Mỗi năm ước có hơn 17,9 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh lý tim mạch. Trải qua nhiều giai đoạn biến đổi của xã hội và kinh tế cũng như sự phát triển của khoa học kĩ thuật, bệnh tim mạch đã trở thành nhóm bệnh lý có tỉ lệ tử vong, tỉ lệ tàn tật cũng như gây ra gánh nặng kinh tế - y tế cao nhất trong khoảng 4 thập niên trở lại đây. Vậy nên, biết cách nhận ra các dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch thường gặp sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.
1. Bệnh tim mạch là gì?
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, Bệnh tim mạch (CVDs) hình thành là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp tăng (cao huyết áp), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Cũng theo WHO, hơn bốn trong số năm ca tử vong do bệnh tim mạch là do đau tim và đột quỵ, và một phần ba số ca tử vong này xảy ra sớm ở những người dưới 70 tuổi.
2. Các bệnh tim mạch phổ biến
a. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp, là tình trạng áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Máu được đưa từ tim đến tất cả các bộ phận của cơ thể theo đường đi của hệ động mạch. Mỗi một chu kì nhất định, trung bình 0,75s, tim hoạt động như cái bơm, để bơm máu vào các mạch máu. Lực bơm máu này là yếu tố chính tạo thành huyết áp (động mạch).
Nhiều người mắc tăng huyết áp không nhận thấy các triệu chứng của bệnh và quả thực, đây là một bệnh lý có diễn biến khá thầm. Đôi khi người bệnh có thể gặp các triệu chứng bao gồm nhức đầu, chảy máu cam, mệt mỏi, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực và ù tai. Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn có thể biểu hiện đau ngực, khó thở, liệt chi, dây thần kinh. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phình tách động mạch chủ, suy thận, …. Các bệnh lý này được gọi là tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp.
Tăng huyết áp cũng có thể gây đột quỵ bằng cách làm tắc nghẽn hoặc làm vỡ các động mạch cung cấp máu và oxy cho não, cũng như tổn thương thận, có thể dẫn đến suy thận. Huyết áp cao gây hại cho tim bằng cách làm cứng các động mạch và giảm lượng máu và oxy đến tim.
Việc phát hiện tăng huyết áp được thực hiện bằng đo huyết áp tại bất kì đâu nhanh chóng và không gây đau đớn. Nếu huyết áp của bạn trong giới hạn bính thường thì bạn có thể theo dõi tại nhà, nhưng nếu HA ≥ 140/90mmHg lặp lại nhiều lần khi nghỉ ngơi, điều đó có nghĩa là bạn có thể đang mắc tăng huyết áp và việc gặp chuyên gia y tế là cần thiết.
b. Bệnh mạch vành
Bệnh động mạch vành là tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành thường do sự tích tụ của chất béo không tốt bị lắng đọng trong lòng mạch máu được gọi là mảng xơ vữa. Bệnh động mạch vành còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Hội chứng mạch vành cấp tính là tên gọi của các loại bệnh mạch vành có liên quan đến sự tắc nghẽn đột ngột nguồn cung cấp máu đến tim của bạn. Một số người bệnh có các triệu chứng trước khi họ bị hội chứng mạch vành cấp tính, nhưng bạn có thể không có triệu chứng cho đến khi tình trạng này xảy ra. Một số người không bao giờ có bất kỳ triệu chứng nào nguyên nhân là do sự tích tụ mảng bám trong động mạch của bạn mất nhiều năm đến hàng thập kỷ. . Những thay đổi do hội chứng mạch vành cấp có thể thấy trên điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm máu. Đây là những tình trạng đe dọa tính mạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Các triệu chứng phổ biến nhất là cơn đau thắt ngực hoặc khó thở, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất mạnh như chạy bộ, thể thao cần sự gắng sức.
c. Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là thuật ngữ chung để chỉ một loạt các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim. Nhiều trường hợp bệnh tim bẩm sinh được chẩn đoán trước khi trẻ chào đời khi siêu âm thai . Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể phát hiện ra các dị tật tim bẩm sinh bằng cách này.
Các bệnh tim bẩm sinh phổ biến là:
- Thông liên thất, thông liên nhĩ
- Hẹp eo động mạch chủ.
- Hẹp van động mạch phổi.
- Chuyển vị đại động mạch.
- Tứ chứng fallot.
Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám tim mạch tại các bệnh viện tuyến trung ương, phòng khám uy tín hoặc Tải ứng dụng Bác sĩ ơi - IVIE - Bác sĩ ơi để xem thông tin các CSYT và đặt lịch chủ động hơn!
d. Bệnh van tim
Bệnh van tim là bệnh lý tổn thương một hoặc nhiều van trong tim làm van tim giảm hoặc mất khả năng hoạt động bình thường từ đó ảnh hưởng tơi chức năng tim và gây ra triệu chứng cho người bệnh.
Trái tim có bốn van giúp máu lưu thông theo hướng chính xác. Trong một số trường hợp, một hoặc nhiều van không đóng hoặc mở đúng cách. Điều này có thể khiến dòng máu từ tim đến cơ thể bị gián đoạn.
Điều trị bệnh van tim phụ thuộc vào van tim bị ảnh hưởng mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim cũng như triệu chứng của người bệnh. Đôi khi bệnh van tim cần phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim.
e. Bệnh mạch máu ngoại vi
Bệnh mạch máu ngoại vi (PVD) là một rối loạn tuần hoàn máu khiến các mạch máu bên ngoài tim bị thu hẹp, tắc nghẽn hoặc co thắt. Mạch máu tổn thương có thể xảy ra ở động mạch hoặc tĩnh mạch của bạn. PVD thường gây ra triệu chứng thiếu máu hoặc tắc nghẽn ở đầu chi dẫn đến triệu chứng đau và mệt mỏi , thường ở chân, và đặc biệt là khi tập thể dục. Cơn đau thường cải thiện khi nghỉ ngơi.
Các biến chứng do mạch máu ngoại vivị khi không được chẩn đoán và điều trị có thể nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng. Lưu lượng máu hạn chế của động mạch ngoại biên có thể là dấu hiệu cảnh báo các dạng bệnh mạch máu khác. Khi chúng bị tắc nghẽn, nó có thể dẫn đến hoại tử chi, đau tim , đột quỵ hoặc tử vong.
f. Thấp tim
Thấp tim hay còn gọi là van tim hậu thấp là bệnh lý xảy ra do liên cầu khuẩn gây tan máu nhóm A – gây viêm họng sau đó dẫn tới tổn thương các cơ quan khác như não, khớp, tim,... Thường mất khoảng 1 đến 5 tuần sau khi bị viêm họng hoặc sốt ban đỏ để phát triển thành thấp tim.
Chẩn đoán sớm các bệnh nhiễm trùng cho liên cầu nhóm A và điều trị là chìa khóa để ngăn ngừa thấp tim.
g. Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là sự rối loạn trong dẫn truyền hoặc tạo thành xung động của tim. Nhịp tim bị nhanh hoặc chậm hoặc đập không đều. Biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, khiến người bệnh khó chịu với những đợt hồi hộp đánh trống ngực kèm toát mồ hôi, thậm chí choáng, ngất, đau ngực, khó thở.
Các rối loạn nhịp tim rất đa dạng, trong đó nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất là các cấp cứu tim mạch, có nguy cơ tử vong. Vì vậy khi có các đợt hồi hộp trống ngực kèm khó thở, ngất, chóng mặt, đau ngực người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất. Về cận lâm sàng, điện tâm đồ (ECG) giúp chẩn đoán được hình thái rối loạn nhịp. Mục tiêu điều trị của bệnh là cắt cơn rối loạn nhịp và duy trì chức năng tim.
h. Suy tim
Suy tim là trạng thái bệnh lý đồng thời cũng là biến chứng cuối cùng của các bệnh tim mạch. Trong đó, cơ tim mất khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể, lúc đầu khi gắng sức rồi sau đó cả khi nghỉ ngơi. Nguyên nhân gây suy tim đa dạng, chẩn đoán suy tim trong đa số trường hợp dựa vào lâm sàng với khó thở kịch phát về đêm, khó thở khi gắng sức, nghỉ ngơi thì giảm khó thở, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi, mệt mỏi, gan to, …Suy tim cấp là bệnh cảnh nặng nề có thể gây tử vong vì thế cần cấp cứu.
Siêu âm tim là công cụ cần có ngày nay để phân loại suy tim cũng như phát hiện bệnh lý cấu trúc của tim. Phương tiện điều trị ngày càng tiến bộ giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh gồm cả điều trị nội khoa và ghép tim.
Các bệnh tim mạch đa số thường nặng nề, gặp ở mọi lứa tuổi, gây nhiều biến chứng trên khắp các cơ quan. Đặc biệt người lớn tuổi hoặc có người thân mắc bệnh tim mạch càng không được chủ quan. Sàng lọc tim mạch định kỳ và đến khám tại các bác sỹ chuyên khoa tim mạch giúp phát hiện sớm bệnh, điều trị và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện lối sống lành mạnh và chăm tập luyện cũng giúp phòng chống bệnh tim mạch. IVIE - Bác sĩ ơi tự tin về đội ngũ y bác sỹ nhiều kinh nghiệm kết hợp các máy móc hiện đại sẽ giúp theo dõi tốt vấn đề tim mạch và sức khỏe toàn diện của bạn. Hãy liên hệ với chúng tôi để đặt lịch khám và tư vấn sớm nhất nhé!
Thông tin trên IVIE - Bác Sĩ Ơi và các trang liên kết không thay thế cho lời khuyên y tế, chẩn đoán hoặc điều trị từ các chuyên gia y tế. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ về bất kỳ sản phẩm nào bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Công ty TNHH 1 thành viên ISOFHCARE không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thông tin nào chưa chính xác hoặc việc sử dụng sản phẩm mà không có sự tư vấn của bác sĩ, chỉ dựa trên thông tin từ chúng tôi.