Nhọt là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, chúng ta không nên tự ý điều trị và trích rạch tổn thương tại nhà dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Cùng IVIE - Bác sĩ ơi tìm hiểu nguyên nhân, điều trị và dự phòng bệnh nhọt trong bài viết dưới đây.
1. Nhọt là bệnh gì?
Nhọt là tình trạng viêm cấp tính ở nang lông gây hoại tử nang lông và các tổ chức xung quanh.
Bệnh thường gặp về mùa hè với tỉ lệ nam nhiều hơn nữ. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên, bệnh hay gặp hơn ở trẻ em và một số bệnh nhân có bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch và đái tháo đường.
Bệnh có thể gây đau nhiều và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Nhọt là tình trạng viêm cấp tính ở nang lông
2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Nguyên nhân gây nhọt hay gặp nhất và vi khuẩn tụ cầu vàng trên da. Bình thường vi khuẩn này sống ký sinh trên da tập trung nhiều nhất là ở các nang lông vùng nếp gấp như rãnh liên mông, nách, cổ…hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi.
Khi có tổn thương tại nang lông kết hợp với những điều kiện thuận lợi như tình trạng miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, tiểu đường…vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh nhọt.
3. Biểu hiện của bệnh là gì?
Tổn thương ban đầu là sần nhỏ, màu đỏ, có thể sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau vài ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ trắng.
Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, nhất là khi nhọt khu trú ở mũi và trán
Vị trí thường gặp là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay
Số lượng tổn thương có thể ít hoặc nhiều, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng.
Biểu hiện của nhọt
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám da liễu tại các phòng khám uy tín hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin các CSYT và đặt lịch chủ động hơn!
1900 3367
4. Biến chứng của bệnh là gì?
Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp, nhất là ở những người suy dinh dưỡng.
Nhọt ở vùng môi trên và ở má có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch xoang hang và nhiễm khuẩn huyết.
Tổn thương có thể để lại thâm hoặc sẹo xấu sau khi khỏi bệnh.
Ngoài ra ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen phế quản, lao phổi có thể gặp tình trạng nhọt cụm còn gọi là nhọt bầy hay hậu bối gồm một số nhọt xếp thành đám. Bệnh gây đau nhiều và có thể để lại sẹo xấu gây ảnh hưởng thẩm mỹ cho người bệnh.
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Bệnh có thể gây nhầm lẫn với viêm nang lông, herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ, cần chẩn đoán phân biệt bệnh ở giai đoạn sớm.
Ngoài ra còn có các bệnh lý da liễu khác ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
5. Điều trị bệnh như thế nào?
Nguyên tắc điều trị nhọt chung:
- Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác.
- Điều trị chống nhiễm khuẩn toàn thân và tại chỗ
- Nâng cao thể trạng
Điều trị tại chỗ:
- Ở giai đoạn sớm, chưa có mủ: không nặn, kích thích vào thương tổn; bôi dung dịch sát khuẩn ngày 2-4 lần
- Giai đoạn có mủ: cần phẫu thuật rạch rộng làm sạch thương tổn.
- Dung dịch sát khuẩn: dùng một trong các dung dịch sau: Povidone-iodine 10%, Hexamidine 0,1%, Chlorhexidine 4%
- Thuốc kháng sinh tại chỗ : Kem hoặc mỡ axit fusidic 2% bôi 1- 2 lần ngày, mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày, mỡ neomycin, bôi 2- 3 lần/ngày, kem silver sulfadiazine 1% bôi 1-2 lần/ngày. Bôi thuốc lên tổn thương sau khi sát khuẩn, thời gian điều trị từ 7-10 ngày.
Kháng sinh toàn thân như: Augmentin, Cefuroxim...
6. Biện pháp phòng bệnh là gì?
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: cắt móng tay, rửa tay hàng ngày.
- Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da.
- Nâng cao thể trạng
- Hạn chế các chấn thương trên da
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: cắt móng tay
Nhọt là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, chúng ta không nên tự ý điều trị và trích rạch tổn thương tại nhà dẫn đến các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết. Chúng ta cần đến các cơ sở y tế và khám với bác sĩ da liễu để được khám và điều trị đúng phác đồ.
Gọi đến tổng đài IVIE - Bác sĩ ơi để được tư vấn và đặt lịch khám tại các bệnh viện tuyến trung ương hoặc phòng khám da liễu uy tín, chủ động điều trị sớm nâng cao hiệu quả điều trị.
1900 3367
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.