Lang ben là bệnh nấm da, thường phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi, bệnh có thể lây nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp. Cùng IVIE - Bác sĩ ơi tìm hiểu tất tần tật về bệnh lang ben trong bài viết bên dưới.
1. Lang ben là bệnh gì?
Lang ben là một bệnh do nhiễm nấm da thường gặp, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trẻ. Nam giới mắc với tỉ lệ cao hơn nữ giới.
Bệnh thường gặp ở một số vùng nhiệt đới do điều kiện khí hậu ấm và ẩm là điều kiện tốt cho nấm phát triển.
Một số yếu tố thuận lợi như: vùng da nhiều dầu (mặt, ngực, lưng), mồ hôi quá nhiều, suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng kém, mang thai và sử dụng corticosteroid cả đường bôi và uống.
Lang ben là một bệnh do nhiễm nấm da thường gặp
2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Bệnh lang ben do nấm thuộc nhóm Malassezia gây nên. Đây là một loại nấm men, ưa sừng, ưa lipit, rất khó nuôi cấy. Bình thường Malassezia sống hoại sinh trên da người, lây nhiễm từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua khăn lau, giường chiếu…
Ngoài gây bệnh lang ben, nấm thuộc nhóm này có thể gây các bệnh khác như: Viêm nang lông, viêm da dầu và đôi khi xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám da liễu tại các phòng khám uy tín hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin các CSYT và đặt lịch chủ động hơn!
1900 3367
3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh
Tổn thương là dát hình tròn hay hình bầu dục trên có vảy da mỏng. Có thể cào nhẹ trên bề mặt tổn thương để phát hiện vảy da trong trường hợp khó phát hiện vảy da
Các tổn thương liên kết với nhau thành mảng lớn hình đa cung. Vị trí thường gặp ở vùng da tiết nhiều chất bã, đặc biệt là vùng ngực và vùng liên bả vai.
Ngoài ra, tổn thương có thể gặp ở mặt (thường gặp ở trẻ em), da đầu, khoeo, dưới vú và bẹn.
Màu tổn thương hay gặp nhất là màu nâu (tăng sắc tố) và nâu vàng (giảm sắc tố); thỉnh thoảng có hiện tượng viêm nhẹ (màu hồng). Do nấm ngăn cản hấp thụ tia cực tím từ ánh sáng mặt trời nên khi chúng ta ra nắng vùng da lành sẽ sẫm màu hơn, do đó vùng tổn thương càng nổi rõ. Màu sắc của tổn thương phụ thuộc sắc tố da bình thường, sự tiếp xúc ánh sáng mặt trời và mức độ bệnh, thường thành đám, có vảy.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh lang ben
Ngoài ra ở một số bệnh nhân có viêm nang lông với tổn thương dạng sẩn hoặc mủ quanh nang lông, ngứa khi bệnh nhân ra nắng. Các tế bào men sinh sản mạnh và làm bít các lỗ chân lông.
Bệnh nhân có thể có ngứa nhẹ nhất là khi thời tiết nóng bức, lao động hoặc hoạt động thể lực nhiều.
4. Các xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định
- Soi đèn Wood: Dưới ánh sáng đèn Wood, tổn thương lang ben có màu vàng sáng hoặc vàng huỳnh quang. Màu huỳnh quang được phát hiện ở vùng rìa của tổn thương.
- Soi trực tiếp: Sử dụng kính hiển vi soi bệnh phẩm vảy da lấy từ tổn thương, hình ảnh bào tử xen kẽ với sợi nấm ngắn từ bệnh phẩm được lấy bằng băng dính hoặc cạo vảy da ở thương tổn.
- Nuôi cấy: Ít làm chỉ khi nghi ngờ nấm máu Khi nuôi cấy Malassezia cần phủ trên đó lớp dầu bởi khả năng ưa dầu tự nhiên của nấm.
Ngoài ra còn có các bệnh lý da liễu khác ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
5. Cần chẩn đoán phân biệt với những bệnh gì?
- Chàm khô: Tổn thương có màu trắng và có vảy
- Giảm sắc tố sau viêm của các bệnh lý khác như viêm da cơ địa
- Bệnh bạch biến
- Viêm da dầu
- Vảy phấn hồng Gibert
- Nấm thân mình
- Viêm nang lông do nguyên nhân khác, đặc biệt viêm nang lông có ngứa và trứng cá.
6. Điều trị và phòng bệnh
Điều trị bệnh lang ben
- Bạn cần đến khám bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh trường hợp dùng thuốc không đúng bệnh gây nên nhiều tác dụng không mong muốn.
- Các thuốc bôi có thể sử dụng như: Ketoconazol, Terbinafine…
- Các thuốc dùng đường uống: Itraconazol, Fluconazol…
Điều trị bệnh lang ben bằng Ketoconazol
Phòng bệnh lang ben
- Dùng sữa tắm không chứa xà phòng.
- Hạn chế các hoạt động ra nhiều mồ hôi.
- Giặt là quần áo hằng ngày trong quá trình điều trị.
Lang ben là bệnh nấm da, thường phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi, bệnh có thể lây nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp. Cần hiểu rõ về bệnh để điều trị và dự phòng bệnh đúng đắn.
Tuy nhiên, nếu bạn bè hoặc người thân của bạn có các dấu hiệu nghi ngờ trong số các triệu chứng kể trên, hãy đặt lịch khám thông qua IVIE - Bác sĩ ơi để được thăm khám, tư vấn và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.