Bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó thường đem lại sự khó chịu cho trẻ khi ăn uống và bệnh dễ tái phát. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nấm miệng cho con mình bằng một số biện pháp đơn giản:
- Thường xuyên khử trùng núm vú giả, bình sữa, núm vú giả và các dụng cụ cho bé ăn khác
- Làm sạch và khử trùng đồ chơi mà con bạn thường xuyên cho vào miệng
- Thực hành vệ sinh răng miệng tốt bằng cách làm sạch miệng cho con bạn
- Thực hành vệ sinh tay tốt để giảm sự lây lan của nhiễm trùng
Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ
Trẻ bị nấm miệng là do nấm Candida phát triển quá mức, vì vậy khi chăm sóc cho trẻ bị nấm miệng, các mẹ cần lưu ý một số thực phẩm nên ăn và nên tránh để hạn chế sự phát triển của nấm, giúp bé mau khỏi hơn.
Trẻ nấm miệng nên ăn gì?
Các loại thực phẩm nên ăn:
- Các loại rau không chứa tinh bột, bao gồm bông cải xanh, cải xoăn, hành tây và cà chua.
- Trái cây ít đường, chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, ô liu và quả mọng
- Protein nạc, bao gồm thịt gà, trứng và cá.
- Chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như bơ, dầu dừa, dầu ô liu nguyên chất và dầu hạt lanh.
- Thực phẩm lên men giàu lợi khuẩn như sữa chua.
- Các loại ngũ cốc không chứa gluten, chẳng hạn như cám yến mạch, kiều mạch và gạo.
- Các loại hạt bao gồm hạnh nhân, dừa, hạt lanh và hạt hướng dương.
- Thực phẩm giàu Probiotics (sữa chua, phô mai, rong biển,...)
Trẻ bị nấm miệng không nên ăn gì
Trẻ bị nấm miệng không nên ăn các thực phẩm sau:
- Các loại rau có nhiều tinh bột, chẳng hạn như khoai tây, ngô, đậu và đậu Hà Lan.
- Các trái cây có lượng đường cao, bao gồm chuối, xoài và nho khô.
- Một số loại thịt nên hạn chế ăn chẳng hạn như thịt chế biến và cá nuôi trong trang trại.
- Các sản phẩm từ sữa có hàm lượng lactose cao, chẳng hạn như sữa và pho mát mềm.
- Chất béo và dầu đã qua chế biến, ví dụ như dầu hạt cải, dầu đậu nành và bơ thực vật.
- Một số loại quả hạch và hạt không nên ăn bao gồm đậu phộng, quả hồ đào, quả hồ trăn và hạt điều.
- Một số đồ uống, chẳng hạn như cà phê và trà có chứa caffeine, đồ uống có đường.
Trẻ bị nấm miệng phải làm sao đã được chúng tôi giải đáp ở trên. Nấm miệng rất thường gặp ở trẻ em nên bạn cũng cần chuẩn bị một số kiến thức cơ bản về nó. Nếu có thắc mắc hoặc cần đặt lịch khám cho trẻ, hãy liên hệ với IVIE – bác sĩ ơi qua tổng đài: 1900.3367 để được đội ngũ bác sĩ nhi khoa hỗ trợ nhanh nhất.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.