Bệnh tâm thần có những triệu chứng phức tạp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố xã hội lẫn con người. Các triệu chứng có thể tiến triển âm thầm hoặc cũng có khi biểu hiện rầm rộ. Hội chứng tâm thần bao gồm nhiều phân loại, thường được sắp xếp theo những bậc thang từ nhẹ nhất cho tới nặng nhất. Cùng ISOFHCARE tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Triệu chứng âm tính và dương tính của bệnh tâm thần
Lâm sàng tâm thần học thường đối chiếu các triệu chứng âm tính với các triệu chứng dương tính.
Các triệu chứng âm tính (hay các hiện tượng suy sụp), thể hiện sự tiêu hao, mất mát trong hoạt động tâm thần. Thí dụ cảm xúc khô lạnh, tư duy nghèo nàn,...các triệu chứng dương tính (hay các hiện tượng kích thích) thể hiện phong phú, cơ động và đa dạng trong hoạt động tâm thần. Thí dụ: ảo giác, hoang tưởng, ám ảnh, mê mộng,...
Các triệu chứng âm tính tiến triển từ từ, chậm chạp nhưng làm tan rã nhân cách một cách sâu sắc, trầm trọng. Các triệu chứng dương tính tuy rầm rộ nhưng có tính chất tạm thời và có khi mất đi không để lại dấu vết trong nhân cách.
Các triệu chứng âm tính tiến triển từ từ, chậm chạp.
Mối tương quan qua lại khác nhau giữa các hội chứng dương tính và âm tính giúp nhiều cho chẩn đoán phân biệt giữa những bệnh tâm thần có những hội chứng dương tính giống nhau.
Thí dụ: hội chứng âm tính của quá trình phân liệt giúp chẩn đoán phân biệt giữa hội chứng paranoit của loạn thần phản ứng với hội chứng paranoit của bệnh tâm thần phân liệt.
Tỷ lệ giữa các triệu chứng âm tính và dương tính cũng còn giúp cho sự tiên lượng bệnh: triệu chứng âm tính càng nhiều, càng sâu sắc, bệnh càng nặng. Thí dụ: thể đơn thuần của bệnh tâm thần phân liệt bao gồm chủ yếu các triệu chứng âm tính là một thể bệnh ác tính.
2. Quy luật phát triển các hội chứng tâm thần
Hội chứng tâm thần có nhiều loại và thường được sắp xếp theo những bậc thang từ nhẹ đến nặng. Thí dụ: hội chứng suy nhược là một hội chứng nhẹ, hội chứng căng trương lực là một hội chứng nặng. Các bậc thang hội chứng tâm thần thể hiện mức độ rối loạn tâm thần nặng nhẹ không tương ứng với mức độ hồi phục. Thí dụ: hội chứng mê sảng nặng hơn hội chứng ám ảnh. Những hội chứng mê sảng có thể qua nhanh không để lại dấu vết, còn hội chứng ám ảnh có thể tồn tại dai dẳng, trở nên mãn tính. Mức độ phục hồi của hội chứng phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh tâm thần. Thí dụ: hội chứng ảo giác paranoit có thể phục hồi nhanh trong loạn thần phản ứng, nhưng có thể kéo dài rất lâu trong bệnh tâm thần phân liệt.
Hội chứng suy nhược có thể gặp trong bệnh tâm căn suy nhược.
Trong những giai đoạn khác nhau của nhiều bệnh tâm thần khác nhau có thể xuất hiện một hội chứng tâm thần giống nhau. Chính điều này làm cho chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Thí dụ: hội chứng suy nhược có thể gặp trong bệnh tâm căn suy nhược, trong bệnh tâm thần phân liệt, cũng như trong các bệnh loạn thần thực thể khác nhau, Để khắc phục khó khăn trong chẩn đoán, cần nắm vững mối tương quan giữa các triệu chứng âm tính và dương tính. Ngoài ra, cần quán triệt một số quy luật tiến triển các hội chứng tâm thần:
- Một hội chứng chỉ là một khâu trong toàn bộ dây truyền phản ứng bệnh lý, một giai đoạn trong quá trình tiến triển của bệnh. Sau hội chứng này sẽ xuất hiện một hội chứng khác. Thể hiện các đặc điểm của một giai đoạn mới trong quá trình bệnh lý. Thí dụ: trong bệnh loạn thần phản ứng bán cấp hysteria, sau hội chứng sa sút giả là hội chứng trẻ con hóa rồi đến hội chứng thoái hóa tâm thần, rồi đến hội chứng bất động.
- Mỗi bệnh tâm thần có một nhóm hội chứng đặc trưng cho bệnh ấy, thay thế nhau theo những định hình nhất định. Theo Snejnepxki, trong bệnh tâm thần phân liệt có chín hội chứng dương tính thay thế nhau theo những bậc thang từ nhẹ đến nặng
- Số lượng các hội chứng của mỗi nhóm ít hay nhiều còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ khác nhau của các bệnh tâm thần. Thí dụ: nhóm hội chúng trong các bệnh tâm căn ít hơn, nhỏ hơn nhóm hội chứng trong bệnh tâm thần phân liệt và bệnh loạn thần thực thể có nhóm hội chứng nhiều nhất, lớn nhất.
- Bệnh tâm thần càng phát triển thì các hội chúng trở nên nhiều hơn, phức tạp, đa dạng hơn. Thí dụ: trong bệnh tâm thần phân liệt sau hội chứng paranoit là hội chứng paranoit rồi đến hội chứng paraphrenia,...
Bệnh tâm thần càng phát triển thì các hội chúng trở nên nhiều hơn, phức tạp, đa dạng hơn.
Thực hiện tìm kiếm lời khuyên chuyên khoa càng sớm càng tốt nếu bạn đang cảm thấy lo lắng. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng rối loạn trở nên tồi tệ hơn.
Người bệnh nên tuân thủ và nghiêm túc thực hiện kế hoạch điều trị để giúp ngăn ngừa tái phát hoặc trầm trọng hơn các triệu chứng.
Tìm kiếm sự điều trị chuyên nghiệp từ các bác sĩ tâm lý nếu bạn có lo lắng, trầm cảm hoặc các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần khác, để bạn có thể hình thành các kỹ năng đối phó lành mạnh. Nếu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào muốn được IVIE - Bác sĩ ơi giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline: 19003367.
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.